Friday, November 13, 2015

Israel bán máy bay không người lái cảm tử siêu nhỏ, thay đổi phương thức chiến tranh hiện đại

Lời dịch giả: Như từ trước tới nay, giới quân sự Israel luôn có những bất ngờ dành cho công chúng. Còn nhớ hệ thống phòng thủ khét tiếng Vòm Sắt (Iron Dome) do Israel tung ra khoảng 2010-2011, cho phép đánh chặn các đợt pháo kích tên lửa hoặc pháo truyền thống, xuất phát từ khoảng cách 4km cho đến 70km. Tất cả chỉ vẻn vẹn chừng 10 giây để radar phát hiện, xác nhận mục tiêu, tính toán quỹ đạo, xác nhận nguy cơ đến khu vực bảo vệ, ra quyết định đánh chặn, và khai hỏa tiêu diệt.
Trong năm nay, Israel lại làm thế giới ngạc nhiên với những máy bay siêu nhỏ, nặng khoảng hơn 3kg và mang đầu đạn 0.4kg, thực hiện các phi vụ tấn công cảm tử. Điều này có thể dẫn đến một cuộc cách mạng trong chiến tranh hiện đại: bạn thử hình dung một phi đội 3-5 chiếc máy bay như thế, tập kích ngay vào chiếc giường mà Osama bin Laden đang ngủ!
Dịch từ http://www.popularmechanics.com/flight/drones/a18032/hero-30-uvision-israeli-drone/

* * *

Chiếc UAV (máy bay không người lái, điều khiển từ mặt đất) tí hon cất lên từ ống phóng khí nén, xòe cánh và tăng tốc đến 180km/h nhờ động cơ điện. Nhưng chiếc Hero-30 nặng 3.5kg này cũng có khả năng hành trình ở tốc độ chậm, lảng vảng trong một khu vực định trước. Camera chống rung và màn hình tầm nhiệt liên tục gửi tín hiệu về cho người điều khiển. Nó có thể bay liên tục trong 30 phút, đủ thời gian để người ta xác định vị trí, nhận dạng và xác nhận mục tiêu ở khoảng cách vài dặm. Rồi sau đó các UAV Hero cảm tử mang đầu đạn 1-pound sẽ hoàn tất nhiệm vụ.

Chiếc UAV Hero-30 là vũ khí mới của Israel do uVision chế tạo, có thể trở thành một lực lượng đột phá trong công nghệ quân sự, báo trước một hình thái chiến tranh mà trong đó, tấn công bằng súng đạn cũng hiếm gặp như tấn công bằng lưỡi lê. Đó là một sát thủ UAV mà bạn không bao giờ kịp nhận thấy chúng đang tới.

Nhiều năm về trước, người ta đã đoán được công nghệ UAV quân sự phải nhằm tới việc thu nhỏ chúng, vì những lợi thế thay đổi cục diện mà dòng UAV siêu nhỏ này mang lại. Trước kia, người lính có thể ẩn nấp sau một bức tường, sau sườn núi hay đào hố cá nhân. Việc chế ra hỏa lực từ trên không – như chiếc Hero-30 – đã loại bỏ cách thức ẩn nấp. Giờ đây, nơi an toàn chỉ còn có hầm trú ẩn. Với các loại vũ khí thông thường khác, bạn sẽ biết khi đối phương tấn công, và họ đang ở đâu. Hero không có chớp lửa đầu nòng, không lộ diện và cất cánh từ xa hàng dặm. Tay súng bắn tỉa và nhóm điều khiển của đối phương có thể tham chiến từ một vị trí ẩn nấp an toàn.

Quân đội Mỹ đã từng chế tạo UAV sát thủ di động của riêng họ từ năm 2004, được biết đến với tên gọi Hệ thống hỏa lực thu nhỏ trên không (LMAMS). Đến năm 2012, lô thử nghiệm UAV "Switchblade" do Aerovironment chế tạo đã có mặt tại Afghanistan, nơi người ta dùng chúng chống lại "mục tiêu giá trị cao" (là một thuật ngữ ám chỉ các lãnh đạo phe nổi dậy).

Dù sao thì, thử nghiệm của quân đội Mỹ vẫn chỉ là thử nghiệm. Trong khi đó, Hero đã là hàng xuất xưởng, mặc dầu các lãnh đạo của uVision không muốn tiết lộ chi tiết doanh số bán hàng (một điều dễ hiểu!). 

