Friday, January 8, 2016

Choáng váng số lượng các từ chỉ lúa gạo trong tiếng Việt!



Một dân tộc thể hiện mình thông qua ngôn ngữ. Bằng cách xem xét số từ mô tả một vật thể hay hiện tượng, người ta có thể hình dung ra mức độ quan trọng hoặc quen thuộc của chúng trong cuộc sống hàng ngày.

Một nghiên cứu của tờ Washington Post đã đếm số lượng từ mô tả này theo các chủ đề khác nhau trong từng ngôn ngữ. Ví dụ như người Eskimo dùng xấp xỉ 50 từ để mô tả tuyết (snow), có từ để chỉ tuyết rơi mềm mại, và có từ khác để chỉ tuyết phủ đủ dày để đi xe trượt.

https://www.washingtonpost.com/national/health-science/there-really-are-50-eskimo-words-for-snow/2013/01/14/e0e3f4e0-59a0-11e2-beee-6e38f5215402_story.html 

Dân cư vùng Alaska dùng khoảng 70 từ để chỉ băng (ice), ví dụ có từ riêng để chỉ băng tồn tại qua nhiều năm, hay để chỉ lớp băng mỏng mới đóng trên mặt biển, hoặc chỉ loại băng xốp – có nhiều lỗ rỗng  trong phiến băng.

Tác giả bèn tò mò đếm thử xem có bao nhiêu chữ liên quan đến lúa gạo trong tiếng Việt – chính xác là tiếng Kinh. Tuy có một số từ có thể gây tranh cãi và đâu đó có những từ địa phương, số lượng các từ này cho thấy tầm quan trọng của gạo đối với dân tộc ta. Tổng cộng tối thiểu có 24 danh từ liên quan đến lúa gạo, cụ thể như sau:

Thóc
Trấu: vỏ cứng của hạt thóc, bong ra khi xay xát.
Gạo (gạo tẻ)
Gạo nếp
Gạo lứt: gạo xay chưa xát, hoặc xát sơ
Gạo hẩm: gạo biến chất, mục nát
Cám: bột từ lớp vỏ lụa của hạt gạo, bong ra khi xay xát.
Tấm: hạt gạo vỡ đôi khi xay xát.
Mẳn: mảnh vỡ của hạt gạo khi xay xát, nhỏ hơn tấm
Mộng: mầm thóc
Mạ
Lúa
Gié: phần đế và thân của bông lúa trong bẹ lá đòng (sâu cắn gié)
Đòng (đòng đòng): bông lúa khi còn trong nằm trong bẹ lá (lúa đang làm đòng)
Bông lúa
Rơm: phần ngọn cây lúa, cắt cùng với bông lúa khi thu hoạch
Rạ: phần còn lại trên ruộng sau khi thu hoạch
Cốm: gạo non, thường có màu xanh cốm hoặc hơi ngả vàng
Cơm: gạo tẻ nấu chín trong nước
Cơm nếp: cơm nấu bằng gạo nếp
Xôi: gạo nếp hấp (đồ) cách thủy
Cháo: gạo tẻ hoặc gạo nếp ninh nhừ trong nước.
Thính: gạo rang giã nhỏ
Hồ: bột gạo nấu chín sền sệt (Có bột mới gột nên hồ)

Ngoài ra có 8 danh từ chỉ các món ăn / thực phẩm dùng gạo làm nguyên liệu chính – thật ra tương đương với xôi:

Bún: đồ ăn dạng sợi làm từ bột gạo ủ
Mạch nha: làm từ gạo nếp nấu thành xôi và mầm thóc
Bánh đúc: bột gạo ngâm nước vôi trong tạo độ giòn
Rượu nếp: cơm nếp lên men rượu
Mẻ: cơm tẻ lên men chua
Bánh cốm: cốm xào thêm đường
Bánh tro: gạo nếp ngâm trong dung dịch nước tro rồi luộc chín kỹ
Chè bà cốt: cháo ngọt

Chúng ta còn có một tập hợp phong phú các động từ gắn chặt với lúa gạo, ví dụ để chỉ các phương thức chế biến gạo như xay xát giần sàng sảy rê tuốt giã, hoặc phương thức trồng trọt như gieo mạ, cấy lúa, sạ lúa, cầy, bừa, dầm, ải, … hoặc để chỉ thời gian trong năm: vụ chiêm, vụ mùa, hoặc chỉ đơn thuần là người chế biến từ thóc ra gạo: làm hàng xáo.

Kết luận: Đặc trưng lúa nước đã ăn sâu vào ngôn ngữ, thể hiện qua số lượng từ vựng phong phú, mô tả đầy đủ các giai đoạn phát triển của cây lúa và các phụ phẩm, cũng như mô tả các hoạt động liên quan. Cây lúa đã thực sự đóng vai trò cốt yếu trong việc nuôi dưỡng và hình thành dân tộc Kinh – bộ phận dân cư chủ yếu của nước Việt ngày nay.

P.S: rút tít kiểu báo mạng thời hiện đại!

1 comment: