Friday, March 21, 2014

Vụ tai nạn tàu ngầm K-278 Komsomolets, 25 năm nhìn lại (phần 1)



(Bài đăng trên báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 16/3/2014. Dưới đây là bản đầy đủ).

Lời nói đầu: Dù nhiều năm trôi qua, vụ tai nạn tàu ngầm K-278 Komsomolets vẫn còn là một nỗi đau khôn nguôi đối với nước Nga, và là bài học lớn cho hải quân toàn thế giới. Xuất phát từ một vụ hỏa hoạn bình thường, song do những lỗi kỹ thuật trong khâu thiết kế và thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm vận hành, nó nhanh chóng trở thành một đám cháy lớn, hạ gục nguyên cả chiếc tàu ngầm hiện đại nhất của Hải quân Liên Xô. Kỷ niệm 25 ngày xảy ra vụ tai nạn (7-4-1989 7-4-2014), chúng tôi cố gắng sắp xếp lại các sự kiện để làm sáng tỏ nguyên nhân thực sự của vụ đắm tàu – được coi là một trong những tai nạn nghiêm trọng nhất thuộc thời kỳ chiến tranh lạnh.



Ảnh: Tàu K-278 Komsomolets (1986). Nguồn: wikipedia




Lúc 11h sáng ngày 7 tháng 4 năm 1989, từ đuôi tàu ngầm K-278 đang thi hành nhiệm vụ ở biển Barents, thủy thủ Buchnikashvili báo cáo: "Đã kiểm tra khoang 7. Tình trạng kín, thành phần không khí bình thường. Không có gì cần lưu ý."

Không ai trên đài chỉ huy nghĩ rằng, họ vừa nghe những câu nói cuối cùng của anh. Chỉ 7h sau đó, gần 2/3 trong tổng số 69 người của thủy thủ đoàn hy sinh cùng với Buchnikashvili, gồm cả thuyền trưởng Vanin. Ba người trong số họ thậm chí tử nạn sau khi được đưa lên tàu cứu hộ. Hải quân Liên xô gặp phải một trong những tai nạn tàu ngầm lớn nhất trong lịch sử - tính theo số người thiệt mạng.

* * *

Ngược dòng thời gian về những năm cuối của thập kỷ 60, khi mà Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào. Phía Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo trong những căn cứ quân sự rải rác trên thế giới, trên tàu sân bay và trên tàu ngầm mang tên lửa. Nga cảm thấy bị đe dọa từ phía NATO ở hướng Tây, từ Hawaii và Alaska ở hướng đông, trong khi đó họ không nắm vững công nghệ tàu sân bay. Bởi vậy, tàu ngầm và tư duy chiến tranh dưới mặt nước trở thành hướng phát triển chiến lược được ưu tiên.

Không thể phủ nhận những thành tựu vượt bậc của kỹ sư Liên Xô trong lĩnh vực này. Họ liên tiếp cho hạ thủy những con tàu ngày càng lặn sâu hơn, nhanh hơn, mang ngư lôi tiên tiến hơn. Cho đến ngày nay (2014), người Nga vẫn đang sở hữu công nghệ tấn công đỉnh cao với quả ngư lôi Shkval, được coi là "tên lửa bay trong nước". Tốc độ lên tới gần 450km/h, mang đầu đạn hạt nhân 150 kiloton, bất kỳ tàu sân bay nào trong tầm ngắm của nó đều coi như đã bị loại khỏi vòng chiến. Bắt đầu đưa vào sử dụng trong hải quân Liên Xô từ năm 1977, đến ngày nay vẫn chưa có ngư lôi nào khác trên thế giới so sánh được với nó.

Để mang ngư lôi đỉnh cao, đương nhiên Hải quân cần có những con tàu đỉnh cao. Trong khi tàu ngầm của Mỹ hoạt động ở độ sâu 250-300m và tốc độ 25-28 hải lý một giờ, thì Liên Xô đặt mục tiêu hoạt động bình thường ở mức 1000m nước và đạt tốc độ 36-38 hải lý. Tàu phải làm bằng kim loại không nhiễm từ (để tránh bị phát hiện bởi máy thăm dò từ tính của đối phương), đồng thời có thể mang tên lửa hỗn hợp gồm cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân. Do những yêu cầu khắt khe tưởng chừng như không thể dung hòa, việc đóng chiếc tàu trở nên quá lâu và quá tốn kém: mất 17 năm kể từ lúc đề ra yêu cầu đến lúc hạ thủy, và Liên Xô chỉ đóng một tàu duy nhất thuộc lớp thiết kế này. Người ta đặt cho nó biệt danh hết sức ấn tượng – "Con cá vàng".

Cho dù thực tế phải chuyển sang dùng lò phản ứng nước áp lực thay cho lò phản ứng kim loại lỏng như dự kiến ban đầu, tốc độ của tàu vẫn đạt được trên 30 hải lý. Tàu được thiết kế thân vỏ kép, vỏ bền là titan kim loại còn vỏ ngoài làm bằng hợp kim titan đúc, siêu bền và không nhiễm từ. Độ sâu vận hành – 1020m, vượt quá khả năng thăm dò và tác chiến của mọi vũ khí đối phương. Cho tới bây giờ, nó vẫn là tàu chiến có độ sâu hoạt động lớn nhất thế giới. Liên Xô – và sau này là Nga – tập trung vào việc cải tiến vũ khí và thiết bị của tàu thế hệ mới, hơn là tăng cường tính năng lặn của nó, một phần vì chi phí tốn kém, một phần vì tàu Mỹ không thể lặn sâu tới mức đó.

