Sunday, October 6, 2013

Gái ế thành phố: họ là ai, muốn gì và sẽ đi về đâu?

 

Câu chuyện bắt đầu từ một chuyến đi đào tạo ở nước ngoài. Tại đó, người viết gặp các đồng nghiệp từ những quốc gia khác, cả thảy chừng 60-70 người, trong số họ khoảng nửa tá các cô gái Bắc Kinh, Trung quốc. Nhân chuyện phiếm lúc giải lao nhóm, có hai cô tự thú là gái ế. Cả hai đều du học ở nước ngoài về, nói tiếng Anh thành thạo, làm việc cho một tập đoàn đa quốc gia có tên tuổi. Về sự nghiệp có thể nói là rất ổn, nhưng về đường tình duyên lại lận đận.

Chúng tôi đùa với họ, thống kê cho thấy Trung Quốc bây giờ có 40 triệu đàn ông chưa vợ, tức là bằng toàn bộ số nam giới Việt Nam tính từ mới đẻ đến sắp đoàn tụ ông bà. Thế mà hai cô lại bảo, không thể kiếm được một tấm chồng là cái lý làm sao.

Nhìn về nước ta, hoàn cảnh tương tự như vậy không hiếm. Có thể mô tả họ chung chung như thế này: từ 27-28 đến 34-35 tuổi, có hiểu biết và học vấn (đại học hoặc cao hơn), có công việc tốt (tự chủ về tài chính, dư dả chút đỉnh), có suy nghĩ độc lập và thực tế, không dễ chạy theo vẻ hào nhoáng bề ngoài.

Các cô gái kiểu này thường tự đưa mình vào thế kẹt. Các anh tầm trên 30 tới 40 tuổi, phần đông đều đã có vợ con, số độc thân còn lại không nhiều. Một số anh ăn chơi lông bông, không có sự nghiệp, không có học vấn đương nhiên bị loại tiếp. Một số anh khác thì có những tật mà hồi xưa họ có thể cho qua, giờ lại không cho qua được nữa, ví dụ khoác lác, không giữ lời hứa, hoặc giả nhà đông anh em, hoặc sẽ phải ở với bố mẹ chồng, hoặc có thói trăng hoa tán tỉnh các em trẻ đẹp v.v.

Gái ế muốn tìm mẫu người tạm gọi là có công việc, có sự nghiệp, nghiêm túc, tử tế, chín chắn và có thể tin cậy được, thì hầu hết đã có vợ con. Họ rơi vào bế tắc vì áp lực xã hội xung quanh, vì bố mẹ, vì người thân, một phần cũng muốn sinh con đẻ cái trong lúc còn có thể. Mặt khác, những cô này tương đối vụng trong giao tiếp với người khác giới – nếu khéo thì họ đã lừa lấy được chồng rồi hihihi. Họ quá chăm chú vào việc quan sát để chọn mục tiêu, mà không biết gợi mở để nhìn thấy ưu điểm của các đối tượng.

Nhìn chung xã hội Việt nam tỏ vẻ thương hại gái ế. Theo kiểu, "Trời ơi sao mày cao số thế?", "Sao không lấy đại thằng nào đi cho rồi, kén chọn đến bao giờ nữa", "Phiên phiến thôi con ạ" ... Họ sẽ khó chịu khi nghe mọi người nói vậy, đôi lúc phản ứng lại dữ dội. Những lần đi ăn cưới, bà con họ hàng xúm xít lại hỏi thăm, "Bao giờ đến lượt mày?" Mấy cô to gan lớn mật thì có thể học tập người viết mà nói, "Lần sau đi đám ma con hỏi lại dì câu đó nhé!"

Nhưng thật ra, đằng sau câu thăm hỏi tưởng như xã giao ấy là cả một chân lý. Bản chất gái ế kỳ vọng quá nhiều ở đàn ông. Ví dụ một khía cạnh nhỏ: họ muốn chồng tương lai phải không nhậu nhẹt. Cũng có thể có đàn ông không nhậu trên đời này. Nhưng về số đông mà nói, để được một ông chồng nhậu có chừng mực, các bà vợ phải liên tục đấu tranh, thỏa hiệp một phần, đánh đổi và thương thuyết, chứ đâu có tự nhiên mà đàn ông lại bỏ bê rượu chè như thế. Gái ế không nhìn thấy tất cả cái quá trình, mà chỉ nhăm nhăm trông vào kết quả, lấy đâu ra có.

