Sunday, October 29, 2017

Tiêu diệt cơn bão bằng vũ khí hạt nhân






Cho dù bạn có là người ưa chuộng hòa bình và căm ghét chiến tranh đến mức nào đi nữa, bạn vẫn sẽ phải thừa nhận vũ khí hạt nhân là một thành tựu vĩ đại của loài người. Giờ đây (năm 2017), chúng ta đã có đủ công nghệ để kiểm soát sức công phá cỡ 100 Megaton – bằng khoảng 700 quả bom nguyên tử Hiroshima phát nổ cùng lúc. Chúng ta cũng đã chế ra các tên lửa đạn đạo liên lục địa với tầm xa 10-12,000km, độ chính xác tới vài trăm mét và mang theo cả chục đầu đạn hạt nhân. Câu hỏi tự nhiên nhất: tại sao chúng ta không mang những vũ khí này ra đập tan một cơn bão? Nói cho cùng thì tên lửa đạn đạo cũng như đồ ăn đóng hộp, hết hạn mà không dùng là phải bỏ - mà dỡ bỏ cũng tốn kém lắm chứ.

Thực chất câu hỏi này đã được đặt ra hầu như cùng lúc với sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân. Lý do hiển nhiên để không dùng đến chúng, chính là lo ngại về sự nhiễm xạ trong không khí. Với tốc độ gió và vòng xoáy hoàn lưu bão, việc phát tán các đồng vị phóng xạ sẽ thực sự kinh khủng. Nhưng nếu ta bỏ qua việc nhiễm xạ - khoảng hơn phân nửa dân số miền Bắc Việt nam có thể bị phơi nhiễm nếu cho nổ toàn bộ số đầu đạn của một tên lửa phá bão trên vịnh Bắc Bộ - thì liệu vũ khí hạt nhân có phải là giải pháp khả thi?

Đáng tiếc câu trả lời vẫn là "Không", đánh bom các cơn bão không giải quyết được gì, cho dù có dùng đến những phương tiện tiên tiến nhất .

Để hiểu được tại sao sức mạnh của con người vẫn chưa khắc chế được thiên nhiên, ta cần nhìn sâu vào cách thức một cơn bão vận hành và năng lượng mà nó mang theo.

Một cơn bão phát triển đầy đủ gây ra lượng mưa trung bình 15 mm/ngày trong khu vực hoàn lưu bão – tính xấp xỉ trong toàn bộ vùng có đường kính 500-1,000 km (đây là nói đến bão ở khu vực biển Đông, bão ở Đại Tây Dương đổ bộ vào Trung Mỹ và vịnh Mexico còn lớn hơn nữa). Với cơn bão có đường kính 800km, lượng mưa này tương đương 7.54 tỷ tấn nước mỗi ngày. Tính theo nhiệt hóa hơi của nước và chia lại cho thời gian, ta tính được công suất của bão vào khoảng 2.15x10^14 Watts. Để so sánh, công suất tiêu thụ điện cả nước Việt nam thời điểm cao nhất lịch sử (ngày 3/6/2017 vừa qua, lúc nắng nóng kỷ lục) là gần 30x10^9 Watts – bằng một phần 7,200 công suất cơn bão nêu trên. Nói cách khác, nếu ta có nhà máy phát điện khỏe như cơn bão trung bình, thì lượng điện nó làm ra trong một ngày đủ cho nước ta dùng liên tục 20 năm – thậm chí nhiều hơn, vì đâu phải ngày nào cũng nắng nóng kỷ lục.

Để chống lại bão, ta cần có mức công suất tương đương. Nếu tính mỗi Kiloton (đương lượng nổ của các vũ khí hạt nhân) là 4*10^12J, thì cứ mỗi giây cần 50 Kiloton, hay là khoảng hơn 3 vụ Hiroshima.

Một số độc giả có thể lý luận là năng lượng của cơn bão thể hiện qua tốc độ gió chỉ bằng một phần nhỏ con số trên. Theo Cơ quan Hải dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), tỷ suất giữa năng lượng nhiệt và năng lượng gió cỡ khoảng 400:1 . Coi như bão ở Mỹ cũng giống bão ở Việt Nam, thì ta sẽ cần cho nổ một vụ Hiroshima trong mỗi 2 phút đồng hồ. Vẫn là một cấp độ năng lượng khủng khiếp.

