Tuesday, July 24, 2012

Chữ viết tắt trên ống kính máy ảnh

Trên các ống kính hay có các chữ viết tắt, ví dụ ống kính 80-200mm f/2.8L IS USM của Canon. Với người chụp có kinh nghiệm thì những chữ viết tắt này đều dễ hiểu, nhưng khi cầm sang dòng ống kính của hãng khác lại gặp nhiều khó khăn. Nay tóm tắt lại đây để tra cứu cho tiện.

A. Hiệu Canon

IS: Image Stabilization: Ổn định hình ảnh, còn gọi là Chống rung. Ống kính có thể khử các dao động nhỏ của máy để tạo ảnh nét hơn. Chủ yếu áp dụng cho các ống kính tele.

Lưu ý là ngoài ống kính IS thì body cũng có loại có IS.

USM: Ultrasonic Motor: Công nghệ lấy nét bằng động cơ siêu thanh trên các ống kính có AF (autofocus). Lấy nét bằng động cơ siêu thanh nên không có tiếng ồn và nhanh hơn thấu kính non-USM. Có 2 loại USM:

- Loại đắt tiền, tên chính thức là ring-type USM. Loại ống này sử dụng 2 vòng rung siêu thanh để tạo ra chuyển động cho các thấu kính. Đặc điểm của loại USM này : rất êm, lấy nét nhanh, cho phép chuyển sang lấy nét tay ngay lập tức. Loại này đôi khi được gắn thêm nhãn FTM - full-time manual.

- Loại rẻ tiền, tên chính thức là micro-USM. Sử dụng một kiểu động cơ khác để tạo ra chuyển động cho thấu kính. Loại này rẻ hơn, ồn hơn, lấy nét chậm hơn và phải chuyển giữa hai chế độ AF / MF. Xem thêm ở đây .

Theo tôi hiểu, mọi ống kính L USM của Canon đều dùng ring-type USM. Một vài ống kính non-L cũng dùng ring-USM. Bạn phải kiểm tra trên site của Canon thì mới chắc chắn cái nào là ring và cái nào là micro USM.

L: Luxury: Ống kính sử dụng vật liệu tốt, bền chắc hơn và được cho là tạo ảnh đẹp hơn. Hầu hết các ống kính dòng L của Canon có màu trắng và 1 viền đỏ chạy vòng quanh.

UD: Ultralow Dispersion: Sắc sai thấp. Công nghệ sử dụng một loại thủy tinh đặc biệt để làm thấu kính, nhằm loại bỏ hiện tượng sắc sai (vật được chụp có các viền màu xung quanh). Tuy không hoàn hảo như các thấu kính fluorit, các ống kính UD có giá thành thấp hơn nhiều.

EF và EF-S: Kiểu ráp ống kính với thân máy (mount). Các body EF-S cho phép lắp các ống kính EF và EF-S, trong khi các thân máy EF chỉ cho phép lắp các ống kính EF.

Trước khi có mount EF, Canon dùng mount FD.

DO: Diffractive Optic : Giảm nhiễu Quang học. Chèn thêm một lớp vật liệu vào giữa 2 thấu kính rồi ép lại để tạo thành một thấu kính duy nhất để loại bỏ hiện tượng sắc sai (chromatic aberration).

Các ống kính trước khi có công nghệ DO sử dụng các loại vật liệu quang có sắc sai dương và âm để bù trừ lẫn nhau. Như vậy làm cho ống kính dài, nặng và phức tạp (có quá nhiều elements). Ống kính DO nói chung nhỏ và nhẹ hơn do sử dụng ít thấu kính hơn.

B. Hiệu Tamron

Di: Digitally Intergrated : ống kính có thể dùng cho cả máy phim và máy số (digital).

Di-II: Digital Cameras only : Công nghệ thu nhỏ hình ảnh nhận được để rọi vừa cho các máy digital crop-factor 1.6x , có sensor nhỏ hơn phim 35mm (ví dụ máy Canon 300D / 350D / 400D). Nếu dùng ống kính này để chụp phim, ảnh sẽ không phủ kín tấm phim. Do có tính đến crop-factor, một ống kính 28-80mm Di-II lắp vào máy ví dụ 350D vẫn sẽ là 28-80mm chứ không chuyển thành tương đương ~40-130mm. Ống này không thể dùng cho máy full frame như 20D hay 5D hay 1Ds

ASL: Aspherical: Giảm quang sai. Ống kính ASL cho các hình ảnh sắc nét như nhau dù vật cần chụp ở trung tâm hay ở rìa của tấm hình.

IF: Internal Focusing: Lấy nét bằng cách dịch chuyển một thấu kính bên trong ống kính. Làm cho việc lấy nét (canh tiêu cự) nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn, do chiều dài của cả ống kính không thay đổi trong quá trình lấy nét. Người ta cho rằng loại ống kính này ở khoảng cách gần thì chất lượng ảnh bị giảm.
* Phân biệt với RF (rear focus) và FF (front focus) khi mà các thấu kính ở phía sau (phía trước) ống kính dịch chuyển khi lấy nét.

