Thursday, June 13, 2013

Máy điều hòa biến tần (máy lạnh Inverter)



Từ mấy năm nay, các hãng ra sức bán cái loại máy biến tần này. Mình đi gúc thì toàn xúc phải quảng cáo – đúng là thế giới này lắm thằng sales thật! Sau khi đọc hết hơi, nay mình tóm tắt lại bằng tiếng ta, theo cách nôm na dễ hiểu, để các bạn chuẩn bị mua điều hòa hiểu rõ tiền mình trả cho cái gì. Vừa viết bài này vừa nghĩ, để làm người tiêu dùng thông thái thời nay quả là khó.

Máy lạnh (cả loại biến tần và không biến tần) thường có 4 loại động cơ (a) động cơ nén, còn gọi là lốc máy – tạo độ lạnh, (b) động cơ quạt gió cục nóng, (c) động cơ quạt gió cục mát và (d) động cơ xoay cánh gió – hất lên hất xuống. Động cơ (a) và (b) hoạt động đồng bộ, chạy cùng chạy mà nghỉ cùng nghỉ. Động cơ (c) hoạt động liên tục – bật máy là chạy. Một số máy lạnh có thể không có động cơ (d). Điện năng tiêu thụ trên động cơ (a) là lớn nhất, và cũng là khác biệt cơ bản giữa 2 loại máy lạnh với nhau.

1. So sánh nguyên tắc hoạt động của 2 loại

Với máy lạnh truyền thống, động cơ hoạt động ở hai chế độ, hoặc chạy toàn công suất hoặc nghỉ. Ví dụ trong nhà là 30 độ, bạn bật máy lạnh và đặt nhiệt độ 23 độ. Máy sẽ chạy toàn tải đến khi nhiệt độ về 22 độ, và sau đó ngắt. Đến khi nhiệt độ lên 24 độ, động cơ lại bật lên – xuống 22 độ, lại ngắt, và cứ như thế tiếp tục.

Máy lạnh biến tần có thể hoạt động ở nhiều mức công suất khác nhau. Khi khởi động, nó bắt đầu với công suất thấp và tăng dần lên mức max. Khi nhiệt độ đạt ngưỡng, nó hạ dần công suất tiêu thụ và tự điều chỉnh để duy trì nhiệt độ trong phòng. Như vậy, động cơ hoạt động liên tục toàn thời gian. Giản đồ nhiệt độ của hai loại máy lạnh như hình dưới (nguồn Wikipedia) bên phải là máy biến tần.



Máy lạnh biến tần – như tên gọi của nó – điều chỉnh tần số để kiểm soát tốc độ và công suất động cơ. Nó làm việc này thông qua một bộ nắn dòng để chuyển dòng xoay chiều thành một chiều, sau đó qua bộ điều tần xung (pulse-width modulation) để tạo lại dòng xoay chiều có tần số mong muốn. Hiệu suất gộp của quá trình biến đổi AC-DC-AC này chừng 90% (hoặc ít hơn).

2. Hiệu quả của điều hòa biến tần

Như hình trên cho thấy, điều hòa biến tần duy trì nhiệt độ ổn định hơn. Công suất của máy được điều chỉnh để bù lại phần nhiệt mất mát do khí nóng xâm nhập, và do đó người dùng không nhận thấy luồng gió lúc lạnh lúc không.

Nó không đòi hỏi dòng khởi động (xấp xỉ gấp rưỡi đến gần gấp đôi dòng ổn định) như máy không biến tần. Do hoạt động liên tục ở mức công suất vừa phải, áp lực lên các cơ cấu cơ khí của điều hòa biến tần thấp hơn, và chúng tôi cho rằng chúng hoạt động bền bỉ hơn. Tuy nhiên, điều hòa biến tần lại có thêm mạch nắn dòng và mạch tạo xung, nên cộng chung rủi ro hư hỏng không có khác biệt đáng kể so với điều hòa thường.

Về tiết kiệm điện – là cái hay được đưa ra quảng cáo nhất – điều hòa biến tần chỉ hơn ở các tình huống đặc biệt. Khi phòng ở được cách nhiệt tốt, không bị thât thoát, máy lạnh chạy liên tục trong thời gian dài, công suất đòi hỏi thấp, lúc đó người dùng sẽ có lợi. Nếu có nhu cầu làm lạnh nhanh, khu vực điều hòa cách nhiệt kém, công suất máy lạnh ở mức cao, thời gian sử dụng ngắn (một vài giờ), điều hòa biến tần sẽ tốn điện hơn do bị suy hao trên bộ đổi điện (tối thiểu 10%).

3. Kết luận:

- Không có lý do để tin rằng điều hòa biến tần ít hỏng hóc hơn.
- Do dòng khởi động nhỏ, cộng với khả năng hạn chế công suất tiêu thụ (tùy hãng và tùy model), điều hòa biến tần có thể được sử dụng sau biến áp hoặc dùng với máy phát điện cỡ nhỏ, việc mà điều hòa thường không làm được (hoặc phải có máy biến áp / máy phát điện cỡ lớn).
- Nếu bạn có phòng kín, cách nhiệt tốt, sử dụng điều hòa thời gian dài, điều hòa biến tần sẽ tiết kiệm điện hơn. Còn như chính xác tiết kiệm đến mức nào, thì không thể nói trước.
- Nếu bạn cần sử dụng thời gian ngắn, làm mát nhanh một khu vực, bạn nên mua điều hòa thường.
- Dùng không đúng chỗ, máy biến tần còn tốn điện hơn máy thường.

Tham khảo:
http://fire.nist.gov/bfrlpubs/build02/PDF/b02186.pdf‎
http://www.eurocooling.com/public_html/articler410a.htm
http://en.wikipedia.org/wiki/Air_conditioner_inverter
http://www.lhboi.name.vn/writings/linh-tinh/may-lanh-inverter
http://en.wikipedia.org/wiki/Pulse-width_modulation

3 comments:

  1. Thêm một bạn xì pam quảng cáo vào đây. Cái này không được hoan nghênh, nhẽ nên trảm tức khắc! Song tạm bêu lên để làm gương cho đội khác tránh xa.

    ReplyDelete
  2. "Dùng không đúng chỗ, máy biến tần còn tốn điện hơn máy thường." @BlackViva, câu này mình kết nhất bài, thực sự thì máy inverter không tiết kiệm được lên đến 40->60% như khi quảng bá

    ReplyDelete