Một số độc giả khác có thể nghĩ tới việc đánh bom những cơn bão từ lúc chúng chỉ mới hình thành. Như các bạn thường nghe trong bản tin thời tiết, bão hình thành từ các vùng áp thấp, đến lúc gió mạnh đến mức nào đó thì thăng cấp thành áp thấp nhiệt đới, rồi sau đó thành bão. Nếu dùng bom hạt nhân mà choảng từ sớm, đương nhiên sẽ đỡ tốn bom hơn rất nhiều. Tuy thế, các nhà khí tượng lại không thể tiên đoán chắc chắn liệu một áp thấp có mạnh lên thành bão không. Nếu áp thấp nào cũng đánh bom, thì lượng bom tiêu thụ cuối cùng cũng tương tự như đánh bom các cơn bão vậy. 

Mặt khác, tâm điểm của cơn bão (mắt bão) là một vùng khí áp thấp, áng chừng bằng 90-94% so với khí áp bình thường (xấp xỉ 1kg/cm2, hay 10 tấn trên mỗi mét vuông). Một vụ nổ hạt nhân tại tâm sẽ gây ra đợt sóng xung kích, sóng này đẩy mọi thứ ra xa tâm nổ - kể cả không khí. Trong khi điều chúng ta cần thực chất lại ngược lại, bổ sung không khí vào tâm bão để làm mất độ chênh áp suất với các vùng xung quanh.

Để hạ gục hoàn toàn một cơn bão, ta cần bù cho mỗi mét vuông tâm bão 5% áp suất thông thường, tức khoảng 0.5 tấn/m2. Với mắt bão đường kính 20km, tính ra phải vận chuyển 157 triệu tấn không khí. Nghe có vẻ cũng to đấy, nhưng thực ra thì to đến mức nào? Nếu ta vận chuyển không khí bằng cách nén chúng vào container đến giới hạn khối lượng cho phép, thì lượng hàng này choán hết một nửa toàn bộ sức chuyên chở container của thế giới.

Kết luận: công nghệ hiện nay (2017) chưa đủ sức để khắc chế một cơn bão. Thậm chí chưa đủ để điều chỉnh hướng đi, đẩy bão vào các khu dân cư thưa thớt hoặc vùng rừng núi để tránh thiệt hại cho dân thường. Là người dân của một quốc gia thường xuyên có bão, các bạn cần tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về bão, thực tập phòng chống bão và cứu hộ sau bão. Nên nhớ rằng, thiệt hại trực tiếp do bão gây ra là không nhiều, song các thiệt hại gián tiếp như lũ quét, lở đất, ngập lụt và dịch bệnh kéo theo mới gây nên tổn thất nghiêm trọng. 

Và điều may mắn nhất là các thiệt hại gián tiếp này có thể phòng ngừa mà không cần đến vũ khí hạt nhân.  







Source: NASA, NOAA, OpenClipart.






Tuesday, October 17, 2017

Bảo vệ dữ liệu kinh doanh bằng cách sao lưu dự phòng


Mặc dù tựa của bài viết này thuần túy kỹ thuật, độc giả mà nó nhắm tới là các nhân sự nắm vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp, như là Giám đốc Tài chính, Giám đốc Kinh doanh hoặc Tổng Giám đốc - những người thực sự hưởng lợi từ việc bảo vệ dữ liệu kinh doanh. Cho dù đôi lúc họ chưa ý thức được điều này.

Có bạn người quen nhờ mình đi tra gúc gồ giúp xem cách thức xây dựng một quy trình sao lưu và khôi phục dữ liệu như thế nào. Đi tìm hết hơi không ra, thôi thì đành viết rồi gửi mail cho bạn. Song chợt nghĩ, biết đâu có người cũng đi tìm như bạn mình thì sao. Bèn dành thêm chút thời gian, trau chuốt lại từ ngữ và post lên đây, hy vọng giúp thay đổi tư duy phần nào cho giới quản trị doanh nghiệp, và có ích cho các bạn SysAdmin mới vào nghề.

