Thursday, May 8, 2014

Thảm họa hạt nhân Mayak – Kyshtym – Ozyorsk (phần 2)



Sau Thế chiến 2, Liên Xô tập trung mọi nỗ lực để làm chủ công nghệ hạt nhân, lúc bấy giờ còn hết sức sơ khai. Chỉ 4 năm sau khi hòa bình tái lập, vào năm 1949, Liên Xô cho nổ thử quả bom nguyên tử đầu tiên (A-bomb). Mỹ dốc sức phát triển thế hệ vũ khí tiếp theo – bom nhiệt hạch, còn gọi là H-bomb – nhằm đạt được ưu thế so với Liên Xô. Song hai cường quốc hầu như về đích cùng lúc trong cuộc chạy đua này, Mỹ nổ thử thành công H-bomb năm 1952, còn Liên Xô – năm 1953. Tuy cùng về đích, song cái giá phải trả của Liên Xô – như sau này vỡ lở ra – cao đến mức đáng kinh ngạc.

Lãnh đạo Liên Xô vào những năm sau Thế chiến 2 là Joseph Stalin đã cho thành lập tổ hợp hóa chất quân sự Mayak như một đơn vị hậu cần hạt nhân cho quân đội. Nhiệm vụ chính của Mayak về sau được tiết lộ gồm có: chế tạo Uranium và Plutonium tinh luyện, cung cấp nguyên liệu cho các lò phản ứng quân sự và tái chế chất thải từ những lò này. Do yêu cầu bí mật, tổ hợp này được đặt dưới chân dãy Ural, nơi mà Liên Xô có thể che chắn khỏi con mắt tò mò của các gián điệp phương Tây.

Đứng trong guồng máy chạy đua điên cuồng, Mayak bỏ qua hàng loạt các quy định về an toàn, chỉ để đạt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ. Điển hình là vụ xả nước thải phóng xạ xuống sông Techa từ lúc bắt đầu hoạt động (1949) cho đến khi xảy ra tai nạn, biến nơi đây thành một vùng chết. Không màu, không mùi, không dấu hiệu nhận biết, nguồn nước nhiễm xạ này đã là nước tưới tiêu và sinh hoạt cho cả một vùng rộng lớn phía hạ lưu.

Sau đây là cách thức xả thải, theo công bố của Mayak:
-          Nước thải phóng xạ cao: trữ trong bể kín
-          Nước thải phóng xạ trung bình: xả ra sông Techa cho đến năm 1957, sau đó dùng hồ chứa nội bộ ủ giảm xạ cho thành loại phóng xạ thấp
-          Nước thải phóng xạ thấp: xả thẳng ra sông.

Tác động của phóng xạ lên môi trường chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: Kinh hoàng. Có những làng bị ung thư máu đến 70% dân số. Người ta ước tính khoảng 28,000 người đã bị nhiễm xạ từ nguồn nước, song chính quyền không có các biện pháp cách ly. Năm 1993, người ta đã lên kế hoạch di tản làng Muslyumovo, song cho đến nay (2014) người dân vẫn chưa được chuyển đến nơi ở mới. Chỉ riêng ở làng này đã có hàng ngàn người bị nhiễm xạ, phần lớn thuộc về thế hệ 2 và thế hệ 3. Ví dụ như cậu bé Denis, sinh ra không có chân và không có ngón tay. Mẹ cậu được bà ngoại mang thai trong lúc xảy ra vụ tai nạn, và nhận những liều phóng xạ đầu tiên khi vẫn còn chưa kịp chào đời …



 Ảnh chụp bờ sông Techa, với dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phóng xạ.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment