Friday, January 17, 2014

Suy nghĩ từ một chuyến đi tình nguyện lên xã nghèo miền Tây Bắc



Chúng tôi vừa đi theo một đoàn tình nguyện lên xã nghèo thuộc tỉnh Lào Cai. Mục đích là mang tặng các cháu thuộc trường Mầm non và Tiểu học quần áo ấm, chăn đắp, dép cùng thực phẩm các loại. Các thầy cô giáo mà chúng tôi gặp đều hoan nghênh những sự trợ giúp, mà họ cho là giúp học sinh đỡ khổ, yên tâm đi học.

Song tôi thầm nghĩ, liệu chúng tôi có đang tạo ra một mầm mống bất công sau này?

Vì những dự án kiểu này thuộc loại hỗ trợ một lần, cấp phát quần áo một lượt cho toàn bộ học sinh trong danh sách. Sang năm, đương nhiên là có một số học sinh lên lớp mới và một số khác tuyển vào. Các em mới nhập học không có áo, vì lúc cấp phát chưa có tên trong danh sách. Như thế sẽ có tình trạng vài khối lớp mặc quần áo tốt, một khối chỉ có quần áo của gia đình.

Các đồ dùng thuộc diện cá nhân khác cũng vậy: ủng, dép, cặp lồng cơm. Nếu một lớp có mười cháu xách cặp lồng còn một cháu mang cơm đến lớp bằng túi nilon, bạn nghĩ cháu có cảm thấy so bì với các cháu khác không?

Chuyện này không xảy ra với các dự án kéo dài, như Cơm Có Thịt, song lại là vấn đề cho các chuyến cứu trợ một lần, vốn xuất phát từ các nhóm nhỏ. Có một cách để hạn chế tình trạng này, là để tập trung ở trường cho các thầy cô giáo quản lý. Song chỉ có một số vật dụng có thể làm được, ví dụ cốc uống nước, bát ăn cơm hay chăn đắp.

Xét từ góc nhìn của gia đình các em, bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía bên ngoài đều dẫn đến bất bình đẳng. Ví dụ trong khi các trẻ Mầm non được hỗ trợ cơm thịt, trẻ cấp tiểu học được tặng áo và ủng, thì các em lớn hơn lại không được hỗ trợ gì. Đành rằng trẻ bé hơn cần được ưu tiên, song thật khó giải thích cho một em bé lớp 6, rằng em sẽ vẫn phải ăn độn ngô và mặc quần áo cũ, vì em "không thuộc phạm vi dự án!".

Những sự bất bình đẳng như vậy, theo tôi có thể gây ra tâm lý nặng nề ở các cháu học sinh. Các cháu không được trợ giúp sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, bị thiệt thòi so với các bạn, hoặc so với anh chị em trong nhà. Ai dám nói chắc về sau không xảy ra những hành vi tiêu cực hơn?

Hoạt động của nhóm chúng tôi vẫn đang lặng lẽ diễn ra ở các địa bàn khác nhau. Một mặt, chúng tôi cho rằng, bình đẳng không có nghĩa là tất cả các em đều phải xách túi nilon cơm như nhau. Mặt khác, tôi nghĩ rằng lợi ích mang lại cho các cháu lớn hơn cảm giác bất công. Và vì ý thức được sự không đồng đều, chúng tôi cố gắng hết sức tránh xảy ra tình trạng một số em được chăm sóc, còn một số em khác thì không. Tuy thế, do nguồn lực có hạn, chúng tôi vẫn phải ưu tiên một số nhóm tuổi, và một số địa bàn nhất định.

Sau mỗi chuyến đi, lại thấy có một số em bị lọt sổ vì không đi học, cảm giác như niềm vui vẫn chưa trọn vẹn ...

1 comment:

  1. Thôi thì làm được những gì có thể, bạn à! Nếu từng cá nhân, nhóm hay một chương trình dài hơi hơn như Cơm Có Thịt mà xóa được những điều cần xóa, thì có lẽ chả cần phải lập ra Nhà Nước!

    ReplyDelete