Những thứ khác cũng vậy, tiền bạc, sự từng trải, hiểu biết, kinh nghiệm sống, thảy đều phải gây dựng từ đầu. Phải nỗ lực, phải dành dụm, phải trải nghiệm, phải va vấp và giải quyết, rồi mới thành hình một người đàn ông chín chắn. Đâu có ai tự nhiên sinh ra đã hoàn thiện. Mà gái ế cứ đi tìm một mẫu người như thế (họ gọi là những anh chàng tạm được!) thì làm gì có sẵn cho họ cưới về làm chồng.

Cách duy nhất là hạ thấp tiêu chuẩn, chấp nhận một người đàn ông chưa hoàn thiện, cùng gây dựng một cuộc sống, thì mới có ngày có được ông chồng khả dĩ. Há miệng chờ sung chỉ làm tình hình tệ hơn. Than vãn, đi chùa cầu cúng, cắt tiền duyên, có thể làm bạn tạm yên lòng nhưng không giúp được gì khác. Đừng đổ tại đàn ông tốt biến đâu mất cả, họ vẫn ở xung quanh, nhưng để từ một người đàn ông trung bình tạo nên một ông chồng tốt, bước đầu tiên luôn luôn là chấp nhận sự chưa hoàn thiện của họ.

Các cụ từng nói, trâu chậm uống nước đục. Nên đừng than vãn tại sao toàn là nước đục. Trâu nhanh cũng uống nước đục, nhưng họ bỏ thời gian và công sức để lọc nó trong ra, vậy thôi!

13 comments:

  1. Hay lắm, bạn! Thích câu cuối cùng!

    ReplyDelete
  2. Còn câu nữa cũng đúng " Ăn cỗ đi trước lội nước đi sau". Lấy chồng thì đúng là lội vào chỗ nước mà chẳng biết nông sâu thế nào :) thế thì tại sao lại không cho một em chuột bạch nào đấy thử trước, nó rèn luyện ông chồng tương lai của mình ngon lành cành đào rồi mình xơi có phải thảnh thơi không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái này gọi là trâu chậm uống nước trong, kekeke

      Delete
  3. Đồng ý với tác giả, trâu nào cũng có thể uống phải nước đục, bất kể chậm hay nhanh. Vậy còn trai ế vợ, họ là ai ? :-). _S2_

    ReplyDelete
  4. Tác giả đã đưa định nghĩa "Trai chưa lấy vợ" trong bài của mình rồi đây ạ: Một số anh ăn chơi lông bông, không có sự nghiệp, không có học vấn... Một số anh khác thì có những tật ...ví dụ khoác lác, không giữ lời hứa, hoặc giả nhà đông anh em, hoặc sẽ phải ở với bố mẹ chồng, hoặc có thói trăng hoa tán tỉnh các em trẻ đẹp v.v.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kakaka nghe có vẻ tuyệt vọng thật . Nếu bạn là gái ế, bạn có sẵn lòng chấp nhận một anh chàng ví dụ có tính khoác lác và sống chung với bố mẹ chồng không ?

      Delete
    2. Còn phải nghiên cứu chán trước khi chấp nhận

      Delete
    3. Đương nhiên bạn cần thêm sự cởi mở và lắng nghe trái tim mình, chỉ nghiên cứu đối tượng thôi chưa đủ :-)

      Delete
  5. Lão Black làm thêm bài về trai ế đi :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sở trường của tác giả là gái ế. Bỏ sở trường mà dùng sở đoản, viết xong lại thành điều tra xã hội học thì xong hàng kakakaka!

      Delete
    2. Chứ không phải là lão Black không quen trai ế nào à? :D

      Delete
    3. Ít nhất trai ế có một điểm chung, là rất lười đi tán gái. Vì thế muốn tìm được họ cũng không phải dễ lắm.

      Delete