Monday, August 26, 2013

Tai nạn tàu ngầm K-19 của Liên Xô (phần 3)



Xem các phần khác:

Tai nạn tàu ngầm K-19 (1)
Tai nạn tàu ngầm K-19 (2)
Tai nạn tàu ngầm K-19 (4)
= = =

Nhiễm xạ xảy ra khi các hạt phóng xạ va chạm với cơ thể sống. Tùy vào liều lượng mà tác hại do chúng gây ra ở các mức độ khác nhau. Để đo lường sự nhiễm xạ này, người ta dùng đơn vị rem, viết tắt của "roentgen equivalent in man".

Một liều 100 rems sẽ gây ra nhiễm xạ toàn thân, dù người ta thấy liều nhỏ hơn cũng có thể nhận biết thông qua xét nghiệm máu. Càng nhiều rems thì mức độ nguy kịch càng lớn, các triệu chứng càng dễ nhận biết hơn. Liều 450 rems sẽ gây tử vong cho một nửa số người mắc phải, liều 800 rems được coi là gây ra cái chết chắc chắn. Người bị chiếu xạ ở mức 100,000 rems sẽ chết trong vòng 1h.

Tám thủy thủ ở khoang 6 nhận liều chiếu xạ khoảng 5,000 – 6,000 rems. Không thể có cách gì cứu được họ, nhưng còn các thủy thủ khác thì sao?

Để quay về cảng, K-19 phải đi mất khoảng 1 tuần về hướng Bắc. Đối mặt với phóng xạ trong thời gian dài như vậy sẽ đặt toàn bộ thủy thủ vào nguy cơ nhiễm xạ liều cao, và rất có thể hy sinh. Cân nhắc các thông tin có được, Zateyev quyết định đi về phía Nam – để tìm gặp các tàu đồng đội trong cuộc diễn tập vừa qua. Lẽ ra, Zateyev không được phép biết điều này. Trong cuộc diễn tập, K-19 thuộc đội Đỏ còn các tàu kia thuộc đội Xanh. Hai đội này không được phép biết vị trí chính xác của nhau. Song, do một sự tình cờ (!) mà Zateyev biết được cách thức đội Xanh tổ chức đội hình, cũng như vị trí gần đúng của họ. Nói kiểu nôm na, là ông coi lén bài của người ta, để chiếm lợi thế khi vào tập trận. Bình thường thật khó chấp nhận hành vi như thế, nhưng để cứu thủy thủ đoàn, Zateyev buộc phải công khai điều này.

Đây là một canh bạc đầy rủi ro. Họ có thể đã nhận nhiệm vụ mới và dời đi nơi khác. Nếu không gặp họ, chuyến quay về sẽ cực kỳ khó khăn và gây ra tổn thất chắc chắn. Các sĩ quan cấp dưới đề nghị cho cập đảo Jan Mayen (thuộc Na Uy) và bỏ tàu, liên lạc về nhà chờ cứu hộ. Zateyev gạt bỏ đề xuất đó, hy vọng có thể đi đủ xa về phía Nam để ăng ten tầm ngắn của họ – đến giờ vẫn hoạt động tốt – đủ sức liên lạc. Nếu họ bỏ tàu, công nghệ tàu ngầm hạt nhân sẽ rơi vào tay Na Uy
họ có thể bị xử tội phản quốc ở tòa án binh. 

Không có tài liệu nào kể lại chi tiết những gì xảy ra, song có thể hiểu rằng cuộc tranh luận hết sức căng thẳng. Nhiều thủy thủ và sĩ quan không muốn nhận thêm phóng xạ chết người. Dù biết mệnh lệnh của mình sẽ được thi hành nhưng e ngại bạo động có thể xảy ra, Zateyev ra lệnh vứt toàn bộ vũ khí cá nhân xuống biển, chỉ giữ lại 5 khẩu súng ngắn cho ông và vài sĩ quan tin cậy. 

Hành trình về phía Nam kéo dài khoảng 10h. Trong suốt thời gian đó, họ không liên lạc được với bất kỳ ai kể cả trên radio. Tuyệt vọng, Zateyev ra lệnh đổi sang hướng Bắc rồi về phòng nghỉ. Chỉ một khoảnh khắc sau, trong lúc ông còn đang xuống cầu thang, thủy thủ tàu nhận ra S-270 từ phía chân trời. Sau khi K-19 bắn pháo hiệu nhận dạng và yêu cầu cấp cứu, họ đã thay đổi lộ trình để cứu hộ. Lên boong S-270, việc đầu tiên Zateyev làm là gọi điện về Moscow.

Các thủy thủ nhiễm xạ nặng từ khoang số 6 và những người không nhất thiết có mặt trên K-19 được chuyển qua S-270. Tổng cộng 79 người sang mạn, để lại 60 người trên boong K-19. Thủy thủ S-270 cố gắng "tẩy xạ" các đồng đội bằng cách cho tắm ngâm nước biển. Vài giờ sau đó, một số tàu ngầm khác tiếp cận và đón số còn lại. Thoạt tiên họ định kéo chiếc K-19 về căn cứ, song các tàu ngầm không đủ sức làm việc này - chúng đều bé và yếu hơn nó. Thêm nữa, lực cản nước khi tàu nổi lớn hơn khi lặn. Hạm đội phải thay phiên nhau canh gác trên biển cho đến khi tàu kéo chuyên dụng tới nơi xảy ra tai nạn.

Con tàu không còn đối diện với nguy cơ tan chảy lò phản ứng, song bây giờ nó nhiễm xạ từ trong ra ngoài. Tàu S-270 từng ghi nhận mức phóng xạ lên tới 9R/h – thuyền trưởng buộc phải ra lệnh cho các thủy thủ K-19 vứt bỏ hết quần áo đồ đạc cũ để mặc đồ mới – sau đó mức phóng xạ giảm về 0.5R/h. Các thủy thủ sống sót, giờ đây trở thành nguồn phát xạ di động ...

No comments:

Post a Comment