Monday, June 3, 2013

Nguyễn Hiến Lê – phần hồi ký chưa công bố



Tình cờ hôm nay nhìn thấy tên Nguyễn Hiến Lê. Phàm là người đọc sách, ắt đều nghe đến tên ông như là một học giả lẫy lừng thế kỷ 20.

Trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, người viết blog này bắt đầu làm quen với ông qua bản dịch Đắc nhân tâm và Quẳng gánh lo đi. Kể cũng là một thiệt thòi so với các bạn cùng lứa ở miền Nam Việt Nam, vốn có tiếp cận đến những sách xuất bản trước năm 1975. Từ đó về sau, luôn dành cho sách của ông một sự ưu ái – dù là sách do ông dịch, sách biên khảo, hay viết ra với tư cách tác giả.

Trong số các cuốn sách của ông, có hai cuốn ảnh hưởng đến tôi một cách đặc biệt, đó là cuốn Sống đẹp (dịch của Lâm Ngữ Đường – The importance of Living) và cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê. Sống đẹp cũng là cuốn mà tôi mất công đi lùng mua nhất. Có lẽ do công sức tìm kiếm quá mệt mỏi, nên đành đọc kỹ hơn bình thường. Mỗi lần đọc lại cảm thấy mình muốn sống chậm lại một chút, thư giãn hơn một chút, để cảm nhận được cuộc sống xung quanh và cuộc sống của chính ta. Tuy có những đoạn tác giả viết hơi ngoa ngôn (và bị dịch giả lược đi cả đoạn), cuốn sách vẫn là một lời kêu gọi cho những giá trị nhân văn - mà hình như sang thế kỷ 21 này lại càng ít hơn thế kỷ 20, lúc cuốn sách ra đời.

Đến khi mua được cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, lại thấy hiểu rõ hơn về phong cách làm việc nghiêm túc, so sánh và đối chiếu các tư liệu tham khảo, kiểm chứng thông tin chặt chẽ. Cái gì xác quyết được thì chép, cái gì chưa xác quyết, có nhiều cách hiểu, thì chép lại các phương án và thừa nhận chưa thể đoan chắc. Bởi cách thức làm việc khoa học và và thận trọng như vậy, nên sách của ông có độ tin cậy cao, có sức thuyết phục khiến độc giả dễ dàng chấp nhận.

Hồi ký của ông, tại bản in năm 1993 của NXB Văn học, đã bị lược bỏ 6 chương. Lúc mới mua về, rất lấy làm chim cú. Tuy nhiên đến giờ, cũng phải nhận hồi đó người ta làm ăn có chút lương tâm. Cái gì có thể xuất bản được thì in, cái gì đục bỏ thì ghi rõ là đục bỏ. Để người đọc còn biết, và là sự tôn trọng nguyên tác ở mức chấp nhận được. Giá phỏng như người ta cứ lờ đi, đánh số lại hết các chương, thì độc giả nào biết đấy là đâu.

Cái phần còn thiếu đó, nay tìm thấy trên blog AXoay, link này. Trang chủ của blog này ở đây.

Các bạn có thể tải về đọc, với tất cả sự thận trọng cần thiết, vì khó mà kiểm chứng nguồn gốc. Nhìn vào đoạn viết về Mậu Thân 1968, có vẻ giống văn phong nghiêm cẩn của Nguyễn Hiến Lê vậy.

Đọc thêm: Tìm mộ ông Nguyễn Hiến Lê

No comments:

Post a Comment