Cho dù bạn có là người ưa chuộng hòa bình và căm ghét chiến tranh đến mức nào đi nữa, bạn vẫn sẽ phải thừa nhận vũ khí hạt nhân là một thành tựu vĩ đại của loài người. Giờ đây (năm 2017), chúng ta đã có đủ công nghệ để kiểm soát sức công phá cỡ 100 Megaton – bằng khoảng 700 quả bom nguyên tử Hiroshima phát nổ cùng lúc. Chúng ta cũng đã chế ra các tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm xa 10-12,000km, độ chính xác tới vài trăm mét và mang theo cả chục đầu đạn hạt nhân. Câu hỏi tự nhiên nhất: tại sao chúng ta không mang những vũ khí này ra đập tan một cơn bão? Nói cho cùng thì tên lửa đạn đạo cũng như đồ ăn đóng hộp, hết hạn mà không dùng là phải bỏ - mà dỡ bỏ cũng tốn kém lắm chứ.
Thực chất câu hỏi này đã được đặt ra hầu như cùng lúc với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân. Lý do hiển nhiên để không dùng đến chúng, chính là lo ngại về sự nhiễm xạ trong không khí. Với tốc độ gió và vòng xoáy hoàn lưu bão, việc phát tán các đồng vị phóng xạ sẽ thực sự kinh khủng. Nhưng nếu ta bỏ qua việc nhiễm xạ - khoảng hơn phân nửa dân số miền Bắc Việt nam có thể bị phơi nhiễm nếu cho nổ toàn bộ số đầu đạn của một tên lửa phá bão trên vịnh Bắc Bộ - thì liệu vũ khí hạt nhân có phải là giải pháp khả thi?
Đáng tiếc câu trả lời vẫn là "Không", đánh bom các cơn bão không giải quyết được gì, cho dù có dùng đến những phương tiện tiên tiến nhất .
Để hiểu được tại sao sức mạnh của con người vẫn chưa khắc chế được thiên nhiên, ta cần nhìn sâu vào cách thức một cơn bão vận hành và năng lượng mà nó mang theo.
Một cơn bão phát triển đầy đủ gây ra lượng mưa trung bình 15 mm/ngày trong khu vực hoàn lưu bão – tính xấp xỉ trong toàn bộ vùng có đường kính 500-1,000 km (đây là nói đến bão ở khu vực biển Đông, bão ở Đại Tây Dương đổ bộ vào Trung Mỹ và vịnh Mexico còn lớn hơn nữa). Với cơn bão có đường kính 800km, lượng mưa này tương đương 7.54 tỷ tấn nước mỗi ngày. Tính theo nhiệt hóa hơi của nước và chia lại cho thời gian, ta tính được công suất của bão vào khoảng 2.15x10^14 Watts. Để so sánh, công suất tiêu thụ điện cả nước Việt nam thời điểm cao nhất lịch sử (ngày 3/6/2017 vừa qua, lúc nắng nóng kỷ lục) là gần 30x10^9 Watts – bằng một phần 7,200 công suất cơn bão nêu trên. Nói cách khác, nếu ta có nhà máy phát điện khỏe như cơn bão trung bình, thì lượng điện nó làm ra trong một ngày đủ cho nước ta dùng liên tục 20 năm – thậm chí nhiều hơn, vì đâu phải ngày nào cũng nắng nóng kỷ lục.
Để chống lại bão, ta cần có mức công suất tương đương. Nếu tính mỗi Kiloton (đương lượng nổ của các vũ khí hạt nhân) là 4*10^12J, thì cứ mỗi giây cần 50 Kiloton, hay là khoảng hơn 3 vụ Hiroshima.
Một số độc giả có thể lý luận là năng lượng của cơn bão thể hiện qua tốc độ gió chỉ bằng một phần nhỏ con số trên. Theo Cơ quan Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), tỷ suất giữa năng lượng nhiệt và năng lượng gió cỡ khoảng 400:1 . Coi như bão ở Mỹ cũng giống bão ở Việt Nam, thì ta sẽ cần cho nổ một vụ Hiroshima trong mỗi 2 phút đồng hồ. Vẫn là một cấp độ năng lượng khủng khiếp.
