Tuesday, November 8, 2011

Quyên góp từ thiện, chuyện dọc đường (1)

Mình đôi khi tham gia quyên góp từ thiện, cũng có một số lần trực tiếp theo đoàn đi đến tận nơi để gặp người nhận quà. Lần nào cảm thấy việc mình làm mang lại lợi ích thiết thực thì cảm thấy nhẹ nhõm, không uổng công lặn lội đường xa. Nhưng cũng có lúc đi mà không được việc gì, về nhà thấy bực bội. Dù mình biết phải chuẩn bị tinh thần cho những việc như vậy, song không vì thế mà dễ chịu hơn. Nay gom lại một số chuyện, có những việc mình chứng kiến tận nơi, có những việc được người tin cậy kể lại, để mọi người đọc chơi cho biết. Tác giả mạn phép không nêu cụ thể tên tuổi hay địa danh, nhằm tránh những định kiến về sau.

Vụ thứ nhất, hai anh em cõng nhau ăn xin và chữa bệnh ở Hà nội.
Tin này lấy từ một tờ báo online, cũng khá là tên tuổi. Họ nói là có 2 anh em nhà ấy nhà nọ, quê ở một tỉnh gần HN, hiện đang ăn xin để chữa bệnh. Người em gái chừng ngoài 30 tuổi hàng ngày phải cõng anh bị liệt 2 chân đi xin ăn. Khu vực hoạt động gần một bệnh viện y học dân tộc, vì phải chữa bằng châm cứu. Có cả ảnh hình tên tuổi (tất nhiên hình không rõ mặt), xem ra rất thật.

Sau khi báo lên mạng được vài ngày, thì đến ngày weekend. Mình phóng xe máy ra khu vực bệnh viện, đảo qua lại vài lần để xem tình hình xung quanh thế nào. Chọn một bà hàng nước chè chén ở đầu đường rồi mua 2 gói thuốc, nhân tiện hỏi thăm. Bà cho biết, khu này không có ai ăn xin như thế. Bà mở quán tại nhà, bán từ sáng đến khuya, có ai như thế là biết ngay. Xong mình cầm gói thuốc vào lân la làm quen với mấy anh bảo vệ của bệnh viện, hỏi xem có ai như thế không. Tặng 2 gói thuốc làm quà, câu chuyện cứ là trôi tuồn tuột. Các anh cũng không thấy có ai như vậy, vì chuyện hai người cõng nhau ở đây là rất hiếm. Nếu có thì họ cũng mượn xe đẩy ở cổng bảo vệ để đưa bệnh nhân đi, mà nếu mượn thì sẽ biết. Mình cám ơn rồi đi ra quán cafe ở đầu kia đường, hỏi mãi cũng không có ai nghe tin tức gì về người ăn xin như vậy.

Về nhà bực hết cả mình. Sáng hôm sau check lại thì báo đã rút tin xuống, cache google thì vẫn còn, chứng tỏ mình không đọc nhầm. Vẫn không biết tại sao lại như thế.

Vụ thứ hai, em bé mồ côi nuôi em ở Bắc Giang.
Báo chí đưa tin ầm ầm, đại để có em bé 8 tuổi, mẹ ung thư vừa mất, ở nhà kiếm ăn nuôi em 3 tuổi. Nhà thì lụp xụp tối tăm, mặt mũi nhem nhuốc. Mọi người rất là thương xót, đến cuối tuần liền nai nịt lên đường, hành trang gọn nhẹ, chạy xe máy.

Đến đầu làng hỏi, người ta đã chỉ nhà cho. Đi qua thấy lố nhố 5-6 người, bèn vòng lại quán nước cuối ngõ để nghỉ. Bà hàng nước nhìn qua đã biết đội này định đến thăm nhà con bé con, liền hỏi xem đã vào chưa, mình đáp chưa vào. Bác có biết nhà ấy thế nào không, kể cho bọn cháu với. Vừa lúc ấy thì ông con giai nhà ấy đi về, cả đám ngồi nói chuyện.

Hóa ra sự việc không phải như nhà báo viết, và lẽ ra chẳng có gì ồn ào cả. Bà mẹ có bầu đứa con gái, nhưng không biết ai là cha nó. Ông bà ngoại con bé cắt cho thửa đất, rồi xã trích quỹ làm cho căn nhà tình thương. Hai mẹ con ở với nhau, rồi sau bà mẹ lại có bầu với một ông đang có vợ ở xã bên, sinh được thằng con trai. Bố nó vẫn sang thăm nom, cả làng ai cũng biết. Lúc mẹ nó bệnh sắp mất, ông ấy có đưa cả vợ sang thưa chuyện với ông bà ngoại thằng bé, xin được mang về nuôi nhưng nhà này không cho. Từ đấy vẫn chu cấp nuôi con như trước. Sau khi mẹ mất thì bác (anh trai của mẹ) đưa 2 đứa về nhà nuôi.

Một hôm có bạn phóng viên tự nhiên lần mò ra vụ này, đến xin ông bác cho 2 cháu về nhà cũ chụp kiểu ảnh. Sau rồi đi, được vài hôm thì thôn xã ầm ĩ lên là có vụ trẻ em như thế. Hóa ra bạn phóng viên chụp 2 đứa trẻ cạnh cái chuồng lợn cũ, không phải cái nhà tình nghĩa xây dạo trước. Dân tình còn đang bàn tán xem tại sao mà nhà ấy lại kêu ca như sắp chết thế, thì các đoàn cứu trợ bắt đầu phi về tơi tới. Người thì chăn bông, quần áo, người thì đồ chơi, tiền bạc. Có mấy cô ở HN lái 1 xe 7 chỗ xuống chuyển luôn vào nhà 3 tạ gạo xong đi mất, chẳng nói tên tuổi ở đâu.

Thấy mối lợi như thế, ông bà ngoại liền bắt bọn trẻ con về, không cho ông bác chúng nó nuôi nữa. Do vụ bắt cháu này mà bố con mâu thuẫn nặng, nhưng rồi cũng dàn xếp được. Bọn trẻ sẽ ở nhà ông ngoại, hiện vật thì ông ngoại giữ nhưng tiền thì do ông bác giám hộ. Bà hàng nước bảo, chăn bông nhà đấy phải mang cho đi vì không còn chỗ chứa, nhưng dân làng không ai lấy. Mấy ngày trước thì ô tô từ HN kéo về tắc hết cả đường, xe công nông không chạy được, làm mọi người ban đêm mới đi chở thóc chở rơm được, lấy làm bực mình.

Mình với bọn bạn đảo qua xem, quả thật như bà hàng nước nói. Họ tự dưng được cho quá nhiều đồ nhiều tiền, bây giờ nhìn thấy khách là chỉ chăm chăm xem cho cái gì, quy ra có được khá tiền không. Cả bọn thấy cơ sự như vậy, đành là lên xe đi về. Ngồi ăn trưa ở Bắc Giang, chén hẳn 1 con cò mà không thấy ngon lắm.

(Còn tiếp)

1 comment:

  1. Đắng ngắt miệng bạn thân mến nhỉ :-(. Thế nên nhiều khi lòng tốt và tính nhân ái đặt không đúng chỗ cũng thấy bản thân mình ngớ ngẩn _S2_

    ReplyDelete