Tuesday, June 21, 2016

Một số thuật ngữ tiếng Anh thường bị dịch ẩu

 Trong lúc đọc báo, thấy mấy chữ này dịch sai cứ tức anh ách. Nay viết ra để giải toả tâm lý!

Secretary of States: Có người dịch sai thành Thư ký Liên bang. Với bối cảnh nước Mỹ, vị trí này là Ngoại trưởng. Không biết tại sao ngày xưa lại dịch ra như thế, thay cho Bộ trưởng Ngoại giao. Trong khi chức vụ Secretary of Defense lại vẫn dịch là Bộ trưởng Quốc phòng, chứ không dịch là Quốc trưởng hay tệ hơn, trưởng Phòng!

Ví dụ một bài báo dịch sai, theo đó bà Hillary Clinton giữ chức vụ Thư ký Liên bang

http://vntinnhanh.vn/my/vi-sao-pho-tong-thong-my-khong-tranh-cu-tong-thong-63904

Collateral Damage: trong bối cảnh hoạt động quân sự, chữ này để chỉ các thiệt hại không mong muốn nhưng không thể tránh khỏi, khi tiến hành đợt tấn công hoặc chiến dịch. Có thể dịch thành Tổn thất ngoài dự kiến, hoặc Thiệt hại kèm theo. Trong kinh tế tài chính, nó ám chỉ các động thái điều hành kinh tế (ví dụ của chính phủ hoặc ngân hàng trung ương) có thể gây ra tác động xấu đến tầng lớp dân nghèo, cho dù mục đích chính của động thái đó hoàn toàn khác. Rất thường bị dịch sai thành Thiệt hại tài sản thế chấp.

Ví dụ bài báo dịch sai:
http://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/thi-truong-quoc-te/be-boi-lai-suat-libor-co-tac-dong-the-nao-toi-the-gioi-3185222/#axzz4Be8zBvzO

US Army: dịch là Lục quân Hoa kỳ, không phải quân đội Mỹ. Đây là một trong ba quân chủng chính, gồm Lục quân, Hải quân và Không quân Hoa kỳ. Ngoài ra còn có Tuần duyên, Thủy quân lục chiến và Vệ binh quốc gia (khi được điều động).

General Purpose: nghĩa chính xác nhất là "đa dụng" hoặc "đa năng". Chữ này rất hay bị dịch sai thành "mục đích chung", nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều thuật ngữ dịch lên nghe rất ngô nghê, như là bộ nhớ mục đích chung, cổng giao tiếp mục đích chung, cảm biến mục đích chung v.v.

Rule of engagement (RoE): cái này bị dịch bá đạo nhất, nào là "luật chiến tranh", "quy định sử dụng lực lượng quân sự" v.v. nhưng thực ra cần phải dịch thành "quy tắc tham chiến". Đây là các giới hạn về tình huống, điều kiện, cấp độ sử dụng vũ lực cho một nhiệm vụ, tùy vào các luật lệ áp dụng, hiện trạng thực địa và cách thức tiến hành nhiệm vụ đó. Ví dụ RoE của một nhiệm vụ chỉ cho phép giám sát và bắt cóc đối tượng tình nghi, không được khai hỏa. Nhưng khi đã bắt cóc được đối tượng, thì được phép khai hỏa để rút lui. Hoặc RoE của một nhiệm vụ khác chỉ cho phép sử dụng hỏa lực cá nhân, không được phép tấn công bằng hỏa lực sát thương diện rộng (pháo kích, đặt mìn v.v.)

Cũng có người dịch RoE thành phương án tác chiến, song không sát thực lắm. Nó khác với phương án tác chiến ở chỗ không quy định cụ thể đánh chiếm mục tiêu như thế nào, hay chuẩn bị hỏa lực ra sao, hay tấn công ở đâu và rút lui ở đâu, hay chặn viện như thế nào.

Chữ cuối cùng là cách mà tác giả bài viết chọn để dịch cụm từ "Great disorder under heaven". Năm 2010, tờ The Economist của Anh trong ấn bản ngày 16/12 đã đăng một bài báo có tên như vậy, về các thảm họa ngoại giao của Trung quốc xuất phát từ sự không nhất quán trong cách thức lãnh đạo nội bộ. Đài Phát thanh quốc tế Pháp (Radio France Internationale RFI – mục tiếng Việt) đã dịch tựa bài báo trên thành "Rối bời nơi thiên đình" – một cách dịch sai hiển nhiên, vì Under Heaven không thể gọi là Thiên đình được.

Sau khi đọc nội dung bài báo, tôi chọn dịch thành "Thiên hạ đại loạn". Tôi tin mình đã phản ánh trung thực quan điểm của tác giả.

2 comments:

  1. "tức anh ách" hơi ít nhẩy.
    đọc xong, thấy vẫn còn... ấm ức.
    :D

    ReplyDelete
  2. Cứ google cho nó tao nhã cậu ạ :)))

    ReplyDelete