Sunday, September 1, 2013

Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 1)


* Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 2)
* Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 3)
* Tai nạn tàu con thoi Challenger (phần 4)

Nếu điểm lại những thành tựu đáng tự hào nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA, người ta không thể không nhắc tới Hệ Vận tải Vũ trụ STS, thường được báo chí gọi là Dự án tàu con thoi. Ý tưởng ban đầu xuất phát từ việc chế tạo những con tàu có thể tái sử dụng, đi về tới các quỹ đạo tầng thấp (từ đó sinh ra tên gọi "con thoi"). Dự án này bắt đầu từ năm 1972, kéo dài 39 năm và là dự án dài hơi nhất trong lịch sử NASA, tính đến ngày nay (2013).


Trong phạm vi dự án, NASA đã chế tạo sáu chiếc tàu cả thảy, tên gọi của chúng xếp theo vần ABC lần lượt là Atlantis, Challenger(†), Columbia(†), Discovery, Endeavour và Enterprise. Kể cả 4 lần thử nghiệm, tàu con thoi tiến hành tổng cộng 135 chuyến bay trong 31 năm, với các nhiệm vụ như phóng Kính thiên văn Vũ trụ Hubble lên quỹ đạo, làm các thí nghiệm khoa học trong không gian, và lắp đặt Trạm vũ trụ Quốc tế ISS.

Trong số 6 chiếc này, Enterprise là tàu thử nghiệm, dùng để kiểm tra một số tính năng khí động học và điều khiển trước khi thực sự chế tạo hàng loạt. Một số bộ phận của nó về sau được dùng cho các tàu con thoi khác. Thoạt tiên người ta định đặt tên là Constitution, song cuối cùng lại đổi thành Enterprise, phỏng theo con tàu trong bộ phim viễn tưởng nối tiếng Star Trek. Số phận ngắn ngủi nhưng vinh quang của nó có thể so sánh với tàu con thoi Buran của Liên Xô – vốn chỉ bay có độc một chuyến!

Cho đến trước chuyến bay định mệnh ngày 28/1/1986, các tàu con thoi đã cất cánh tổng cộng 24 lần. Nhiều người bắt đầu cảm thấy hơi nhàm chán với cảnh tượng phóng – một luồng lửa lớn, cột khói khổng lồ và kết thúc là một vệt mây lên trời. Nhưng lần này là một chuyến bay đặc biệt – Christa McAuliffe, một giáo viên bình thường của nước Mỹ, sắp sửa bay vào vũ trụ. Mọi học sinh đều hướng về mũi Canaveral, nóng lòng chờ đến ngày cô lên đường.

Christa, và cả phi hành đoàn 6 người còn lại, không bao giờ biết được tên lửa đẩy của tàu con thoi có một lỗi chết người. Một nhân viên đối tác của NASA nỗ lực hết sức mình để cảnh báo mọi người về nguy cơ nọ, song không ai lắng nghe anh. Vì thế, bảy mươi ba giây sau khi phóng, Challenger chỉ còn là một mớ mảnh vụn, rơi lả tả trên bầu trời bang Florida ...



Dựa theo các thông tin từ web sites howstuffworks.com, awesomestories.com, wikipedia.org và các sites khác. Biên tập và hiệu đính: oaht uv.

No comments:

Post a Comment