Lược dịch từ www.aerospaceweb.org và tham khảo các nguồn tư liệu khác.
Cho đến ngày nay (2018), hơn 70 năm sau khi sáng chế ra vũ khí hạt nhân, việc sử dụng chúng chỉ dừng lại ở hai vụ tấn công Hiroshima và Nagasaki trên lãnh thổ Nhật Bản. Riêng ở Hiroshima, với sức bom nổ tương đương 15 ngàn tấn thuốc nổ TNT (15 kiloton), 120 tới 140 ngàn người dân đã thiệt mạng, tức là gấp hai lần rưỡi số lính Mỹ tử trận trong toàn bộ chiến tranh Việt Nam.
Nhưng nếu so với vũ khí hạt nhân thế hệ sau, thì 15 kiloton còn quá bé nhỏ. Cường quốc hạt nhân vừa mới ghi tên vào danh sách là Bắc Hàn, đã tiến hành một loạt vụ thử cỡ từ 70 đến 300 kiloton mỗi vụ. Tên lửa Bulava của Nga hiện nay mang được 9-10 đầu đạn với sức nổ từ 300 đến 550 kiloton mỗi đầu. Một tàu ngầm như Yuriy Dolgorukiy mang theo mình sức công phá gấp bốn đến năm ngàn lần Hiroshima!
Dễ hiểu là với khả năng hủy diệt lớn đến như thế, việc kiểm soát an toàn cho từng vũ khí, từng kilogam nguyên liệu, từng quy trình thao tác phải được đặt lên hàng đầu. Là một thường dân, người ta có quyền tin rằng các quốc gia hạt nhân phải hành xử trách nhiệm, giám sát và bảo quản vũ khí kỹ càng, không để chúng thất lạc, rơi vào tay bọn khủng bố hoặc cuồng tín.
Nhưng sự thật không hẳn như thế.
Do những rủi ro và tai nạn trong quá trình vận chuyển, lắp đặt, thử nghiệm … mà khá nhiều vũ khí cùng với nguyên liệu chế tạo đã bị thất lạc. Con số chính xác dường như không thể tìm thấy, do rất nhiều quốc gia không công bố hồ sơ của mình như Trung quốc, Ấn độ, Pakistan … Chỉ có Mỹ và sau này là Nga cung cấp một số báo cáo, cho thấy khoảng 50 vũ khí đã bị thất lạc không thể thu hồi, cùng với đó là 26 lò phản ứng bị mất hoặc chìm theo tàu. Về lý thuyết mà nói, nhiên liệu của các lò phản ứng có thể tái chế thành vũ khí hạt nhân.
Hải quân Mỹ xếp các vụ việc tương tự vào cấp độ Mũi Tên Gãy (Broken Arrow), là tai nạn và sự cố khiến vũ khí hoặc lò phản ứng hạt nhân có thể phát nổ, song không gây ra chiến tranh hạt nhân. Dựa theo đạo luật về tự do thông tin, nhiều nhà báo đã khai thác và tổng hợp những hồ sơ giải mật, qua đó dựng lại phần nào câu chuyện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả ghi lại những vụ nổi tiếng nhất, để độc giả có thể hình dung được chúng ta đã từng cận kề thảm họa tới mức nào.
(Ảnh: Bom MK-39 ở Goldsboro. Nguồn: American Experience)
Ngày 10/3/1956: Hai thùng nguyên liệu vũ khí hạt nhân mất tích cùng chiếc B-47 xấu số
Đây là chuyến bay thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài. Hàng loạt các máy bay B-47 được cử đi từ căn cứ MacDill, Florida tới các địa điểm khác nhau trên thế giới. Cũng trong thời gian đó, kỹ thuật tiếp dầu trên không được ứng dụng, với chuyến bay tiếp dầu đầu tiên vòng quanh thế giới năm 1949. Các máy bay ném bom, được tankers tiếp sức, liên tục triển khai các chuyến bay đường dài.
Bốn chiếc B-47 nhận nhiệm vụ xuất phát đi căn cứ Ben Guerir ở Morocco. Mỗi chiếc mang theo hai thùng nguyên liệu vũ khí hạt nhân. Những thùng này được thiết kế riêng để vận chuyển và khi không được lắp đặt đúng cách, sẽ không thể tạo ra một vụ nổ hạt nhân. Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy, trong thùng là uranium đã làm giàu ở cấp độ quân sự.
