Cứu hỏa
Ngay sau sự cố, lính cứu hỏa đến để dập lửa. Những người đầu
tiên đến hiện trường là đội cứu hỏa của nhà máy điện Chernobyl, do trung úy Vladimir Pravik chỉ
huy. Ông tử nạn ngày 9/5/86 vì nhiễm phóng xạ cấp. Cả đội không biết gì về nguy
cơ phóng xạ từ khói và đống đổ nát, thậm chí họ cho rằng đó chỉ là một vụ cháy
do chập điện bình thường. “Chúng tôi không biết đó là lò phản ứng. Có ai nói gì
đâu.”
Grigori Khmel, tài xế xe cứu hỏa, về sau mô tả lại những gì
xảy ra:
Chúng tôi đến đó lúc
2h kém 15 hoặc 2h kém 10. Chúng tôi thấy graphit vương vãi khắp nơi. Misha hỏi
“Than gì thế này?” Tôi đá chúng ra xa. Một lính cứu hỏa ở xe khác nhặt chúng
lên. “Nóng quá” anh ấy nói thế. Có đủ kích cỡ khác nhau, cả to và nhỏ, có thể cầm
tay được.
Chúng tôi không rõ lắm
về phóng xạ. Cả những người từng làm việc ở đó cũng vậy. Xe hết nước. Misha đổ
đầy nước vào thùng và chúng tôi phun lên nóc. Những người khác leo lên mái nhà,
Vashchik Kolya, Volodya Pravik và những người khác. Họ bắc thang để leo, về sau
tôi không gặp lại họ nữa … họ chết cả rồi.
Anatoli Zakharov, một lính cứu hỏa đóng ở Chernobyl từ năm 1980, thì lại kể khác:
Tôi nhớ còn nói đùa: Ở
đây chắc là đầy phóng xạ. Sáng mai mà còn sống là may lắm đấy.
Hai mươi năm sau ngày xảy ra sự cố, ông vẫn tin rằng những
người lính cứu hỏa ở Trạm cứu hỏa số 2 ấy biết rõ nguy cơ nhiễm xạ.
Tất nhiên là chúng tôi
biết! Nếu theo đúng quy định, chúng tôi không bao giờ được đến gần lò phản ứng.
Nhưng đây là một nghĩa vụ đạo đức, trách nhiệm của chúng tôi. Giống như những
phi công cảm tử.
Ưu tiên hàng đầu là dập lửa trên mái lò và khu vực xung
quanh tòa nhà chứa lò phản ứng số 4, để bảo vệ lò số 3 và hệ thống làm mát của
nó. Lửa bị dập tắt lúc 5h sáng, nhưng nhiều lính cứu hỏa bị nhiễm xạ nặng. Lửa
bên trong lò còn cháy đến tận ngày 10/5, chừng hơn nửa số graphit trong đó đã
cháy trụi. Trực thăng ném xuống hơn 5,000 tấn vật liệu như cát, chì, đất sét và
boron, cộng thêm nitơ lỏng mới dập được lửa.
Từ những lời chứng trước khi mất của những người lính cứu hỏa
tham gia vào sự kiện (do Đài truyền hình CBC quay trong chương trình Nhân chứng),
một trong số họ mô tả phóng xạ “có vị kim loại” và cảm thấy như bị kim châm
trên mặt (điều này trùng với mô tả của Louis Slotin, một nhà vật lý trong dự án
Manhattan, ông đã chết vài ngày sau khi nhiễm xạ liều cao trong một sự cố
nghiêm trọng).
Vụ nổ và hỏa hoạn phán tán vào không khí các phần tử nhiên
liệu hạt nhân, và những sản phẩm phân rã cực kỳ nguy hại như các đồng vị phóng
xạ Caesium-137, Iodine-131, Strontim-90 và các nuclid phóng xạ khác. Tổng cộng
lượng phóng xạ thoát ra ngoài do sự cố này nhiều gấp 400 lần so với vụ nổ bom
nguyên tử ở Hiroshima
– người ta tìm thấy bụi phóng xạ trên toàn châu Âu, ngoại trừ khu vực Tây Ban
Nha và Bồ Đào Nha.
Những bằng chứng đầu tiên về một vụ rò rỉ phóng xạ cỡ lớn xuất
phát từ nhà máy điện hạt nhân Forsmark của Thụy Điển. Nhà máy này, nằm cách Chernobyl khoảng 1,100km,
vào sáng ngày 28/4 (khoảng chừng 55h sau thảm họa) đã ghi nhận bụi phóng xạ tại
khu vực của họ. Thụy Điển đã ngay lập tức cho di tản nhân viên vì lo ngại rò rỉ
xuất phát từ lò phản ứng của nhà máy. Sau đó, các khảo sát sơ bộ đã kết luận
nguồn phóng xạ đến từ bên ngoài, có thể xuất phát từ lãnh thổ phía tây của Liên
Xô. Đến chiều ngày 28/4, hãng tin ABC đã loan báo sự việc này trên báo chí thế
giới.
Phải đến lúc đó, chính quyền Soviet mới thông báo chính thức
trên TV. Chỉ có 20 giây trong bản tin Thời sự tối ngày 28/4 (65h sau thảm họa),
các nhà chức trách thông báo vắn tắt về một sự cố ở nhà máy Chernobyl – trong khi đó họ đã âm thầm sơ tán
xong dân cư thành phố Pripyat khỏi khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Kết luận
Tổng hợp từ các báo cáo, người ta rút ra các kết luận như
sau về nguyên nhân sự cố, gồm khâu thiết kế, vận hành lò và văn hóa an toàn nói
chung từ cấp độ nhà máy đến cấp độ quốc gia.
Về thiết kế lò phản ứng: thiết kế cuả lò tuy đã được phê chuẩn
nhưng vẫn bao gồm một số đặc tính nguy hiểm, thí dụ:
- Tim lò hoạt động không ổn định ở mức công suất thấp do hệ
số phản hồi dương.
- Thời gian di chuyển quá dài của các thanh điều khiển (để
hãm tốc độ phản ứng); hơn nữa đoạn đầu của các thanh làm tăng tốc(!) phản ứng của
tim lò.
- Ít tự động hóa các thao tác bảo vệ mà lại có quá nhiều khả
năng vận hành thủ công.
- Thiếu nhà che chắn lò có hiệu quả.
Về vận hành lò:
- Trong ngày hôm trước lò đã vận hành quá lâu với công suất
thấp hơn 700 MW. Cần lưu ý rằng trạng thái này không được chỉ định trong quy
trình vận hành.
- Vi phạm các chỉ thị an toàn: ngắt báo động mức nước thấp
trong lò, ngắt báo động từ bình tách nước và hơi, ngắt hệ thống tự động làm mát
khẩn cấp.
Thiếu văn hoá an toàn hạt nhân nói chung:
- Nhóm chịu trách nhiệm về an toàn trong nhà máy đã không khảo
sát quá trình thử nghiệm để kiểm tra các đặc tính an toàn.
- Cơ quan hữu trách (ở đây là ban giám sát hạt nhân Soviet)
ít hiệu lực và không đủ khả năng chống lại các áp lực của việc sản xuất điện
năng.
- Nhân viên vận hành thiếu hiểu biết về các vấn đề an toàn của
nhà máy.
- Thiếu các nghiên cứu về an toàn: rất ít các khảo sát vật
lý liên quan đến cách hoạt động của lò phản ứng.
- Các quy trình và chỉ thị có chất lượng thấp kém đã đặt
nhóm vận hành vào tình thế phải suy diễn khó khăn.
- Trong nhiều năm, Bộ Năng lượng của Liên bang Xô Viết để
cho khai thác các lò phản ứng RBMK với các bất ổn định vật lý nơtron, mà không
để ý đến các tín hiệu bất thường và lặp đi lặp lại từ các hệ an toàn liên quan
đến các mức công suất và cũng không đòi hỏi mở rộng điều tra các tình trạng khẩn
cấp.
- Thiếu trao đổi thông tin quan trọng về an toàn: hiệu ứng
dương của các thanh điều khiển đã quan sát được vào năm 1983 ở nhà máy điện hạt
nhân Ignalina. Văn phòng khảo cứu của các lò phản ứng RBMK đã thông báo cho các
nhà máy khác và chỉ ra rằng thiết kế này sẽ được sửa đổi để giải quyết vấn đề.
Tuy vậy, văn phòng này đã không thay đổi thiết kế vì họ không tin vào hậu quả
nghiêm trọng do tăng tốc phản ứng khi thanh điều khiển rơi vào tim lò. Điều này
thực sự đã xảy ra trong sự việc dẫn đến tai nạn ở Chernobyl 4.
- Bỏ qua các phản hồi kinh nghiệm: một tai nạn vào năm 1975
tại Leningrad 1 (được coi như là một tiền thân của Chernobyl 4) và một “trục trặc”
nứt vỏ nhiên liệu ở Chernobyl 1 vào năm 1982 đã cho thấy nhiều điểm yếu nghiêm
trọng trong các đặc trưng và vận hành của kiểu lò RBMK. Nhưng các bài học này
đã được giữ kín.
(Hết)
Xem các phần trước:
Thảm họa Chernobyl (phần 3)
No comments:
Post a Comment