Như ta đã biết, đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay, dữ liệu hiện đã trở thành tài sản quý giá thứ nhì sau con người, và vượt xa tài sản cố định trên báo cáo tài chính. Một doanh nghiệp thường có thể phục hồi kinh doanh khi mất một nửa số tài sản cố định, song rất khó vượt qua nếu bỗng dưng mất một nửa số dữ liệu. Ấy là chưa kể đến các án phạt – cả hành chính lẫn hình sự - chỉ chờ dịp là bổ thẳng xuống đầu Ban giám đốc. Tuy thế, nhận thức của Ban giám đốc về tầm quan trọng của dữ liệu thường lại khá mù mờ, hầu hết coi đó là công việc của mấy vị quản trị mạng. Đương nhiên sếp đã thế thì nhân viên dưới quyền các bạn lại càng kém đi. Tai vạ bắt đầu từ đó.

Trong số nhiều tính chất của dữ liệu, người quản lý doanh nghiệp thường quan tâm đến 3 thuộc tính sống còn, đó là tính bảo mật, tính đầy đủ và tính sẵn sàng. Tính bảo mật có nghĩa là dữ liệu được chia sẻ cho những người cần biết, và đóng kín đối với những người còn lại. Tính đầy đủ nghĩa là dữ liệu phản ánh trung thực quá trình vận hành của doanh nghiệp. Và tính sẵn sàng có nghĩa là dữ liệu có mặt kịp thời để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, hoặc phục vụ việc ra quyết định.

Phần lớn tính sẵn sàng của dữ liệu được đóng góp từ quy trình sao lưu và khôi phục. Quy trình này cũng giúp tăng cường tính bảo mật tuy mức độ không cao. Câu hỏi để ngỏ cho độc giả - quy trình nào giúp tăng cường tính đầy đủ của dữ liệu ?
                                                                                                         
Trong lúc đi tìm hiểu quy trình sao lưu và khôi phục, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nội dung trên mạng chỉ tập trung vào bán giải pháp phần mềm, và đâu đó có cả cách thức vận hành từng giải pháp riêng lẻ. Điều đó dẫn tới sự ngộ nhận là doanh nghiệp chỉ cần mua giải pháp của hãng XYZ thì tự nhiên mọi dữ liệu sẽ được sao lưu đầy đủ, hễ cái gì mất đi là tức khắc lấy lại được ngay. Đáng tiếc thực tế lại không đơn giản như vậy. Một công cụ tốt là chưa đủ, cũng như sở hữu cây rìu sắc không có nghĩa là bạn có ngay … nồi cháo rìu bổ dưỡng. Bài viết này bổ sung những thực phẩm còn lại để bạn tự nấu lấy nồi cháo đó vậy.

Cho dù hình thức như thế nào, thì một số nội dung sau đây bắt buộc phải có trong quy trình sao lưu và khôi phục dữ liệu:

1. Đối tượng cần sao lưu

Quy trình phải viết rõ cần sao lưu những dữ liệu nào. Thường một doanh nghiệp sẽ có nhiều đối tượng dữ liệu với mức độ bảo vệ khác nhau, mức độ chấp nhận mất dữ liệu khác nhau và thời hạn khôi phục khác nhau. Đây là những tiêu chí để phân loại xem doanh nghiệp nên nhóm dữ liệu lại như thế nào để sao lưu hiệu quả.

Ví dụ: Cty A chấp nhận hy sinh dữ liệu trong ngày. Như vậy, họ chỉ cần sao lưu cuối ngày. Ngân hàng B chấp nhận hy sinh dữ liệu kế toán trong ngày (có thể cho phép nhập lại vào hôm sau), nhưng dữ liệu giao dịch không được phép mất. Vậy dữ liệu giao dịch phải sao lưu online, còn dữ liệu kế toán sao lưu cuối ngày.

Đối với cty vừa và nhỏ, thường sẽ có 3 đối tượng dữ liệu kinh doanh chính: file chia sẻ gồm các dạng công văn bảng tính báo cáo, database kế toán, database email . Về dữ liệu công nghệ thì có cấu hình chuẩn của server / thiết bị mạng (ví dụ tên và mật khẩu wifi, bảng định tuyến), các dữ liệu hệ thống khác như tên đăng nhập và mât khẩu người dùng, cũng như các quyền truy xuất của họ.

Quy trình phải khoanh rõ phạm vi đối tượng cần sao lưu – có đối tượng dữ liệu nào và không có đối tượng dữ liệu nào. Đối với các doanh nghiệp tầm trung trở lên, người ta có thể phải soạn riêng quy trình cho từng loại dữ liệu.

2. Biện pháp sao lưu

Căn cứ trên bản chất dữ liệu và cách mà dữ liệu đang được vận hành, đề ra biện pháp sao lưu cụ thể. Ví dụ: với dữ liệu chia sẻ, các file XLS hoặc Word đang bị người dùng truy xuất (đang mở để đọc ghi) sẽ không thể sao lưu được. Vì vậy phải có cơ chế khóa người dùng để sao lưu.

Ví dụ: cơ sở dữ liệu kế toán có các công cụ để tự kết xuất sang file tạm (ví dụ từ MS SQL, Oracle), thì phải kết xuất file tạm trước, rồi mới sao lưu từ file tạm. Tần suất sao lưu dữ liệu chia sẻ có thể là hàng ngày, nhưng dữ liệu cấu hình server /OS /userID thì không thay đổi mấy, sao lưu hàng tuần là được.

3. Đích sao lưu

Mục này ghi rõ dữ liệu nào được sao lưu vào đâu. Ví dụ một số dữ liệu cty nhỏ có thể sao lưu trên cloud. Các phần mềm kế toán vừa và nhỏ hiện nay đều cho phép làm việc này. Một số nơi có thể quy định dữ liệu file chia sẻ phải sao lưu sang băng từ (tape), và tape phải lưu trữ ở một nơi an toàn ngoài văn phòng. .

Ví dụ: dữ liệu giao dịch nhanh phải sao lưu hàng giờ sang các file tạm. Cuối ngày chuyển file tạm sang tape và sao lưu như dữ liệu chia sẻ. Hoặc dữ liệu chi nhánh phải sao lưu qua mạng về tổng hành dinh, rồi ở tổng hành dinh sẽ sao lưu sang tape. Dữ liệu cần chính xác, chống ghi đè, chống giả mạo thì sao lưu bằng DVD-ROM writer, ghi một lần và cất vĩnh viễn.

4. Công cụ sao lưu

Từ các yêu cầu nêu ra trên mục 1/2/3, lựa chọn và nêu rõ công cụ sao lưu, các bước cần thực hiện để sao lưu.

Ví dụ: sao lưu từ server nọ sang server kia hoặc từ chi nhánh về head office thì dùng công cụ ROBOCOPY, sao lưu ra tape nếu đơn giản thì dùng công cụ NTBACKUP. Các tác vụ phức tạp có thể dùng công cụ chuyên dụng như BackupExec v.v.

Các bước thực hiện phải rõ ràng và đủ chi tiết. Đồng thời phải tính đến các tùy chọn cụ thể cho từng đối tượng dữ liệu. Ví dụ có cần mã hóa bản sao lưu không ? Mấy cấp độ mã hóa ? Ai giữ Master Key để mở khóa ?

Tiếp đến các đĩa / băng từ sao lưu phải đánh nhãn như thế nào, file ghi content các nội dung đã backup thì để ở đâu (như kiểu báo cáo – tape này chứa những file nào, để về sau còn biết lấy đúng tape mà khôi phục v.v.)

5. Quy trình khôi phục

Mục này bắt buộc phải có song có thể tách ra thành quy trình riêng. Sao lưu và Khôi phục phải đi cùng nhau, khi đã sửa đổi một quy trình là phải xem xét sửa đổi quy trình kia ngay lập tức. Quy trình Khôi phục thường có hai mục con là Khôi phục toàn bộ, và Khôi phục một phần dữ liệu. Hai cái này đặc biệt khác nhau nếu đối tượng sao lưu là dữ liệu hệ thống. Quy trình này phải chỉ rõ ai có quyền phê duyệt khôi phục dữ liệu, nguồn khôi phục ở đâu, ai có quyền truy xuất đến bản sao, cách thức khôi phục như thế nào, cách thức kiểm tra sau khôi phục như thế nào.

6. Xử lý lỗi trong quá trình thực hiện sao lưu/khôi phục (tùy chọn)

Nội dung mục này bao gồm những việc như khi nào phải dừng sao lưu để làm lại, khi nào được làm tiếp và thử vào cuối phiên. Ai chịu trách nhiệm rá soát báo cáo lỗi vào sáng hôm sau để đảm bảo phiên sao lưu đêm hôm trước đã diễn ra thành công. Cách thức ký nhận như thế nào, báo cáo ký nhận lưu bao nhiêu lâu, ai lưu v.v.