"Chúng tôi có thể xác nhận sự tồn tại của các khách hàng hàng đầu," Oshri Baron, phó chủ tịch Marketing và bán hàng cho biết. "Vài người trong số họ đã mua các hệ thống của chúng tôi để đánh giá trước khi dự kiến triển khai, và vài người khác đã thực sự biên chế chúng vào lực lượng của họ."

Chiếc Hero-30, giống LMAMS, có một phần mềm dẫn đường tinh vi. Nó có thể khóa vào mục tiêu đang lẩn trốn và tự động săn đuổi, nhắm đến những mục tiêu mà kiểm soát thủ công không hiệu quả. Khách hàng dễ thấy nhất là Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF), chiếc Hero-30 đặc biệt thích hợp cho các hoạt động chống nổi dậy đô thị mà IDF đang tham gia vào. "Hệ thống của chúng tôi đặc biệt hiệu quả trong các khu đô thị, việc xác định chính xác các cuộc tấn công đã giảm thương vong của thường dân đến mức tối thiểu," Baron cho biết. Đầu đạn 1 pound ít có khả năng gây ra thiệt hại ngoài dự kiến, so với các vũ khí lớn như tên lửa Hellfire. Chúng có thể tấn công từ mọi góc độ, bao gồm cả bổ nhào thẳng đứng. Chúng cũng có chức năng hủy bỏ đợt tấn công vào phút chót, nếu như người điều khiển phát hiện nhầm mục tiêu khi nhìn hình ảnh cận cảnh từ camera của Hero.

Song uVision không xác nhận ngay cả mẩu tin này [về IDF]. Baron chỉ cho biết thêm, "Đương nhiên những người đầu tiên áp dụng công nghệ mới là các lực lượng đặc biệt." (Cũng cần ghi chú thêm, Hero-30 là chiếc nhỏ nhất trong dòng Hero. Chiếc lớn nhất là Hero-900, tầm bay hơn 150 dặm và mang đầu đạn 40-pound, chừng 18kg)

Israel từ lâu đã là người tiên phong trong lĩnh vực UAV, bắt đầu với những chiếc UAV trinh sát vị trí của Ai Cập trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1971. Sau này, UAV đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến Liban năm 1982, định vị các trận địa tên lửa dẫn đến toàn bộ lưới phòng không Syria bị tiêu diệt mà Israel không thiệt hại bất kỳ phi công nào. Ngày nay, ngành công nghiệp UAV của Israel sản xuất rộng rãi các máy bay không người lái, và người ta tin là chúng đã được xuất khẩu tới 49 quốc gia khác nhau, ngoài Mỹ, Anh còn có thể kể đến Nga và Trung Quốc. Với chiếc Hero-30, công ty uVision đang thu lợi từ "các quân đội ở khắp nơi trên thế giới."

Nhưng việc xuất cảng công nghệ UAV đã gây ra tranh cãi ở Israel trong quá khứ. Ví dụ năm 2005, Mỹ đã gây sức ép buộc Israel không nâng cấp cho dòng UAV Harpy, vốn được Israel Aerospace Industries bán cho Trung Quốc. Những chiếc Harpy này là UAV tấn công, nhắm vào radar phòng không để phá hủy chúng.

Khi UAV ngày càng nhỏ hơn và dễ sử dụng hơn, mối quan ngại cũng tăng lên theo. Đã có ý kiến cho rằng, chiếc máy bay đồ chơi điều khiển từ xa có thể trở thành một loại "bom bay" trong tay những kẻ khủng bố. Để điều khiển chúng cần có một số kỹ năng nhất định, song loại máy bay đồ chơi 4 cánh quạt giờ đây có thể lái bởi những người không có chút xíu kinh nghiệm nào. Không cần đến một thiên tài điện tử để gắn thêm lựu đạn – một vũ khí thô sơ xong đủ sức tiêu diệt kẻ thù không có chuẩn bị trước. Dường như thế giới này chưa chuẩn bị cho sự gia tăng của UAV siêu nhỏ - xem một chiếc trong số đó đã xâm nhập bãi cỏ Nhà Trắng dễ dàng đến thế nào.

Chúng ta có thể trông đợi một cuộc chiến của những UAV, từ loại chế tác ứng biến cho đến sản xuất công nghiệp hàng loạt. Chừng nào quân đội Mỹ nhận được LMAMS, họ có thể nhận ra đối phương đã có UAV của riêng mình.

1 comment:

  1. Đến lúc yếu tố địa lý mất ý nghĩa trong chiến tranh. Ta cứ "ăn dưa bở" về một Vịnh Cam Ranh chiến lược ở Thái Bình Dương.

    ReplyDelete