Monday, February 21, 2011

Đi tắt đón đầu – đi như thế nào?



Các bạn thường xuyên nghe thấy cụm từ này trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nó xuất hiện trên các báo chí, từ trong lĩnh vực thể thao tới giáo dục, từ khoa học công nghệ tới nông nghiệp. Tôi làm thử một phép tìm kiếm trên Google và ra được 96 kết quả, chỉ riêng trên báo Thanh niên. Chả cứ các kỹ sư công nghệ, các vận động viên, mà ngay cả bà con nông dân và học sinh cũng phải biết “đi tắt đón đầu” để chui cho kịp vào thế kỷ 21. Đến bây giờ mà lỡ có ai kêu gọi “hành đại lộ” (*) chứ không “đi tắt” thì có thể bị làng nước xúm vào đập cho nát bét chứ chẳng chơi.

Thế có bao nhiêu người trong số chúng ta, những độc giả bài viết này, thật sự dành ra lấy nửa tiếng để nghĩ xem mình nên đi tắt đón đầu như thế nào. Hoặc nói cho rõ hơn, chúng ta cần phải làm gì để có thể được coi là đi tắt đón đầu thực sự, chứ không phải là dềnh dang trên quốc lộ 1 Pháp Vân – Cầu Giẽ? Riêng tôi, như là một người rất quan tâm và có một chút hiểu biết trong ngành Công nghệ Thông tin, cái ngành thường được nhắc tới như một “mũi nhọn” trong việc đi tắt, thì trớ trêu thay, khái niệm thế nào là đi tắt đón đầu lại hết sức mù mờ.

Tôi cứ lấy một ví dụ. Hiện nay hãng Intel đang chuẩn bị đầu tư một nhà máy ở Việt nam (tin báo Thanh niên ngày 6/1/2005). Theo các tin khác cùng ngày, Intel sẽ tập trung vào công nghệ 45nm. Họ tính rằng đến năm 2007/2008 thì công nghệ này sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Trong chiến lược dài hạn của mình, năm 2009/2010 Intel sẽ sử dụng công nghệ 32nm và năm 2011/2012 sẽ là 22nm. Việt nam ta đi tắt đón đầu ra sao để theo kịp công nghệ vũ bão này đây ?

Nhìn về một góc khác của nền CNTT Việt nam. Chúng ta từng có một mục tiêu vĩ đại là 500 triệu USD doanh thu phần mềm vào năm 2005. Đến bây giờ, mặc dù chưa tổng kết năm, cả tôi và các bạn đều biết chúng ta còn cách xa mục tiêu này lắm. Những gì chúng ta làm được trong vài năm vừa qua là một thành công đáng khích lệ, nhưng để chuyển từ gia công phần mềm lên phát triển phần mềm đóng gói đã là cả một bước tiến không tưởng rồi. Thế thì chúng ta biết đi tắt vào đâu và đón đầu ở chỗ nào?

Tình hình ở các lĩnh vực khác cũng vậy. Năm năm qua ngành giáo dục hết cải cách lên rồi lại cải cách xuống, hết tăng tải lại giảm tải, hết dạy từ chữ a lại chuyển sang dạy từ chữ e. Ai cũng nói là muốn đi tắt đón đầu thì phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo đại học. Nhưng xem ra trong suốt thời gian qua, giáo dục đại học ở Việt nam chưa hề có một chuyển biến rõ rệt nào. Đến cuối năm 2005 vừa rồi, tôi thấy rộ lên một loạt bài về xây dựng trường Đại học tầm cỡ quốc tế. Nói thật là mới đầu tôi cũng khấp khởi mừng thầm, mong rằng nước ta từ nay mở mày mở mặt với láng giềng ASEAN. Nhưng càng đọc thì tôi lại thấy càng thất vọng. Báo chí bàn tán rất nhiều về việc làm thế nào để xây được một ngôi trường tầm cỡ quốc tế, mua sắm phòng lab tầm cỡ quốc tế, thư viện tầm cỡ quốc tế, nối mạng tầm cỡ quốc tế nhưng hầu như không nói gì về việc làm thế nào để có các giáo sư tầm cỡ quốc tế và các sinh viên tầm cỡ quốc tế. Mà một trường đại học không có giáo sư và sinh viên thì sẽ không bao giờ là một trường đại học, dù ở tầm cỡ nào cũng vậy. Để xây một ngôi trường, chỉ cần từ 3 đến 5 năm. Chúng ta có cách gì đi tắt để trong vòng 10 năm nữa, có đủ số giáo sư tầm cỡ quốc tế cho MỘT trường đại học ấy hay không ?