Máy bay cất cánh từ căn cứ quân sự ở Florida, hướng về phía Đông. Theo lịch, phải có hai chuyến tiếp dầu trên không để máy bay đến đích. Chuyến thứ nhất đã diễn ra bình thường. Dù vậy, một trong bốn chiếc B-47 không xuất hiện ở điểm tiếp dầu thứ hai. Người ta cho rằng nó có thể rớt trong phạm vi Địa Trung Hải, song không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của máy bay, phi công hay hàng hóa mà nó mang theo.
Tính đến chu kỳ bán hủy 700 triệu năm của Uranium-235, chất lượng của lô hàng này – nếu được bảo quản đến ngày nay – vẫn chưa hề suy xuyển.
Ngày 24/1/1961: Máy bay B-52 của Không quân Mỹ mang hai quả bom nhiệt hạch MK-39 loại 3000-4000 kiloton cất cánh từ Nort Carolina. Họ dự định thực hiện thao tác tiếp dầu trên không và đã tiếp cận máy bay tanker phối hợp.
Phát hiện nhiên liệu rò rỉ mạnh từ cánh phải chiếc B-52, tổ bay tanker cho hủy bỏ việc tiếp dầu và thông báo khẩn cấp đến tổ bay kia cùng với đài chỉ huy mặt đất. Mệnh lệnh đưa ra là phải tìm cách đưa máy bay hạ cánh, đồng thời đảm bảo an toàn cho hàng hóa và phi công. Năm trong số tám thành viên kíp lái đã kịp nhảy dù trước. Ba người còn lại đang điều khiển máy bay hạ thấp độ cao thì vụ nổ xảy ra trên vùng Goldsboro, khiến thân máy bay bị xé toạc.
Hai quả bom văng ra ngoài sau vụ nổ. Một quả đã tự bung dù và tiếp đất nhẹ nhàng, hầu như nguyên vẹn. Quả thứ hai bị vỡ khi chạm đất, và các vật liệu chế tạo bom bay tung tóe trên một khu vực rộng. Người ta tìm lại được khối plutonium, nhưng phần uranium làm giàu để kích hoạt giai đoạn nhiệt hạch của bom đã bị mất.
Theo tài liệu giải mật vào năm 2011. đội cứu hộ tai nạn phát hiện cả hai quả bom, không rõ bằng cách nào, đã tự khởi động quá trình kích hoạt. Người ta nhận thấy ba trong số bốn cơ cấu khóa an toàn chuyển sang trạng thái "Sẵn sàng" – chỉ còn một cơ cấu khóa duy nhất chặn đứng thảm họa hạt nhân. Tính đến tổng sức công phá bằng khoảng 500 lần Hiroshima, bờ đông của nước Mỹ sẽ cực kỳ khác hiện nay nếu chúng phát nổ.
Tai nạn này trở thành tiền đề cho việc cải tiến các cơ cấu an toàn, cũng như tăng cường chia sẻ các cơ cấu này với Liên Xô.
Ngày 5/12/1965: Máy bay ném bom A-4E trượt khỏi boong tàu sân bay Ticonderoga, mang theo một quả bom nhiệt hạch loại B-43 cỡ 1000 kiloton.
Sau khi tham chiến ở Việt Nam, tàu đang trên đường quay về Mỹ. Tai nạn xảy ra khi nó ở cách Okinawa (Nhật Bản) 200 hải lý về phía đông. Một phi công được giao nhiệm vụ đưa chiếc máy bay từ trong nhà chờ hangar ra thang nâng boong để chuẩn bị cất cánh, đã quá đà trượt ra ngoài. Kết quả là phi công, máy bay và bom nguyên tử lao thẳng xuống biển.
Vụ việc đã làm dấy lên hàng loạt các vấn đề về việc tại sao lại mang theo vũ khí hạt nhân đến một cuộc chiến không thật sự cần đến nó, và tại sao các phi công lại mang theo chúng để thực hiện một nhiệm vụ tuần tiễu. Thật khó mà tin rằng, một chiếc máy bay mang theo bom hạt nhân sẽ duy trì hòa bình tốt hơn là mang vũ khí thường. Tuy thế, chỉ sau vụ đánh rơi bom tiếp theo ở Palomares (Tây Ban Nha - 1966), người Mỹ mới từ bỏ việc tuần tiễu hạt nhân này.
