Monday, July 29, 2013

Tìm hiểu về âm lịch (phần 1/2)



Âm lịch được tính toán trên cơ sở nào? Âm lịch có phải là nguyệt lịch không? Tại sao có khác biệt giữa âm lịch của Việt nam và Trung quốc? Tết cổ truyền hàng năm rơi vào khoảng thời gian nào? Nếu ngày Tết của ta không trùng với Tết của Trung quốc, thì nó xảy ra sớm hơn hay muộn hơn?



Trước nay vẫn có ý khảo cứu thêm về âm lịch. Thật ra ban đầu là hơi bực với ngày Tết, nó cứ nhảy lung tung khiến năm nào cũng phải đi gúc, mà gúc xong rồi cũng không thể nhớ được. Sau là đôi lúc thấy các bạn ăn trộm lịch Tàu về in thành lịch ta, đúng vào năm xui mà sai bét cả, thành ra lỗ vốn. Nhằm giúp các bạn kinh doanh không bị mất tiền oan, nay tóm tắt lại cái sự lịch ra đây cho tường tận.

Lâu nay có một sự hiểu lầm phổ biến, cho là âm lịch dựa trên mặt trăng, còn dương lịch dựa theo mặt trời. Kể cũng khó trách, vì người ta quan sát thấy ngày rằm nào trăng cũng tròn, nhất là rằm Trung thu lại càng được chờ đón hơn cả. Nhưng trong thực tế, âm lịch (cả của ta và của Trung Quốc) có phức tạp hơn, tháng thì tính theo chuyển động của mặt trăng quanh trái đất nhưng năm lại tính theo chuyển động của trái đất quanh mặt trời. Quy tắc tháng thiếu đủ hay tháng nhuận của âm lịch rất chặt chẽ và có căn cứ khoa học rõ ràng. Âm lịch, chính ra là một loại nhật nguyệt lịch.

Trên thế giới cũng có nguyệt lịch thuần túy như lịch Arab (lịch Hồi giáo – một năm bằng 12 kỳ trăng tròn), hàng năm ít hơn dương lịch 11 đến 12 ngày, nên về bản chất nó không phản ánh đúng hiện tượng chuyển mùa của thời tiết. Từ phía mình, dương lịch chỉ tính theo chuyển động quanh mặt trời (nhật lịch) mà chia ra 12 tháng, phân bổ các ngày trong tháng thì rất loạn xạ, không theo căn cứ khoa học nào. Chỉ có số lượng ngày nhuận là chính xác, dựa trên tính toán thiên văn, còn thì tháng nào 28 ngày tháng nào 31 ngày toàn do tiền nhân vẽ rắn thêm ...ngày mà ra.

Vì là nhật nguyệt lịch, nên các độc giả sẽ thấy một số ngày khí của âm lịch trùng với dương lịch với sai số một ngày. Ví dụ như ngày khí Xuân phân là 20-21/3, khí Hạ chí là 21-22/6, Đông chí là 21-22/12, etc. Những ngày khí này (tổng cộng có 12 tiết khí và 12 trung khí) được định vị theo mặt trời, nên chúng hầu như trùng khớp với dương lịch. Sai khác một ngày là từ phía dương lịch chứ không phải âm lịch.

Khi mặt trăng quay quanh trái đất, chừng 29 ngày rưỡi thì có một thời điểm – chính xác đến từng giây – mặt trăng quay hoàn toàn nửa tối về phía trái đất. Âm lịch quy định ngày chứa thời điểm này là ngày đầu tiên của tháng âm lịch. Tiếng ta gọi thời điểm này là điểm Sóc, tiếng Tây gọi là điểm New Moon. Nếu từ Sóc nọ tới Sóc kia là 29 ngày thì ta có tháng thiếu, nếu là 30 ngày thì ta có tháng đủ. Như thế ta biết tháng âm lịch rất nghiêm ngặt, chỉ có thể là 29 hay 30 ngày, không thể tùy tiện chuyển thành 28 hay 31 ngày được ...

No comments:

Post a Comment