Tôi hoàn toàn không thấy Việt nam cần phải “đi tắt đón đầu” trong bất kỳ một lĩnh vực nào. Nhà nước chỉ cần làm tốt công tác quản lý, thì người dân tự họ sẽ tìm ra cách đi riêng cho mình. Trên thực tế, ai cũng biết số tiền mà Nhà nước chi ra không hề nhỏ, nhưng rồi hiệu quả thu được chẳng đáng là bao. Không có nhiều người từng nghe về Viện Công nghệ Sau Thu hoạch. Viện này tọa lạc ở số 4 Ngô Quyền (Hà nội) và ăn lương từ ngân sách Nhà nước để nghiên cứu ra các phương thức bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp nói chung. Nhưng rồi cái máy thái hành cũng phải chờ ông Nguyễn Xuân Sành ở Hải Dương chế ra. Nếu ông Sành không nghĩ ra cái máy thái hành này, có nhẽ dăm năm nữa Viện Công nghệ Sau Thu hoạch cũng chưa đi tắt được đến đó.

Quốc hội và Nhà nước nên tập trung vào các công việc xây dựng và quản lý thi hành pháp luật, như ban hành các bộ luật đầy đủ và chính xác, chống tham nhũng, cửa quyền, hạch sách dân chúng, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính và trừng phạt các doanh nghiệp làm ăn gian dối. Như thế sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn là lo can thiệp vào thị trường, đẩy mạnh “mũi nhọn” này hay “mũi nhọn” khác. Hãy mạnh dạn nhìn vào những thực tế sau đây: trong năm qua, Tổ chức Minh bạch Thế giới xếp Việt Nam thứ 102/146 về chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI), Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam tụt 4 bậc (từ 77 xuống 81/117) về năng lực cạnh tranh, Wall Street Journal và Heritage Foundation xếp Việt Nam tụt 5 bậc (từ 137 xuống 142/157) về chỉ số tự do kinh tế. Tại sao chúng ta không đặt mục tiêu vào những chỉ số và thứ bậc này? Nghị quyết của chúng ta, thay vì tập trung vào doanh số 1 tỷ USD từ gạo hay 3 tỷ USD từ tôm cá mực, hãy đặt mục tiêu cải thiện năng lực cạnh tranh, loại bỏ tham nhũng và nâng cao tự do kinh tế. Những mục tiêu này phải được lượng hóa (tăng bao nhiêu bậc hay tăng bao nhiêu điểm tuyệt đối), phải có kế hoạch thực hiện cụ thể và công khai cho mọi người dân đều biết. Hàng năm, những nhà điều tra độc lập sẽ cho Nhà nước và nhân dân thấy, một cách khách quan, kết quả những nỗ lực mà Nhà nước đã bỏ ra. Tiền là quý, nhưng tạo ra một môi trường công bằng và lành mạnh để kiếm tiền còn quý hơn nhiều.

Được như thế, Nhà nước mới tạm xứng đáng với danh hiệu “Của dân, do dân và vì dân” mà lâu nay, các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn gán ghép cho.


(*) Trích ý “Quân tử hành đại lộ”
 
Written Jan-2006

2 comments:

  1. Đi tắt đón đầu là quan điểm của những người lãnh đạo thích kiểu "ăn sổi ở thì". Đồng ý là đi tắt thì nhanh hơn nhưng người tham gia đi tắt phải có đủ năng lực, tri thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết... Chuyện kể rằng, ở viện Chăn nuôi cách đây khoảng hơn một thập kỷ, khi toàn thể các nhà khoa học Sinh học của Việt nam đang vô cùng háo hức với sự phát triển nhanh như vũ bão của Công nghệ Sinh học, viện cho nhập về một cái máy có tên tiếng tây là UV spectrophotometer, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Máy được mua nhưng người ta không mua loại cuvette chuyên dụng cho nó. Vậy là, sau khi lượng cuvette đi kèm với máy được sử dụng hết, máy được biến thành vật trang trí ở cái phòng thí nghiệm có tên gọi như thế này: Molecular Biology Laboratory. Câu chuyện về ĐH Quốc tế ở VN chắc cũng như vậy mà thôi :-(.

    Tác giả BlackViva đã nghe nhiều về dự án phòng thí nghiệm trọng điểm rồi phải không ? Đã nhiều năm trôi qua, ít ra là từ năm 2007 đến giờ, khổ chủ vẫn mong chờ để được đọc một "research article" của những người sử dụng PTN trọng điểm mà vẫn chưa thấy đâu :-(((.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chả cứ gì phòng thí nghiệm to tát cho cam, mấy cái máy in nhiều khi còn đắp chiếu, vì không có ngân sách để thay ống mực!

      Delete