Một số độc giả khác có thể nghĩ tới việc đánh bom những cơn bão từ lúc chúng chỉ mới hình thành. Như các bạn thường nghe trong bản tin thời tiết, bão hình thành từ các vùng áp thấp, đến lúc gió mạnh đến mức nào đó thì thăng cấp thành áp thấp nhiệt đới, rồi sau đó thành bão. Nếu dùng bom hạt nhân mà choảng từ sớm, đương nhiên sẽ đỡ tốn bom hơn rất nhiều. Tuy thế, các nhà khí tượng lại không thể tiên đoán chắc chắn liệu một áp thấp có mạnh lên thành bão không. Nếu áp thấp nào cũng đánh bom, thì lượng bom tiêu thụ cuối cùng cũng tương tự như đánh bom các cơn bão vậy.
Một số độc giả khác có thể nghĩ tới việc đánh bom những cơn bão từ lúc chúng chỉ mới hình thành. Như các bạn thường nghe trong bản tin thời tiết, bão hình thành từ các vùng áp thấp, đến lúc gió mạnh đến mức nào đó thì thăng cấp thành áp thấp nhiệt đới, rồi sau đó thành bão. Nếu dùng bom hạt nhân mà choảng từ sớm, đương nhiên sẽ đỡ tốn bom hơn rất nhiều. Tuy thế, các nhà khí tượng lại không thể tiên đoán chắc chắn liệu một áp thấp có mạnh lên thành bão không. Nếu áp thấp nào cũng đánh bom, thì lượng bom tiêu thụ cuối cùng cũng tương tự như đánh bom các cơn bão vậy.
Mặt khác, tâm điểm của cơn bão (mắt bão) là một vùng khí áp thấp, áng chừng bằng 90-94% so với khí áp bình thường (xấp xỉ 1kg/cm2, hay 10 tấn trên mỗi mét vuông). Một vụ nổ hạt nhân tại tâm sẽ gây ra đợt sóng xung kích, sóng này đẩy mọi thứ ra xa tâm nổ - kể cả không khí. Trong khi điều chúng ta cần thực chất lại ngược lại, bổ sung không khí vào tâm bão để làm mất độ chênh áp suất với các vùng xung quanh.
Để hạ gục hoàn toàn một cơn bão, ta cần bù cho mỗi mét vuông tâm bão 5% áp suất thông thường, tức khoảng 0.5 tấn/m2. Với mắt bão đường kính 20km, tính ra phải vận chuyển 157 triệu tấn không khí. Nghe có vẻ cũng to đấy, nhưng thực ra thì to đến mức nào? Nếu ta vận chuyển không khí bằng cách nén chúng vào container đến giới hạn khối lượng cho phép, thì lượng hàng này choán hết một nửa toàn bộ sức chuyên chở container của thế giới.
Kết luận: công nghệ hiện nay (2017) chưa đủ sức để khắc chế một cơn bão. Thậm chí chưa đủ để điều chỉnh hướng đi, đẩy bão vào các khu dân cư thưa thớt hoặc vùng rừng núi để tránh thiệt hại cho dân thường. Là người dân của một quốc gia thường xuyên có bão, các bạn cần tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về bão, thực tập phòng chống bão và cứu hộ sau bão. Nên nhớ rằng, thiệt hại trực tiếp do bão gây ra là không nhiều, song các thiệt hại gián tiếp như lũ quét, lở đất, ngập lụt và dịch bệnh kéo theo mới gây nên tổn thất nghiêm trọng.
Và điều may mắn nhất là các thiệt hại gián tiếp này có thể phòng ngừa mà không cần đến vũ khí hạt nhân.
Source: NASA, NOAA, OpenClipart.
Kết luận: công nghệ hiện nay (2017) chưa đủ sức để khắc chế một cơn bão. Thậm chí chưa đủ để điều chỉnh hướng đi, đẩy bão vào các khu dân cư thưa thớt hoặc vùng rừng núi để tránh thiệt hại cho dân thường. Là người dân của một quốc gia thường xuyên có bão, các bạn cần tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về bão, thực tập phòng chống bão và cứu hộ sau bão. Nên nhớ rằng, thiệt hại trực tiếp do bão gây ra là không nhiều, song các thiệt hại gián tiếp như lũ quét, lở đất, ngập lụt và dịch bệnh kéo theo mới gây nên tổn thất nghiêm trọng.
Và điều may mắn nhất là các thiệt hại gián tiếp này có thể phòng ngừa mà không cần đến vũ khí hạt nhân.
Source: NASA, NOAA, OpenClipart.