Monday, February 21, 2011

Re: Điện ảnh Việt nam



Bạn Quỳnh thân mến

Khác biệt lớn nhất giữa tôi và tiến sĩ Thái là sự đánh giá triển vọng của nền điện ảnh Việt nam. Tiến sĩ cho rằng nền điện ảnh VN với những bộ phim thị trường này sẽ dẫn đến khủng hoảng (“cái chết chóng vánh”), còn tôi cho rằng điện ảnh VN đang bắt đầu những bước đi đúng hướng cho tương lai. Người ta có thể gọi những phim này bằng các tính từ khác nhau như “thị trường”, “câu khách”, “mì ăn liền ba xu”, etc. Cho dù có nhiều người chê bai xỉ vả, tôi thấy đó vẫn là cách thức duy nhất để điện ảnh VN tiến lên, dần dần hoàn thiện chính mình. Việc khăng khăng bám vào tiền thuế của dân chỉ chứng tỏ sự bất lực của êkíp làm phim – không hơn không kém.

Khác biệt thứ yếu là cách nhìn vị thế của đồng tiền trong nền nghệ thuật điện ảnh. Khác nhiều so với âm nhạc, hội họa, điêu khắc và văn học, tiền đầu tư cho một bộ phim là rất đáng kể so với doanh thu, ngoài ra còn ở mức cao nữa. Để sáng tác ra một bài hát hay một bức tranh, người nhạc sĩ và họa sĩ chỉ cần một số tiền tối thiểu để đủ sống, mua giấy bút vải và màu. Họ chẳng mấy khi bị bức bách về thời gian và lại hoàn toàn được làm việc độc lập. Nhà làm phim thì khác, họ nhận về hàng tỷ bạc đầu tư để chi cho mọi thứ, từ chổi cùn rế rách đến thuê làm kỹ xảo đặc biệt. Vì thế, một khi đã cầm tiền của nhà tài trợ, đạo diễn và nhà sản xuất có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của hợp đồng tài trợ. Không thể nói là họ không làm nghệ thuật chân chính chỉ vì họ nhận tiền và chấp nhận ràng buộc bởi đồng tiền đó.

Tôi chưa hiểu rõ giải pháp vĩ mô mà tiến sĩ Thái nói đến. Thế nào là thả nổi và thế nào là không thả nổi? Chả nhẽ Nhà nước ta cứ phải lấy tiền thuế của tôi để nuôi mãi nghệ thuật, để nó không bị đẩy vào dòng đời tục lụy ư? Nếu dòng đời là thế, liệu nghệ thuật có ở trong cái tháp ngà của mình mãi được không?

Riêng về phê bình nghệ thuật, như tôi đã nói trong bài viết của mình, tôi phần nào đồng ý với tiến sĩ Thái. Giống như bạn Quỳnh đã nhận xét, về mặt chất lượng thì những phim này có thể sánh với trào lưu âm nhạc hiện hành. Tôi chỉ không đồng ý với bạn Quỳnh về việc định nghĩa như thế nào là bộ mặt của âm nhạc hay điện ảnh. Bộ mặt ấy có nhiều khía cạnh, có chỗ rất sạch có chỗ sạch vừa vừa, có chỗ son phấn và có chỗ râu ria xù xì. Tại sao ta không nhìn thẳng vào nó như là nó đang tồn tại, mà phải cố la làng lên rằng tôi có khuôn mặt đẹp, còn mấy chỗ thô ráp kia chẳng qua chỉ là “thị hiếu tầm thường” ? Nếu quả thật đa số dân chúng VN yêu thích cái thể loại nhạc dở hơi này, thì tôi không có cách gì khác ngoài việc thừa nhận một thực tế cay đắng là văn hóa VN chỉ ở mức thế thôi. Một cánh én không làm nên mùa xuân, một “Thời xa vắng” không làm nên bộ mặt cho điện ảnh nước nhà.

Bạn Quỳnh hỏi tôi nền điện ảnh VN sẽ đi đến đâu. Thành thật mà nói, chẳng ai có câu trả lời chắc chắn. Tôi nghĩ là mọi trào lưu dớ dẩn đều kết thúc một cách tự nhiên, điều mà tôi thích gọi là “chết già”. Một vài tác phẩm xuất sắc sẽ còn lại với thời gian, những thứ khác bị đào thải. Chừng mươi năm nữa, chúng ta có thể hy vọng khán giả được thưởng thức khoảng dăm phim hay một năm, và có khoảng 50 phim lẩm cẩm khác để giải trí (phim kinh dị, phim hài, phim hành động võ thuật, etc.). Nhà nước sẽ chi chừng gấp đôi gấp ba hiện nay để làm phim giỗ chạp, và rồi người ta vẫn xếp xó chúng. Có hãng phim được niêm yết trên thị trường chứng khoán, và cổ phiếu của nó lên xuống theo bình luận của các nhà phê bình phim về bộ phim sắp phát hành. Thị hiếu khán giả thì vẫn có vấn đề, nhưng tiến sĩ Thái đã phát chán việc cảnh báo về cái chết của điện ảnh rồi. Bà lấy một học bổng tư nhân sang Mỹ để theo học một khóa về phê bình điện ảnh, một cách rất bài bản!

No comments:

Post a Comment