Wednesday, November 9, 2011

Quyên góp từ thiện, chuyện dọc đường (2)

Vụ thứ ba, tặng quà ở Hà Giang
Hà Giang có tiếng là tỉnh nghèo, nhiều người dân tộc. Thiên nhiên cũng khắc nghiệt, đá nhiều đất canh tác ít, lượng mưa ít, không đủ tưới cây. Trẻ em đi học thì phải ở nội trú, cái ăn cái mặc không có, thiếu thốn đủ đường. Cây lương thực toàn là ngô, trồng trên sườn dốc, giống cũ, năng suất thấp. Mình đi theo một đoàn lên, dự kiến tặng dê giống cho hộ dân nghèo. Nếu nuôi nó sống được thì sẽ có sữa dê, và biết đâu nó đẻ ra dê con bán lại có tiền. Định là như thế, nhưng cả đoàn thống nhất không nói với ai, để đảm bảo thông tin được khách quan.

Cũng phải nói thêm, người dân tộc ở HG rất kỵ mặc quần áo Kinh. Chỉ có bọn trẻ con thò lò mũi xanh không biết gì mới mặc. Bọn nào hơi lớn là tụt ra hết. Bộ quần áo Kinh với họ như quần áo ngủ ở HN, rét thì rét chứ không ai mặc đi làm. Tặng đồ ăn OK, chứ đồ mặc thì vô ích. Đoàn nào bảo gom quần áo cũ mang lên HG, mình nghe chỉ cười buồn.

Cả đoàn phi lên đến thị xã HG thì nghỉ lại. Cô bạn đầu mối liên hệ ở đó hóa ra có anh chồng trước cũng làm gì ở Sở nông nghiệp của tỉnh. Cả bọn ngồi uống với nhau, được vài ly thì anh kia bắt đầu kể chuyện xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang.

Vào tầm cuối 199x, việc xóa đói giảm nghèo bắt đầu sôi động. Lúc đó, xét thấy khí hậu ở đây gần giống vùng ôn đới, Sở nông nghiệp HN liền tặng Sở nông nghiệp HG ngan giống để cho bà con nuôi. Giống ngan này là ngan lai Pháp, không chịu được nóng mà chỉ thích hợp với thời tiết lạnh. Cả thảy là 3 vạn con ngan giống, tiền giống do HN chịu, còn lại vận chuyển và phân phối đến dân do phía HG chịu. Phải dùng xe đi ban đêm hết, vì ban ngày nắng ngan sẽ dễ chết. HG lập danh sách các hộ dân, chuẩn bị sẵn xe nhỏ, chỉ chờ xe ngan từ HN lên là chia ra phi thẳng về các xã.

Khổ cái người dân tộc không bao giờ có chuồng trại gì, ngan giống giao cho họ cũng chỉ có cách lùa ra sân, chạy đâu thì chạy. Cái bọn ngan này lần đầu bị thả ra môi trường, cắm đầu chạy lung tung cả. Địa hình thì hiểm trở, nên cứ thế ngã lăn xuống khe núi thôi. Cán bộ nhìn thấy nguy to rồi, nhưng úc đó không có phương tiện liên lạc gì cả, không chặn các đoàn xe lại được nữa. Các xe cứ theo kế hoạch, đi đâu đi đấy, giao cho nhà ai mấy con là mấy con. Bọn ngan nào ở với dân, chỉ qua hôm sau là lộn cổ xuống khe núi giơ 2 chân lên giời vẫy vẫy. Ba vạn con ngan giống, tất cả hưởng dương độ 1 tuần giở lại.

Xong vụ ngan, thảm bại. Họp hành ban bệ rút kinh nghiệm, hóa ra là đưa con ở đồng bằng lên vùng núi thì nó chết phải. Không biết cái thằng nào nghĩ ra con ngan, dở hơi thế không biết. Bây giờ phải đưa con vốn sống ở vùng núi lên đây. Nhìn đi nhìn lại, chỉ có con dê là hợp. Bấy giờ lệnh xuống, mua cho mỗi hộ dân một cặp dê để người ta nuôi. Lần này làm từ từ thôi, được thì mới cho mua tiếp.

Đầu tiên nghe ổn lắm, dê quen ở hoang dã, không cần chuồng trại gì cả. Nó lại leo trèo tốt, không sợ bị ngã chết như bọn ngan. Lạnh nó sống được, vặt lá cây mà ăn. Dân nuôi cũng đơn giản, không tốn công mấy. Mô hình này cứ thế mở rộng ra thôi. Mở được một thời gian thì bắt đầu có vấn đề. Đầu tiên là dê cái lăn ra chết. Cứ túc tắc chết, nay một con, mai một con. Không phải là dịch, cũng không phải là bệnh. Không có dê cái, con dê đực nó cứ lồng lộn lên, đành phải mang đi thịt. Cán bộ thì chưa hiểu sao, dân thì đã hiểu.

Một con dê đực là phải có từ 12 đến 15 con dê cái thì mới cân bằng được. Đằng này dự án chỉ có 1 đực 1 cái. Con dê đực nó sẽ vần cho con dê cái rạc người ra, không ăn uống được gì nữa thì thôi. Đây là vấn đề cân bằng sinh thái của loài dê. Dê nó có như người đâu mà các ông bắt nó 1 vợ 1 chồng được. Các ông dự án thì không biết gì về dê, bây giờ thế là hỏng bét cả. Cán bộ thì than vãn, chả cái ngu nào giống cái ngu nào. Cấp trên lại dọa, ông nào sáng kiến dê thì bây giờ phải mua đủ số dê cái về mà đền cho dân.

Đoàn mình nhìn nhau. Bỏ mịa, thế mà mai định tặng 1 cặp dê. Bây giờ sự vụ nó ra thế này rồi, biết làm thế nào. Thú nhận là định tặng cặp dê thì rất quê, tặng đủ 1 dê đực 10 dê cái thì không đủ tiền, mà không tặng dê thì không lẽ lại tặng ngan lai Pháp. Thật cái sự làm từ thiện nó cũng gian nan lắm, có đi một ngày đàng mới ra được một sàng khôn. Ai từng gặp những vố thế này, ắt về sau không thể quên được.

2 comments:

  1. Hi hi hi :-). Dê đực ơi là dê đực ơi, sao anh làm khó các bạn tham gia từ thiện thế hả :-). _S2_

    ReplyDelete
  2. Quê em Ninh Bình, đất dê...mà đọc đoạn này cũng đến chảy nước mắt ra mà cười :))

    ReplyDelete