Động cơ chính của tàu là hai lò phản ứng nước áp lực với công suất nhiệt 190 MW mỗi lò, xấp xỉ 20% công suất lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận mà Việt Nam mua của Nga. Bốn động cơ hơi nước, công suất 43.000 mã lực và hai máy phát điện tuabin công suất 2MW, đủ sức cấp điện cho khoảng 4 ngàn hộ gia đình. Tàu có động cơ diesel dự phòng công suất 500 mã lực cho các tình huống khẩn cấp, và hai động cơ điện 300kW chạy điện ắc quy. Như các tàu ngầm trên thế giới, tàu chuyển sang chạy động cơ điện khi nó cần tuyệt đối im lặng, thường để xâm nhập mục tiêu hoặc giám sát hoạt động của đối phương. Ngay cả ở chế độ im lặng này, tàu cũng có thể đạt tới tốc độ 5 hải lý.

Một đặc điểm của thiết kế tàu ngầm khác với tàu nổi, là chúng dành nhiều không gian giữa vỏ bền và vỏ ngoài cho các khoang dằn và bình chứa khí nén. Các khoang dằn chứa nước biển trong mình để làm hai nhiệm vụ chính, thay đổi sức nổi khiến tàu đi lên hay chìm xuống, và giữ cân bằng cho tàu khi có thay đổi về tải – ví dụ sau khi phóng ngư lôi, người ta phải bù lại khối lượng của chúng bằng nước dằn. Để bơm nước ra khỏi những khoang dằn đã lựa chọn, người ta dùng khí nén chứa sẵn trong bình riêng. Thao tác bơm nước bằng khí này được gọi là thổi khoang dằn.

Do ống dẫn khí nén sang khoang dằn không thể làm quá to vì áp lực khủng khiếp bên ngoài, tốc độ thổi khoang dằn thường không đạt như mong muốn. Sau khi cân nhắc các giải pháp khác nhau, người ta quyết định bổ sung khả năng thổi dằn bằng thuốc súng. Theo đó, các khối thuốc súng nhỏ được đặt sẵn trong khoang. Với tốc độ đi lên chậm, vẫn thổi dằn bằng khí nén bình thường. Vào tình huống khẩn cấp, thủy thủ cho điểm hỏa thuốc súng. Sức nóng và khí cháy sinh ra dưới áp lực cao sẽ đuổi nước khỏi dằn, cho phép tàu nổi lên mặt nước nhanh chóng. Bí quyết kỹ thuật nằm ở chỗ giữ cho tàu cân bằng trong lúc thổi, vì thuốc súng một khi đã bắt lửa là cháy hết, chứ không thể tạm dừng hay thổi tiếp như khí nén bình thường.

Vỏ bền của tàu được chia thành 7 khoang, theo thứ tự từ mũi đến lái gồm có khoang ngư lôi, khoang sinh hoạt, khoang chỉ huy, lò phản ứng, khoang thiết bị, khoang động cơ và cuối cùng là khoang chân vịt – bánh lái. Trong từng khoang đều có hệ thống cứu hỏa độc lập, riêng khoang sinh hoạt và khoang chỉ huy được gia cường để chịu áp suất lớn, cho các thủy thủ trú ẩn khi tàu bị chìm tới độ sâu nguy kịch.

Để tăng cường khả năng sống sót, người ta thiết kế K-278 với hai khoang cứu hộ ở phần giữa thân – bên trên khoang chỉ huy – đủ sức chứa mọi người trên tàu, hoạt động cho tới độ sâu gấp rưỡi so với vận hành bình thường (1500 m). Về lý thuyết, khi gặp nạn, các thủy thủ sơ tán vào hai khoang này. Sau khi mọi người vào hết, khoang tách ra khỏi tàu và tự nổi lên mặt nước nhờ các bóng khí. Khoang cứu hộ này cũng chính là lối ra vào tàu thông thường, như thế đảm bảo mọi người ai cũng biết chỗ thoát hiểm và giữ sức bền cho tàu – vì không cần lối ra vào riêng xuyên qua vỏ. Nếu so sánh với các tàu ngầm cùng thời của Mỹ, K-278 có độ an toàn cao hơn hẳn. Dự trữ nổi của nó lên tới 30%, trong khi ở tàu ngầm Mỹ vào khoảng 14-15%. Tàu Mỹ cũng không được thiết kế khoang cứu hộ riêng – nếu tàu không nổi lên thì thủy thủ đoàn không có cách gì thoát ra ngoài được.

Về tính năng chiến đấu, K-278 được thiết kế để săn đuổi tàu ngầm (và cả tàu nổi) mang tên lửa đạn đạo của đối phương. Hỏa lực của nó xuất phát từ 6 ống phóng lôi với tổng cộng 22 quả ngư lôi, trong đó có 6 quả Shkval. Vào thời điểm biên chế hạm đội, đây là chiếc tàu có độ ồn thấp nhất thế giới. Với khả năng lặn sâu ngoài sức tầm soát của các phương tiện thăm dò quân sự khác, nó có thể bất thình lình xuất hiện từ đáy biển, bắn hạ một hạm đội thù địch rồi nhanh chóng biến mất. Nếu tàu Titanic từng là kỳ quan nổi, thì K-278 xứng đáng là kỳ quan ngầm của thế kỷ 20!

Tiếc thay, "Cá vàng" không vùng vẫy lâu. Chỉ chưa đầy 2 năm sau khi hoàn tất mọi thử nghiệm, nó đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển, cùng với sinh mạng của 42 thuyền viên. Tất cả bắt nguồn từ một vụ hỏa hoạn bình thường, xảy ra trong khoang đuôi tàu, lúc tàu ở độ sâu 350m nước ...

(còn tiếp)

 

No comments:

Post a Comment