Sự cố lớn hơn xảy ra trong quan hệ ngoại giao với Nhật. Nước Nhật hết sức bất bình vì một số lý do, thứ nhất là luật pháp Nhật cấm tuyệt đối vũ khí hạt nhân – do đó tàu thuyền của các quốc gia khác không được mang theo chúng khi vào hải phận, mà tàu Ticonderoga lại đang trên đường cập cảng Nhật trước khi về nước. Thứ hai, người Mỹ nói dối về địa điểm xảy ra tai nạn, khi thông báo rằng tàu "ở cách đất liền 500 hải lý". Song thực tế, tàu cách đảo gần nhất 70 hải lý, và cách Okinawa 200 hải lý. Thứ ba, người Mỹ đã che dấu vụ việc này trong suốt 16 năm, và chỉ thông báo đến Nhật vào năm 1981! Uy tín của Hải quân Mỹ, không cần phải nói, đã rớt thảm hại trong con mắt người Nhật.
Ngày 21/1/1968: Máy bay B-52 mang theo 4 quả bom hạt nhân hạ cánh khẩn cấp ở Greenland do hỏa hoạn trên khoang.
Phi hành đoàn không thể đáp đúng đường băng, khiến máy bay rơi cách sân bay hơn 10km, trên mặt lớp băng dày quanh đảo Greenland. Nhiên liệu bốc cháy dữ dội, làm cho một quả bom phát nổ bằng thuốc nổ thường, phát tán vật liệu phóng xạ ra xung quanh. Hai quả bom khác chìm xuống biển vì băng tan từ vụ hỏa hoạn. Sau vụ tai nạn, người ta thu hồi ngay lập tức quả bom còn sót lại, rồi đến tận năm 1979 mới trục vớt được một trong số hai quả bom bị chìm. Quả bom kia có lẽ vẫn nằm lại đáy biển tới ngày nay. Và tương tự như vụ Ticonderoga, quan hệ ngoại giao với Đan Mạch (chủ quyền đảo Greenland) cũng xấu đi trông thấy kể từ sau vụ việc.
Phía Nga không đưa ra báo cáo nào về việc thất thoát vũ khí hạt nhân, song họ mất một số tàu ngầm mang lò phản ứng, ví dụ như tàu K-278 Komsomolets. Nga cũng mất một số vệ tinh – mà người ta tin rằng mang theo lò phản ứng – trong các vụ phóng không thành công. Nhiên liệu từ những lò phản ứng này có thể thu hồi và tái chế thành vũ khí hạt nhân, song công việc đó hiện giờ chưa khả thi về mặt chi phí. Tuy thế, không loại trừ việc một tổ chức bí mật có đủ nguồn tài chính và tình cờ tiếp cận được các hồ sơ mật về địa điểm xảy ra Mũi Tên Gãy. Khi đó, thế giới hãy coi chừng.
Các cường quốc, mặc dù đưa ra những chuẩn mực an toàn cao cấp, vẫn chưa thể ngăn ngừa hoàn toàn sự cố và tai nạn liên quan đến vũ khí hạt nhân. Dễ hiểu tại sao người ta tìm mọi cách để hạn chế một quốc gia tiến sâu vào con đường chế tạo vũ khí, vì họ hiểu rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong việc bảo vệ, vận chuyển và sử dụng chúng. Một lỗi thao tác sai, một cơ cấu an toàn không hoạt động, hoặc một mệnh lệnh từ cấp không có thẩm quyền có thể gây ra vụ nổ hạt nhân không mong muốn, mà hậu quả chắc chắn nặng nề gấp nhiều lần Hiroshima.
Việt nam – may thay hoặc không may thay – chưa từng sở hữu và cũng không có kế hoạch sở hữu vũ khí loại này. Tuy nhiên, một khi chúng ta quyết xây dựng nhà máy điện hạt nhân, thì văn hóa an toàn phải là cái được xây dựng trước hết, trên nền tảng công nghệ dân dụng hiện tại. Khi mà người dân còn thản nhiên cưa bom lấy sắt vụn, chăng dây điện bẫy chuột và đi ngược chiều trên đường cao tốc, thì thảm họa hạt nhân – nếu xảy ra do lỗi bất cẩn của con người – phải tính bằng hàng triệu sinh mạng.
Chưa từng ai muốn nghĩ tới viễn cảnh u ám đến thế!