Thường các doanh nghiệp nhỏ không nhất thiết cần mục này, nếu làm lỗi thì làm lại. Tuy nhiên các doanh nghiệp tầm trung cần phải có, để công tác quản lý được đầy đủ, hạn chế sai sót.

7. Kiểm thử và diễn tập

Mục này bắt buộc phải có: kịch bản kiểm thử, kịch bản diễn tập, bao lâu diễn tập một lần, ai báo cáo/phê duyệt kết quả kiểm thử hoặc diễn tập.

Ví dụ kiểm thử khôi phục máy chủ. Kịch bản có thể là thuê máy chủ mới trong 1-2 ngày và khôi phục toàn bộ dữ liệu, để xem có hoạt động được không ? Khi khôi phục phải thực hiện nhất nhất theo mục 5 – có thể gồm khôi phục hệ điều hành, xong khôi phục userID + pwd, xong khôi phục dữ liệu chia sẻ, xong khôi phục dữ liệu DB kế toán v.v. Kết quả kiểm thử phải được người dùng cuối đánh giá, viết báo cáo để phê duyệt. 

Lập kịch bản sự cố để phản ứng, ví dụ nếu mất bản sao lưu thì sao? có thiệt hại gì không? có bị rò rỉ thông tin không? Có thiệt hại danh tiếng không? Khi phát hiện mất thì phải làm gì? Mất một phần thì sao, mất toàn bộ thì sao? Một sơ suất hay mắc phải là các vị bên IT chỉ ghi vào quy trình kiểu nếu mất thì báo cáo lãnh đạo. Còn lãnh đạo phải làm gì thì đến lúc đó thường cũng không biết phải làm gì. Nên bây giờ cứ bình tĩnh suy nghĩ mà viết vào đây cho đầy đủ, lãnh đạo làm gì, nhân viên làm gì, khắc phục tạm thời như thế nào v,v

Ví dụ diễn tập bị hacker tấn công. Tình huống xảy ra là hacker chiếm quyền điểu khiển máy chủ dịch vụ, dữ liệu bị mã hóa để tống tiền. Người dùng không đăng nhập được, việc kinh doanh bị gián đoạn do không biết số lượng hàng hóa phải giao nhận.

Thường kịch bản khôi phục sơ bộ sẽ như sau:
- Xác định bản backup cuối cùng chưa bị xâm nhập. Việc này tương đối khó, phải có kinh nghiệm mới làm được.
- Xác định xem nếu khôi phục từ bản đó thì mất dữ liệu bao lâu (3 ngày, 2 tuần, 1 tháng v.v.),  mất những dữ liệu gì ? 
- Doanh nghiệp có chấp nhận không? Nếu không chấp nhận nổi thì đi mua lại của hacker.
- Nếu chấp nhận mất dữ liệu, thì quy trình khôi phục thường sẽ là thuê/mua server mới, tốt nhất là loại khác với loại đã bị tấn công, cài lại hệ điều hành mới (khác loại đã bị tấn công là tốt nhất), khôi phục dữ liệu và bổ sung từ các dữ liệu bản cứng còn giữ được. 
- Kịch bản có thể bao gồm vai trò của các bộ phận khác như bộ phận kinh doanh / kho vận phải làm gì nếu không có số liệu từ máy tính – ví dụ cho phép giao hàng theo đơn hàng qua fax hoặc đơn hàng qua email công cộng như Gmail.

Các phòng ban có trách nhiệm cụ thể hóa kịch bản này thành các bước công việc, thử nghiệm đánh giá kết quả và chỉnh sửa nếu cần.

Kịch bản kiểm thử / diễn tập này phải làm ít nhất mỗi năm một lần, và lãnh đạo công ty phải cam kết cung cấp đủ nguồn lực để làm theo thời hạn khôi phục. Ví dụ muốn khôi phục trong 1 ngày, thì phải mua sẵn server standby để chờ trong văn phòng. Nếu muốn khôi phục trong 1 tuần, thì phải có hợp đồng với bên bán để khi nào có lệnh gọi là nhà cung cấp mang đến luôn. Công cụ khôi phục phải có sẵn, ví dụ đầu đọc DVD, đầu đọc tape, phần mềm khôi phục, cán bộ có trách nhiệm v.v.

