Monday, February 21, 2011

Điện ảnh Việt nam



Hôm nay tôi đọc thấy bài viết này ở đây. Phải nói thật là tôi lại lên forum vì thấy có quá ít sự đồng tình với tác giả của nó.

Nguyễn Thị Minh Thái

Bà Minh Thái có vẻ rất bức xúc với những vấn đề của Điện ảnh Việt nam đương đại. Bà lại càng bức xúc khi nói đến khán giả Việt nam, những người hiện nay đang trả tiền để nuôi nền Điện ảnh nước nhà, và đôi lúc tỏ ra coi thường họ. Tôi có thể hiểu được cách suy nghĩ của bà Thái, nhưng qua cả bài viết nói trên, tôi thực sự nghĩ rằng bà đã tư duy nhầm đường.

Bà cho rằng những phim Việt nam ăn khách gần đây, là sặc mùi thị trường, thẩm mỹ nghệ thuật đáng kinh hoàng. Tôi phần nào đồng ý với luận điểm này, quả thật khó có thể gọi chúng là những tuyệt tác của nghệ thuật thứ bảy được. Tuy nhiên, bà Thái bỏ qua điểm đáng nói của những bộ phim như vậy, đó là tính tự chủ tài chính của nó. Các hãng phim, cho dù vẫn còn là chập chững, đã bắt đầu nhìn ra hướng đi cho điện ảnh chuyên nghiệp. Họ đã biết cách cộng tác với các nhà tài trợ, các doanh nghiệp và các thương hiệu để tìm cho đủ số kinh phí cần thiết. Vì đó là đồng tiền họ tự kiếm ra, họ sẽ biết cách quản lý nó hiệu quả nhất. Điện ảnh tư nhân, suy cho cùng, vẫn là một doanh nghiệp kinh doanh. Họ cần phải có lãi để nuôi sống bản thân mình, nuôi sống diễn viên và đạo diễn, nuôi sống từ các nhà văn viết kịch bản cho tới người công nhân lắp ray cho camera và chiếu đèn. Kết tội họ vì những sản phẩm chất lượng thấp là việc rất dễ làm, nhưng khuyến khích họ để cải thiện sản phẩm của mình mới là điều cần thiết trong giai đoạn này.

Có vẻ như bà Thái rất muốn điện ảnh trở thành công cụ định hướng thẩm mỹ cho khán giả bằng cách tạo ra thứ nghệ thuật cao hơn người xem. Tôi cho rằng đây là một nguy cơ cho điện ảnh và nghệ thuật nói chung. Những nhà quản lý điện ảnh có thể nhân danh “người xem” để bóp chết tác phẩm một cách dễ dàng. Muốn hủy hoại một bộ phim, hãy tuyên bố rằng nó là phim “thiếu trí tuệ”. Thật giống như ngạn ngữ xưa, “Muốn giết một con chó, hãy kết tội nó là chó dại”. Những khuynh hướng áp đặt như vậy rất không phù hợp trong thời đại của thông tin như hiện nay. Chúng ta có 80 triệu dân thì cũng có 80 triệu trí tuệ khác nhau, bà Thái căn cứ vào đâu để cho rằng phần đông khán giả đến rạp là văn hóa hạn chế, trình độ tầm thường? Có cần phải nhắc cho bà rằng chính những người “văn hóa hạn chế” ấy đang là động lực phát triển của nền điện ảnh nước nhà hay không? Họ xứng đáng được bà tôn trọng hơn thế nhiều. Họ đang đóng góp một phần vào việc duy trì nền điện ảnh nước nhà, mà trường SKĐA của bà là một phần trong đó. Nếu nước ta chỉ có những khán giả trình độ cao, tôi tin chắc là cả nền điện ảnh sẽ vô cùng, vô cùng chật vật để sống sót với khoảng chục tỉ bạc mỗi năm, kinh phí của những phim do Nhà nước tài trợ. Như thế, liệu cái chức vụ giảng viên SKĐA của bà có còn nữa không ?

