Sunday, September 15, 2013

Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 3)



* Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 1)
* Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 2)
* Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 4)

Triển vọng về một tai họa đã hình thành từ lâu. Nhà sản xuất tên lửa đẩy, hãng Morton Thiokol, có đầy đủ thông tin về 24 lần phóng trước. Họ biết về vấn đề đang gặp phải, khi vòng gioăng cao su không đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tên lửa.


Người ta chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn bằng cách ghép một số đoạn lại với nhau. Ba mối ghép được làm tại nhà máy – dán kín bằng hỗn hợp amiăng và silica. Ba mối ghép khác làm tại hiện trường, sử dụng 2 gioăng cho mỗi điểm nối – một cái chính và một cái dự phòng. Các gioăng này có tác dụng làm kín mối ghép, buộc khí nóng sinh ra bên trong tên lửa phụt về phía đuôi. Bằng mọi giá phải hướng luồng khí nóng này tách khỏi thùng chứa nhiên liệu lỏng – nhớ rằng thùng và 2 tên lửa đẩy được gá sát vào nhau.

Kỹ sư Roger Boisjoly của Morton Thiokol đã viết thư cảnh báo cấp trên của anh và một vài chuyên gia NASA, về tình trạng ăn mòn vòng gioăng khi phóng – đặc biệt là khi gặp thời tiết lạnh. Nhiệt độ thấp làm cao su mất đàn hồi. Không giãn ra nhanh để bịt lại kẽ hở, khí nóng sẽ xuyên qua kẽ này. Khí thoát ra càng nhiều thì vòng càng bị ăn mòn, và độ phủ của nó lại càng kém đi. Tóm lại, đây giống như một dạng hồi tiếp dương cơ học.

Thêm vào đó, vòng gioăng thứ hai (vòng dự phòng) không đảm bảo tình trạng kín khi vòng chính bị hư hại. Nếu không được ghép chặt, khí thoát ra có xu hướng vặn xoắn các đoạn của quả tên lửa trong lúc hoạt động. Morton Thiokol và NASA biết điều này trước khi xảy ra tai nạn Challenger. Dù vậy, 24 lần phóng trước không có vấn đề gì xảy ra, nên cả hai bên cùng cho rằng đó là một rủi ro chấp nhận được.

Ngày 28/1/1986, dự báo thời tiết cho biết ngoài trời khoảng -8 độ C vào đêm trước rồi ấm lên đến -1 độ C vào ban ngày. Boisjoly biết rằng với nhiệt độ thấp, tình trạng vòng cao su sẽ trở nên tệ hơn, vì chúng bị chai lì và không thể nhanh chóng trở về hình dáng ban đầu. Trong lúc tham gia cuộc họp với các quan chức NASA vào đêm ngày 27, ông và một số người khác đã bày tỏ sự lo ngại. Boisjoly kể lại:

... Tôi lấy những tấm ảnh cho thấy khí nóng bị thổi sang bên, đặt cạnh ảnh chụp từ những lần phóng trước và chồng chúng lên bàn, trước mặt các nhà quản lý. Có đôi chút bực tức, tôi đề nghị họ xem xét kỹ để nhìn ra vấn đề, nhiệt độ thấp sẽ làm cho nhiều khí nóng bị thổi qua mối ghép ... Không ai trong số họ muốn thảo luận về việc này. Tôi cảm thấy không thể trông mong gì, mọi tranh cãi thật là vô ích. Thế là, tôi không nài ép thêm nữa.

Thật ra, từ năm 1985, Thiokol và Marshall Center (thuộc NASA) đã biết về tình trạng của vòng cao su. Họ bắt đầu thiết kế lại mối ghép với một vòng gia cố rộng 76mm, nhằm tránh việc nó bị xoay. Vòng cao su được đánh dấu "Nghiêm trọng cấp 1" – điều đó có nghĩa là nếu nó hỏng, cả tàu con thoi sẽ bị phá hoại. Nhưng ngay cả đến lúc đó, không có ai ở Marshall Center yêu cầu hủy chuyến bay cho đến lúc sửa xong. Thiokol thậm chí còn thuyết phục NASA coi vấn đề vòng cao su đã được giải quyết!

Chuyến bay của Challenger thoạt tiên dự định tiến hành vào ngày 22/1. Song do những chậm trễ từ nhiệm vụ trước, người ta hoãn sang ngày 23, rồi sang ngày 24, lần lần cho đến tận ngày 28/1. Trong cuộc họp mà Boisjoly nhắc tới ở trên, Thiokol từng yêu cầu NASA dừng việc phóng tàu. Một số người của NASA tỏ vẻ khó chịu và phản đối việc này. Người ta nhắc đến những tên tuổi như Hardy và Mulloy – các quan chức có mặt trong cuộc họp – đã ép Thiokol cho phóng vào ngày hôm sau. Không chịu nổi sức ép, Thiokol đành buông xuôi và chấp thuận cho tàu cất cánh.

Sáng hôm sau, quy trình phóng bắt đầu. Ba động cơ của tàu con thoi khởi động trước, duy trì hoạt động ở mức 100% công suất danh định, rồi tăng lên đến 104% dưới sự kiểm soát của máy tính. Tàu chưa thể bay lên, vì toàn bộ chúng vẫn bị neo vào bệ phóng bởi các con vít lớn. Khi công suất động cơ của tàu lên tới đỉnh điểm, máy tính cho điểm hỏa hai tên lửa nhiên liệu rắn. Các khối thuốc nổ nhỏ khác đồng thời thổi bay vít neo – và con tàu từ từ cất cánh.

Đoạn phim tư liệu giai đoạn này được mổ xẻ kỹ càng. Nhóm điều tra nhận thấy mối ghép hiện trường ở đuôi tên lửa bên phải đã bị dịch chuyển, khiến cho khói thoát ra lúc T+3s sau khi phóng. May thay (hoặc không may thay), vòng cao su dãn ra bịt vết hở này lại, hướng dòng khí nóng (lúc đó khoảng 2.700 độ C) khỏi thùng nhiên liệu ngoài, loại bỏ nguy cơ cháy nổ.

Nếu thùng nhiên liệu phát nổ ngay khi vừa rời bệ phóng, biết đâu khoang lái bền chắc sẽ giúp các phi hành gia sống sót. Nói như kiểu sát thủ đầu mưng mủ, là chết ngay đi để tao cúng chay!

2 comments:

  1. Hihi, theo dõi mấy entry này như coi phim hành động! Cám ơn tác giả!

    ReplyDelete
  2. Keke thanks bro đã ghé coi. Cuối tuần mới có thời gian viết, mà cũng chỉ viết được chừng đó là hết chữ rồi :).

    ReplyDelete