8. Phê duyệt & thi hành

Bao gồm các nội dung về việc ai có trách nhiệm rà soát, chỉnh sửa quy trình này, ai phê duyệt, ai thực thi. Thủ tục đóng góp ý kiến như thế nào, thủ tục yêu cầu bổ sung / loại bỏ dữ liệu vào quy trình sao lưu như thế nào v.v.

Tám nội dung trên đây đã được người viết lược hóa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với các công ty hoặc tập đoàn lớn, quy trình này phải tính đến các yêu cầu khắt khe về bảo mật và lưu trữ ngoại tuyến, chống đánh cắp và giả mạo dữ liệu trong lúc vận chuyển. Có thể thêm những thủ tục đặc biệt như dán nhãn băng từ dạng QR-code trên tem vỡ, để chống giả mạo hoặc đánh tráo.

* * *

Kết luận

Bảo vệ dữ liệu, thực chất chính là bảo vệ công việc kinh doanh của bạn. Tuy nhiên, không ít cán bộ quản lý hoặc lãnh đạo doanh nghiệp lại khá thờ ơ và khoán trắng cho bộ phận công nghệ. Thiếu cơ chế kiểm soát, Ban giám đốc sẽ không thể tin tưởng việc khôi phục dữ liệu đạt được các yêu cầu hoặc cam kết lúc ban đầu.

Các bạn muốn biết doanh nghiệp mình sẵn sàng đối phó với sự cố dữ liệu đến mức độ nào? Rất đơn giản, hãy đến văn phòng và cúp điện tất cả những máy chủ bạn nhìn thấy. Yêu cầu các phòng ban tìm mọi cách khắc phục để duy trì hoạt động kinh doanh trong 3 ngày mà không cắm điện dàn máy kia.

Tự bạn rút ra câu trả lời.

Wednesday, October 4, 2017

Giải Nobel Vật lý 2017


Năm nay Ủy ban Nobel lựa chọn ba "cụ già" để trao giải Vật lý, vì những đóng góp quyết định vào máy dò LIGO và việc quan trắc sóng hấp dẫn. Vẫn theo thông lệ, tuyên bố chính thức của Ủy ban Nobel khá là mơ hồ đối với bạn đọc đại chúng. May thay trên website, họ đăng thêm một bài báo dạng khoa học thường thức để bọn não mịn như tôi có thể hiểu được.

Các nhà vật lý đã cho chúng ta biết, thế giới vận hành dựa trên 4 lực cơ bản nhất, đó là lực điện từ, lực hấp dẫn, lực tương tác mạnh và tương tác yếu.  Bình thường chúng ta quan sát được hai lực đầu tiên, còn hai lực sau chỉ có thể quan sát trong phòng thí nghiệm, vì khoảng cách tác dụng của chúng quá ngắn. 

Hiểu một cách đơn giản, mỗi lực cơ bản đi kèm theo trường lực của nó, và biến động của trường lực này sinh ra sóng tương ứng. Ví dụ khi bạn xoay một thanh nam châm, bạn đã tạo ra sóng điện từ. Hoàn toàn tương tự, nếu bạn nâng hạ một quả tạ, bạn đã tạo ra sóng hấp dẫn. Lý thuyết là thế. Song chứng minh cho chặt chẽ về mặt lý thuyết và thực nghiệm lại là cả một vấn đề.

Khoảng 20 năm trước khi cụ già nhất (trong số 3 cụ nhận giải năm nay) ra đời, thì "cụ cố" Einstein đã công bố Thuyết tương đối, mà một hệ quả tất yếu là sóng hấp dẫn tồn tại. Trong khi chúng ta biết rằng lực điện từ và sóng điện từ đi cặp với nhau, thì lực hấp dẫn và sóng hấp dẫn lại có vẻ không hiển nhiên như vậy. Dễ hiểu tại sao giới vật lý thực nghiệm không chịu bó tay trước một thách thức - mà thoạt nhìn chỉ ở tầm cỡ tiểu học như thế. Họ tìm mọi cách để phát hiện sóng hấp dẫn trong thực tế.