Các ống RF và FF cần phải dịch chuyển các thấu kính ở trước / sau của ống, như vậy thân ống phải có kết cấu kim loại (metal gauge) để giữ được các thấu kính ở đúng vị trí. Các ống IF không cần thay đổi độ dài khi lấy nét, do đó không cần phải có metal gauge và vì vậy nhẹ hơn, làm cho người chụp giữ máy chắc hơn trong khi canh nét (đỡ rung hơn).

LD: Low Dispersion: xem UD ở trên

ED: Extraordinary Dispersion: giống LD nhưng ở cấp chất lượng cao hơn.

SP: Super Performance : giống như dòng L của Canon.

XR: Extra Refractive: Công nghệ sử dụng thủy tinh chiết suất cao (>1.69). Thường đặt ở phía xa (far-end) của ống kính và thay cho một nhóm các thấu kính khúc xạ ban đầu, làm giảm độ dài chung của cả ống kính. Do giảm số thấu kính và chiều dài ống nên giảm suy hao quang học , từ đó cho phép làm ra các thấu kính f/2.8 ở chiều dài ngắn hơn và đường kính nhỏ hơn so với công nghệ thường.

AF: autofocus.

C. Hiệu Nikon

D-type: Distance Information: Ống kính loại D gửi thông tin về khoảng cách tới vật được chụp cho body. Thông tin này sẽ được xử lý trong 3D Color Matrix Metering để điều khiển đèn flash.

ED: Extra-Low Dispersion: xem UD / LD ở trên. Các ống kính ED của Nikon có một viền vàng trên thân ống.

Các thấu kính fluorit (sử dụng vật liệu calcium fluorit crystal) là tốt nhất để khử sắc sai. Tuy nhhiên các thấu kính này lại có nhược điểm là tiêu cự thay đổi theo nhiệt độ (!). Vì thế nên các nhà sản xuất phải chế ra thấu kính UD / ED / LD để vừa giảm sắc sai mà lại không phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài.

DC: Defocus Image control : Cho phép kiểm soát chính xác độ nhòe (blur) của vật (object) và nền (background). Chủ yếu sử dụng để chụp chân dung.

AF-I and AF-S: Công nghệ sử dụng các mô tơ không có lõi (coreless) trong ống kính để lấy nét. Tương tự USM của Canon, các ống kính AF-I và AF-S lấy nét nhanh và không có tiếng ồn. AF-S là công nghệ mới hơn và tốt hơn AF-I.

PC: Perspective control. Còn gọi là shift lenses. Ống kính làm giảm các biến dạng của hình ở góc rộng (rìa của tấm hình).

VR: Vibration Reduction. Chống rung, như IS của Canon.

IF: Internal Focus . Xem IF ở trên.

DX: Ống kính thu nhỏ ảnh để rọi lên các máy số có crop-factor 1.6x. Xem Di-II ở trên

G-type: Các ống kính loại G không có vòng chỉnh khẩu độ (aperture ring). Khẩu độ của ống lấy từ setting trên body.

D. Hiệu Sigma

ASP: Aspherical Lens: xem ASL ở trên

APO: giống như ED / UD / LD

OS: Optical Stabilizer Function : giống như Canon IS

HSM: Hyper-Sonic Motor : Giống như Canon USM

RF: Rear Focus

IF: Inner Focus : xem Internal Focusing (IF)

EX: high-quality lense. Giống như Canon L or Tamron SP

DC: thu nhỏ ảnh cho vừa với crop-factor. Tương tự như Tamron Di-II hay Nikon DX

Conv: APO Teleconverter EX : Cho phép sử dụng với teleconverter để tăng tiêu cự.

DG: không hiểu tính năng của loại này :). Nguyên văn tiếng Anh:

These are large-aperture lenses with wide angles and short minimum focusing distances. With an abundance of peripheral illumination, they are ideal lenses for Digital SLR Cameras whilst retaining suitability for traditional 35mm SLRs.

2 comments:

  1. Hi Hoàng,

    Trong bài này có một thông tin có thể phải kiểm tra lại.
    "Nếu dùng ống kính này để chụp phim, ảnh sẽ không phủ kín tấm phim. Do có tính đến crop-factor, một ống kính 28-80mm Di-II lắp vào máy ví dụ 350D vẫn sẽ là 28-80mm chứ không chuyển thành tương đương ~40-130mm."
    Theo anh, thực ra Di-II cũng tương tự như EF-S, mục đích là để cho thấu kính cuối cùng gần với sensor hơn, tránh/giảm vignetting chứ không thể thay đổi được crop factor. Các ký hiệu trên lens ví dụ như 17-50mm hay 28- 200mm đều dựa trên máy 35mm, do vậy bất luận EF, EF-S, Di hay Di-II đều phải nhân với crop factor cả (ví dụ như của Canon 350D là 1.6 còn Nikon D90 là 1.5)
    Xem thêm http://en.wikipedia.org/wiki/Canon_EF-S_lens_mount
    Cheer,
    Tuan Anh

    ReplyDelete
  2. Thanks anh Tuan Anh. De em kiem tra lai.

    ReplyDelete