Thursday, January 10, 2013

Học cái gì có nghĩa ?



Tự dưng tìm thấy cái note này về toán học có nghĩa và toán học vô nghĩa. Chủ blog là một nhà toán học gốc Việt. http://zung.zetamu.net/2012/12/toan-co-nghia-va-toan-vo-nghia/

Đọc xong, bỗng muốn nhớ lại xem hồi bé mình học kiểu có nghĩa hay kiểu vô nghĩa. Thực ra, mọi bài toán tôi học hồi cấp 1/2, đều là vô nghĩa. Kiểu như em có 10 cái kẹo, chia cho bạn 3 cái hỏi còn mấy cái. Có thằng nào dốt đến mức tự dưng đi chia kẹo cho đứa khác không – trừ phi đó là cô bạn xinh nhất lớp!

Đến cấp 3, cái sự vô nghĩa nó hiện ra đến mức lố bịch . Xét một chất điểm khối lượng m chuyển động nhanh dần đều, bỏ qua sức cản của không khí – ví dụ như vậy. Mọi điều kiện của bài vật lý này không bao giờ tồn tại trong thực tế. Ấy thế mà chúng tôi cứ phải bò ra tính toán để xem trong vòng 10s, cái chất điểm tệ hại ấy đi được bao xa. Rồi là ròng rọc lý tưởng, lò xo lý tưởng, gương phản xạ lý tưởng – rặt những thứ không có trên đời.

Không cứ toán và vật lý, các môn khác cũng cần phải sát với thực tế. Nếu bạn học hóa, bạn sẽ muốn học cách chế ra ít thuốc pháo đốt cho vui, hoặc hầm thịt bò với cái gì chóng nhừ, hoặc pha mấy loại nước lau sàn thành ra bom thối chơi xỏ thằng bên cạnh, hơn là dúng giấy thử vào mấy cái lọ xem nó ngả màu xanh hay đỏ. Cái việc xanh đỏ ấy rất có nghĩa nếu xét theo độ pH, nhưng theo tôi chẳng có giá trị thực tiễn gì.

Tôi cho là bài tập vật lý cấp 3 nên như thế này: kẻ tình địch đáng ghét của bạn – cái đứa đang tìm cách phỗng tay trên cô bé xinh nhất lớp (khoản đầu tư kẹo hồi cấp 1!) – cao 1m7 và đang đứng cách bạn 8m. Tìm cách sút quả bóng trúng đầu nó sao cho mạnh nhất – tính góc sút và vận tốc sút bóng. Điều kiện phụ, nếu giữa 2 người có một thầy giáo thể dục cao 1.8m đi qua, thì phải sút thế nào để thầy không thể bắt được mà bóng vẫn trúng đích.

Đôi khi cái sự học vô nghĩa gây ra những tác hại thật sự. Tôi từng thấy những bạn học về chuyên ngành tài chính kinh tế hay ngân hàng, nhưng rất lúng túng khi phải quản lý tài chính cá nhân. Để có bằng đại học, những kiến thức cơ bản về an toàn tài chính như trích lập dự phòng, hoặc kiểm soát dòng tiền, các bạn đều phải thuộc như cháo. Ấy thế mà chi tiêu trong gia đình lại thiếu kế hoạch, mua sắm tùy hứng, không có tích lũy. Đến lúc đụng chuyện mới cuống cuồng “gọi điện thoại cho người thân”.

Quý vị độc giả, nếu điều kiện cho phép, quý vị làm thế nào để con cái của quý vị bớt học những cái vô nghĩa đi mà học thêm cái gì có nghĩa, hòng mang lại ích lợi lâu dài cho thế hệ sau ?

2 comments:

  1. Ông anh lên thay anh Lươn đi nhé :))

    ReplyDelete
  2. Bố mẹ biết thế nhưng con thì vẫn phải học vô nghĩa thôi, không lẽ tẩy chay cả cái Bộ GD, ở nhà đình công, lại thành thất học :((

    ReplyDelete