Monday, February 21, 2011

Thế giới phẳng



Thế giới này đang phẳng dần , nhưng tiền thì ngày càng ít phẳng hơn !!!

Thomas bỏ công ra viết hẳn một quyển sách để giải thích cho chúng ta hiểu rằng vì sao và làm thế nào mà thế giới trở nên phẳng. Về việc [thế giới đang trở nên] phẳng, tôi nghĩ không có ai trong số chúng ta còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng với cá nhân tôi, việc thế giới trở nên như thế nào không quan trọng bằng việc tôi đang ở đâu trong cái thế giới đó.

Đọc hết cuốn sách này, ấn tượng của tôi là “không có gì đặc biệt”. Có thể vì tôi đã chần khá kỹ cuốn “Chiếc Lexus” nên không còn thấy nhiều những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Tuy nhiên, cách suy nghĩ và nhìn nhận về toàn cầu hóa của tôi lại đang thay đổi. Nhìn lại xã hội VN trong vòng 10 năm trở lại đây (kể từ lúc tôi bắt đầu đi làm) đến giờ, ai cũng thấy có nhiều FDI hơn, có nhiều ODA hơn, khách du lịch nước ngoài nhiều hơn và quyển Hành tinh Cô đơn Việt nam cũng đã dày dặn hơn trước nhiều. Các khu CN cả trong Nam ngoài Bắc mọc lên như nấm, các cao ốc và chung cư cao cấp mọc lên nhiều hơn nấm, và giới sành điệu đã từng nhìn nhau qua gương xe Dream, gương xe @ thì bây giờ nhìn nhau qua gương xe Escape!

Trong khi tầng lớp trung lưu và thượng lưu kiếm tiền theo hàm số mũ, thì tầng lớp công nhân và nông dân kiếm tiền có lẽ theo hàm logarithm của thời gian. Mười năm trước, một thợ xây tự do tay nghề trung bình kiếm được 15-20 ngàn 1 ngày chủ bao ăn, bây giờ những tay thợ ấy cũng chỉ nèo lên đến 30-35 ngàn là khá. Trong khi chủ nhân của những chiếc Escape có thể mường tượng được ngày họ sẽ sở hữu một chiếc Lexus chính hiệu, thì những thợ xây kia vị tất đã còn sống đến ngày nhận được 50 ngàn cho một ngày công. Mọi người đều tiến lên, đó là điều tốt của thế giới phẳng, nhưng ai tiến nhanh như thế nào lại là điều khác hẳn. Một người thợ cắt tóc lèng mèng ở Hà nội chẳng bao giờ lo ngại toàn cầu hóa [cắt tóc “phẳng”!], nhưng liệu giá cắt tóc có tăng theo mức tăng trưởng GDP hay không?

Ngày 1/5/06 vừa qua, kênh VTV1 trong chương trình thời sự lúc 8h tối đã chiếu cảnh những người công nhân ở Sri Lanka biểu tình. Một khẩu hiệu ngay lập tức đập vào mắt tôi: “Save the garment!” – Hãy cứu lấy ngành may mặc. Nhìn về nước ta, cái ngày mà công nhân may Việt nam phải hét lên câu đó cũng đã cận kề. Rồi chúng ta còn phải cứu nhiều thứ nữa: “Save the rice!”, “Save the prawn!”. Khi nào người Việt nam chúng ta mới có thể hét to lên: “Save the aircraft carrier!”, “Save the submarine!”, “Save the shuttle space!”, “Save the thermonuclear reactor!” ?

(Written Jul-2006)

1 comment: