Wednesday, January 15, 2014

Về văn hóa đọc của người Việt



Hôm nay đọc được một bài chém về người Việt đọc sách, thuộc thể loại "Người Việt xấu xí". Link đến bài gốc như này:

http://www.triethocduongpho.com/2014/01/12/tu-ruou-cua-nguoi-viet-va-tu-sach-cua-nguoi-do-thai/   

Tóm lại tác giả chê dân ta ít đọc sách, ví dụ mấy cuốn sách đỉnh cao của ông Chu Hảo bán chậm, và giới trẻ bị truyền thông đầu độc, nhảy lên phang nhau về Ba lô của Huyền Chip. Bài viết tốt, lập luận có logic, tuy không có gợi ý về giải pháp cụ thể mà chỉ kêu gọi thanh niên hãy tăng cường đọc. Kiểu như phim Mỹ mấy anh lành an ủi anh sắp chết: mày cố lên, mày thở đi, mày sắp khỏi rồi – mặc dù biết tỏng tòng tong là thằng đấy 15 giây nữa trợn trừng mắt lên mà thăng.

Thôi cứ nhận luôn là ta kém, ta xấu xí. Trung bình cả năm chưa đọc được một quyển sách thì dốt là phải. Nói thế cho vuông.

Nhưng không biết cái ông thống kê này có tính đến e-book không ? Tôi e là không.

Số lượng ebook chuyền tay nhau – ít nhất ở giới trung lưu thành phố - là rất lớn. Một trong những bạn tôi, nếu tính theo số sách mua trong năm, chắc tầm 5 cuốn là cùng. Tuy vậy cô ta đọc rất nhiều từ Kindle, cả sách tiếng Việt và sách tiếng Anh, tầm gấp 10 lần con số trên. Như vậy đã thấy, thống kê theo số sách bán ra bị sai khá nhiều.

Ngay cả số sách bán ra cũng không phải là số lượng ấn bản in trên trang cuối quyển sách. Năm 2013, khi cuốn Chuyện ở nông trại được chính thức xuất bản, tôi đã đến Đinh Lễ hỏi mua. Chỉ một nhà sách xoàng xoàng ở đó đã nhập về chừng 500 bản, tức là bằng một nửa số lượng ấn bản chính thức. Tôi cho là con số ấn bản không chính thức phải gấp 5 lần, chưa kể bọn sách giả, sách nhái xấp xỉ chừng đó nữa . Tất nhiên cuốn nào hot thì mới có sách giả sách nhái, chứ như sách của nhà Tri thức thì chắc không có.

Thế giới đang thay đổi, và sách cũng vậy. Báo chí đã phải chuyển dần sang báo mạng, sách sẽ là bước tiếp theo. Với cách thức tiếp cận đa truyền thông, sách truyền thống dần phải nhường bước cho ebook, cho sách đọc thành tiếng (MP3 book). Hình thức cũng sẽ phải thay đổi, giờ đây cơ hội cho những đại tiểu thuyết như Chiến tranh và Hòa bình không còn mấy. Nếu nội dung lớn, sách phải có bố cục chương hồi mới mong thu hút được độc giả.

Hôm qua (14-Jan-14), cô bé bán sách quen ở Đinh Lễ bảo tôi, lâu lắm không thấy anh qua. Tôi trả lời, anh vẫn qua đều hàng tháng nhưng không mua được cuốn nào. Suốt năm 2013, sách dịch Trung quốc làm mưa làm gió ở thị trường Hà nội. Những thể loại câu khách rẻ tiền như "xuyên không" đang bán rất chạy, không ai muốn đứng ngoài cuộc: nhà xuất bản, nhà sách, dịch giả, giới phát hành và bán lẻ. Ai lo đến văn hóa đọc làm gì ?

Năm 2010 đến 2012, có một series Tủ sách khám phá, với những cuốn như Mật mã, từ đơn giản đến lượng tử, hay Bảy người con gái của Eva. Lâu rồi không thấy ra cuốn nào mới, chả biết mấy ông dịch giả như Phạm Văn Thiều còn định làm nữa không, hay là bán ế mà nghỉ mất rồi. Kể cũng là đáng tiếc.

Tóm lại, con số thống kê chính thức bị lệch nhiều sang phía tiêu cực. Thị trường sách ở VN rất méo mó khiến cho người đọc nghiêm túc chán nản. Đổ lỗi cho văn hóa của độc giả là trò vớ vẩn, cứ in sách hay ra bán mà xem, lại chả đi vù vù. Nếu truyền thông cả nước ta "đi theo lề phải" thì "Bàn về Tự do" chỉ có tác dụng mang lại cực khoái cho vài ông in sách mà thôi!

2 comments:

  1. B.V. có một cái nhìn chính xác.
    Tôi có đọc bài này và muốn góp ý với tác giả rằng, (1) người Việt ít mua sách (in) khác với chuyện ít đọc sách và (2) sách in VN thuộc loại đắt so với thu nhập của người Việt. Tôi cũng thích đọc sách, vậy mà đôi khi cầm lên rồi bỏ xuống vì không kham nổi cái giá bìa!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Công nhận bạn Nobita nói đúng. Sách ở VN - cho dù thường được giảm 20-25% so với giá bìa, vẫn là rất đắt so với mặt bằng thu nhập.

      Delete