Nghệ thuật phải phục vụ cho những người trả tiền. Bà đừng quên rằng ông Francesco del Giocondo đã trả tiền để lưu lại nụ cười Mona Lisa (La Gioconda) cho hậu thế. Nếu không có tiền của ông ấy thì chúng ta đã mất hẳn đi tác phẩm được coi là đỉnh cao của hội họa. Nếu không có tiền Nhà nước, những bộ phim như “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” hay “Hà Nội 12 ngày đêm” chẳng biết đến bao giờ mới ra đời. Nếu Nhà nước có thể chi tiền để làm phim, thì khán giả càng có quyền chi tiền để xem phim. Phục vụ cho đồng tiền chẳng có gì là xấu cả. Tôi không thể nào tán thành cái ý kiến cho rằng khán giả phải xem thứ mà họ không thích. Nếu như họ muốn xem Gái nhảy, hãy nhảy cho họ xem. Họ muốn xem Lọ lem hè phố, hãy ra lề đường mà quay phim. Những đạo diễn như thế còn có nhiều tự trọng hơn những người cầm mười mấy tỷ bạc mồ hôi nước mắt của dân đóng thuế mà chỉ được mỗi việc bôi bẩn vài ngàn mét phim nhựa, đến lúc chiếu thì chẳng ma nào buồn coi. Người ta có thể tự hào là đã sản xuất ra một tác phẩm “thẩm mỹ cao”, nhưng khi mà chỉ bán được vài trăm vé thì tác dụng giáo dục của nó đến đâu lại rất dễ nhìn ra. Gần đây nhất, bộ phim “Giải phóng Sài gòn” với kinh phí gần 15 tỉ đồng nhưng bán chưa được 100 triệu tiền vé! Khoảng 14 tỉ đồng, cao hơn thuế sử dụng đất nông nghiệp của một tỉnh trung bình (*), đã chuyển từ dạng tài sản hữu hình sang dạng tài sản vô hình (ấy là cách nói hoa mỹ của một số người chịu trách nhiệm làm ra bộ phim này). Theo một cách hài hước, ta có thể xếp những phim như thế này vào một dòng riêng, gọi là dòng phim “giỗ chạp”, thường được làm ra nhân dịp 30 năm ngày này hay 50 năm ngày nọ!

Tôi vẫn cho rằng điện ảnh nước nhà đang ở trong giai đoạn khó khăn, nhưng không ở mức khủng hoảng. Bên cạnh những phim do Nhà nước đặt hàng, họ đã tìm được cách tiếp cận các nhà tài trợ. Họ đã bắt đầu đi đúng hướng để thoát ra khỏi sự bế tắc mà cơ chế bao cấp tạo ra suốt nhiều thập kỷ nay. Cho dù chưa đánh giá cao các tác phẩm nghệ thuật này, tôi thành thật đánh giá cao sự năng động, nhiệt tình làm phim cũng như kinh nghiệm mà họ tích lũy được trong thị trường phim ảnh Việt nam, một thị trường đang bị các phim Mỹ thống trị suốt vài năm gần đây. Công chúng không cần phải được định hướng, họ dễ dàng chọn ra phim phù hợp với mình. Chính họ, với sự giúp đỡ của thời gian, sẽ gạt bỏ những phim dở, lưu lại những phim hay, vinh danh những phim có giá trị. Đến bây giờ, không ai phải bỏ công chê bai “Lửa cháy thành Đại La”, người ta đã xếp nó vào sọt rác từ lâu rồi.

Cứ để cho điện ảnh phát triển như bình thường và đừng tìm cách can thiệp vào nó bằng những mệnh lệnh hành chính. Các đạo diễn là người hiểu hơn ai hết chất lượng phim do mình làm ra. Họ biết họ đang ở đâu và đang đi về đâu. Sẽ có ngày họ cho tôi và bạn thấy họ có thể làm được những gì. Tôi tin là ngày đó đang đến.

= = = = = = = = = = =
(*) Năm 2002 cả nước thu được 772 tỷ tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chia cho 64 tỉnh / thành phố, trung bình mỗi tỉnh / thành phố nộp 12.06 tỷ đồng. Nguồn Tổng cục Thống kê 

(Written Jan-2006)

No comments:

Post a Comment