Dù rất nhiều bộ óc kiệt xuất đã tham gia vào, và tiền của đổ ra không ít, nhưng việc dò bắt sóng hấp dẫn vẫn như bóng chim tăm cá. Vấn đề là năng lượng của sóng hấp dẫn rất bé, bé lắm, bé hơn hạt anh túc, bé hơn cả hạt nhân nguyên tử. Mà để dò được một thứ bé đến thế thì phải có máy dò hàng siêu khủng, phải có công nghệ hàng siêu khủng để chế tạo nó, và phải có nhiều chuyên gia lăn lộn với nó năm này qua tháng khác để lo những việc thượng vàng hạ cám. Việc to ví dụ như khử nhiễu môi trường, việc bé như vận hành một cái máy hút chân không cho một cặp ống dài 4km mỗi chiếc, mà lại phải không gây ra nhiễu môi trường (ấy là đoán thế thôi nhé!)

Túm lại sau 40 năm kể từ lúc khởi công, thì năm 2015, loài người đã chế ra một cặp máy như thế, gọi là Đại giao thoa kế hấp dẫn lade, hay tên tiếng Anh là LIGO. Chiếc thứ nhất đặt ở Mỹ, và chiếc thứ hai, như các bạn đã đoán ra, cũng đặt ở Mỹ - cách nhau độ hơn 3 ngàn km. Bất kỳ phát hiện nào về sóng hấp dẫn đều phải được ghi nhận độc lập bởi cả hai máy, cách nhau một khoảng thời gian tương thích, thì mới được coi là hợp lệ.

Tình cờ cũng đúng năm đó, cặp LIGO này ghi lại được luôn một chớp sóng hấp dẫn (may thế!) Các nhà khoa học đã tính toán cụ thể là sóng này sinh ra từ vụ đụng độ của 2 hố đen loại bé, một cái tầm 29 lần khối lượng Mặt trời, cái kia tầm 36 lần. Nhẽ hố đen sau đụng độ phải bằng 65 lần khối lượng Mặt trời, nhưng không phải – tầm 3 lần khối lượng Mặt trời đã bị ném tung vào không gian dưới dạng sóng hấp dẫn chỉ trong vài phần giây (còn lại 62 lần khối lượng mặt trời ở hố đen mới). Về thời gian, vụ đụng độ này xảy ra khoảng 1.3 tỷ năm về trước – dạo đó sinh vật trên Trái đất của ta đang bận tiến hóa từ loại đơn bào lên loại đa bào.

Cho đến khi viết bài này, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017, người ta đã ghi nhận được thêm 4 chớp hấp dẫn khác – chớp cuối cùng vào tháng Tám năm 2017.  Một vài quốc gia như Ấn độ và Nhật bản đang bày tỏ ý định xây dựng đài quan trắc hấp dẫn của mình. Đây có vẻ như một cuộc đua tranh, khi mà mỗi quốc gia đều hy vọng dẫn đầu trong khám phá vũ trụ thông qua sóng hấp dẫn.

Thử hình dung bức tranh như sau. Ta đang đi vào rừng, bạn nghe được tiếng chim hót, tiếng nước chảy, tiếng gáy của chú gà gô và tiếng sột soạt của con rắn đang trườn trên đám lá. Đồng hành với bạn là một người khiếm thính, anh ấy chỉ nghe được nếu có ai đó hú gọi hoặc bắn súng báo hiệu.

Với máy dò LIGO hiện tại, chúng ta đang ở mức độ khiếm thính như anh bạn kể trên. Ta chỉ có thể phân biệt được người hú là nam hay nữ, và áng chừng được hướng phát ra tiếng hú. Ta điếc đặc với tiếng chim tiếng suối, và nếu ta liều mạng đi bừa, có thể ta sẽ bị con rắn kia đớp cho một phát.

Song với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào việc một ngày nọ nghe thấy đủ mọi lời thì thầm của vũ trụ, đến dưới dạng các sóng hấp dẫn. Vũ trụ có thể kể cho ta về hành tinh,  về hố đen, về vật chất tối – là những thứ mà hiện giờ ta đang mù tịt, vì chúng không phát sáng. Sau bao nhiêu thế kỷ quan sát vũ trụ bằng mắt, giờ đây loài người có thêm một giác quan nữa – ta đã biết nghe.

Biên giới về tầm hiểu biết vừa được nâng lên một cấp độ mới. Liệu bạn có sẵn sàng lắng nghe?