Friday, November 25, 2011

Nhất dạ chi kế, mạc như chém gió!

Hôm trước rảnh rỗi, lại nhân giỗ tổ nghề giáo học, bèn đi chém gió với bạn đồng môn. Tất cả mười mấy mống, uống hết dăm vò Thanh niên tửu (18 tuổi), liền xoay ra bàn về chữ Hán.

Chẳng qua là bọn trung niên hăng tiết vịt, chứ cộng tất cả chữ của tất cả các thằng lại, vị tất đã đầy 1 lá ... thông. Sau khi trích dẫn ngang dọc, mọi người đều nhất trí là câu "Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích 100 năm trồng người", là của 1 cụ bên Tầu, chứ chả liên quan gì đến dân An Nam ta mà báo chí cứ vơ vào. Vốn chữ Hán là "Nhất niên chi kế, mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế, mạc như thụ mộc. Bách niên chi kế, mạc như thụ nhân".

Bất đồng là ở chữ Nhân này. Vì Hán học không bằng lá thông, nên không biết chữ nhân này là chỉ vật hữu hình (con người) hay chỉ vật vô hình, trừu tượng (nhân ái, nhân đức). Sau khi khẩu chiến tương tàn (chém ác liệt như cối xay gió!) và tận diệt thêm chừng đôi vò Thanh niên tửu nữa, cả bọn ra về, không quên ném lại một lời hăm dọa về việc: mai tao hỏi anh Gúc cho chúng mày chết.

Lúc tỉnh rượu, bèn lập tức đi hỏi anh Gúc. Anh Gúc cho rằng, chữ Nhân này không phải là chữ Nhân (người), mà gồm có một bộ Nhân và chữ Nhị, tức là hai người, người với người. Chữ này ám chỉ quan hệ giữa con người với con người, chứ không phải để chỉ một người cụ thể. Vì vậy, dịch thành “trồng người” làm mất đi cái nghĩa sâu xa của câu nói, chỉ còn lại ý giáo dục một con người cụ thể.

Nếu dịch cả câu trên ra tiếng Việt thật sát nghĩa, thì phải là:

"Kế 1 năm, không gì bằng cấy lúa. Kế 10 năm, không gì bằng trồng cây. Kế 100 năm, không gì bằng nuôi lòng nhân."

No comments:

Post a Comment