Tuesday, July 30, 2013

Tìm hiểu về âm lịch (phần 2/2)


Để khớp giữa các tháng (tính theo mặt trăng) và các khí (tính theo mặt trời), người ta phát triển cách tính tháng nhuận. Muốn hình dung ra phép nhuận chúng ta hãy tưởng tượng ra hai xâu chuỗi thời gian: chuỗi tuần trăng với các hạt là điểm sóc màu xanh, chuỗi tiết khí với các hạt là điểm trung khí màu đỏ. Cầm hai chuỗi chập lên nhau một cách ngẫu nhiên, ta sẽ thấy trong đa số trường hợp giữa hai hạt xanh có một hạt đỏ. Nhưng do khoảng cách giữa các hạt xanh ngắn hơn giữa các hạt đỏ, lần lần đến một lúc nào đó sẽ có hai hạt xanh nằm gọn trong khoảng hai hạt đỏ - lúc này giữa hai hạt xanh không có một hạt đỏ nào. Nếu ta "cắt bỏ" đoạn xanh ấy ra nữa thì sự phân bổ các hạt của hai chuỗi bớt lệch đi và dần trở lại song hành như trước. Đoạn xanh "bị cắt ra" này gọi là nhuận. Phát biểu thành lời như sau: Tháng không có trung khí là tháng nhuận. Tháng nhuận đó không có tên gọi và can chi riêng (nói cách khác: không được "đếm") mà mang tên & can chi của tháng trước ghép thêm chữ Nhuận. Có một ngoại lệ, nếu trong vòng 20 tháng trước đó đã có một tháng nhuận, thì tháng không có trung khí này – lẽ ra phải là tháng nhuận theo quy tắc trên – sẽ được coi là tháng thường chứ không phải là tháng nhuận nữa.

Thời điểm Sóc xảy ra mỗi tháng một lần, nhưng do múi giờ của người quan sát khác nhau mà có thể bị tính vào những ngày khác nhau. Ví dụ năm 2007, Sóc xảy ra lúc 16:15 ngày 17/2/2007 theo giờ GMT. Theo lịch ta (GMT+7) điểm Sóc là 23:15 của ngày 17/2 nên 17/2 là mồng 1 Tết, đêm 16/2 là đêm giao thừa. Trong khi đó theo lịch Trung Quốc điểm Sóc là lúc 0:15 ngày 18/2 – theo múi giờ Bắc Kinh GMT+8 – nên người Tàu đón giao thừa vào đêm ngày 17/2 dương lịch. Như thế, hai lịch có khác biệt một ngày.

Do những trùng hợp ngẫu nhiên của khí và sóc, mà khác biệt có thể còn lớn hơn. Năm 1984, Sóc xảy ra vào lúc 18:47 đối với VN, 19:47 đối với TQ cùng ngày 22/12, vậy nên 21/12 là ngày cuối cùng của tháng trước trong cả hai lịch. Tuy nhiên, trung khí Đông chí xảy ra lúc 23:23 ngày 21/12 – theo lịch VN thuộc về tháng trước mà đối với TQ là 0:23 của tháng sau. Như thế, tháng 11 của VN có trung khí mà TQ thì không. Theo quy tắc trên, lịch VN ghi nhận tháng 11 thường còn lịch TQ ghi nhận đó là tháng 10 nhuận. Vậy nên ngày 22/12/1984 của ta là mồng 1 tháng chạp, còn của TQ mới là là mồng 1 tháng mười một. Việc này dẫn đến tết của VN đầu năm 1985 sớm trước tết TQ một tháng! Tuy nhiên, cũng do cách tính lịch trên mà sự khác biệt bị loại trừ sau một khoảng thời gian nào đó – do lịch VN thêm tháng nhuận để bù vào.

Tính từ năm 2013 (lúc viết bài này) cho đến hết thế kỷ 21, chỉ 2 lần có khác biệt Tết âm lịch giữa hai nước, vào các năm 2030 và 2053 – tết VN đến trước một ngày. Tính theo dương lịch, Tết ta xảy ra sớm nhất là ngày 21/1 của các năm 2061 và 2099, Tết muộn nhất là ngày 19/2 các năm 2015, 2034 và 2072 – tất cả trong phạm vi một tháng. Nếu Tết đến vào 10 ngày đầu tháng 2 dương lịch là trung bình, đến trong cuối tháng 1 là sớm hơn trung bình.

Đến đây các bạn có thể nhận thấy, âm lịch của VN và TQ tính toán dựa theo cùng một nguyên tắc của nhật nguyệt lịch. Xét trong khoảng thời gian dài (vài năm trở lên), hai lịch không có gì khác biệt. Tuy nhiên do múi giờ của hai bên khác nhau, mà tùy trường hợp cụ thể sẽ tính ra ngày (tháng) khác nhau. Trong trường hợp có khác biệt, lịch VN sẽ nhanh hơn lịch TQ do múi giờ của VN chậm hơn – nghe thật vô lý nhưng các bạn hẳn đã đoán ra, nếu hiểu rõ đoạn trên của bài viết.

Nhìn từ góc độ tiện dụng, âm lịch kém hiệu quả hơn do số tháng trong năm biến động, cũng như số ngày trong tháng không thể nhớ được. Nhưng mặt khác, âm lịch lại bao trùm cả hai thiên thể lớn nên cho phép xác định thủy triều dễ dàng mà vẫn theo sát việc chuyển mùa trong năm, cũng như việc xác định số ngày trong tháng dựa vào căn cứ khoa học rõ ràng. Bạn sẽ biết chắc chắn trời tối như đêm Ba mươi còn Rằm Trung thu luôn có trăng tròn. Nếu không nhớ rõ ngày âm, bạn có thể tư vấn với hàng thịt chó gần chỗ bạn ở – họ thuộc âm lịch hơn là bạn tưởng!

= = =
Tham khảo:
http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/
http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/LichTa-DoanHung.html
http://motgoctroi.com/Mtmchuyen/TattTau.htm
http://www.nomna.org/Lich-Viet-Nam/Am-lich-Viet-Nam
http://lichsuvn.com.vn/forum/archive/index.php/t-714.html

= = =

No comments:

Post a Comment