Friday, November 27, 2015

Khi máy bay không người lái rớt khỏi bầu trời (phần 3)


Khi máy bay không người lái rớt khỏi bầu trời (phần 3)
Dịch từ bài báo When drones fall from the sky trên Washington Post
http://www.washingtonpost.com/sf/investigative/2014/06/20/when-drones-fall-from-the-sky/


* Phần 1
* Phần 2 

"Cái quỷ gì thế này – đường băng đâu rồi?" Đại úy Không quân Matthew Scardaci hét lên khi động cơ của chiếc Predator bị hỏng và nó lao xuống căn cứ Kandahar vào ngày 5/5/2011. "Lạy Chúa, cái gì thế? Tôi vừa đâm vào cái gì thế."

Hóa ra chỉ là một dãy container rỗng. Không ai bị thương. Scardaci không trả lời yêu cầu bình luận của tòa báo, dù được yêu cầu thông qua phát ngôn viên của Không quân. Trong vòng 6 tháng, tại miền đông Afghan, 2 chiếc Predator mang tên lửa Hellfire đã gặp tai nạn, đâm xuống gần khu dân cư thành phố Jalalabad. Một trong số đó đã rơi vào khu nhà ở và gây cháy. Rất may không ai bị thương, nhưng quân đội phải bồi thường cho chủ nhà – tổng số tiền bồi thường không được tiết lộ.

"Ái chà!" và "Ối!"

Trong các trạm điều khiển mặt đất, phi công drone ngồi trên hàng đống các danh sách kiểm tra để hướng dẫn họ trong mọi tình huống có thể nghĩ ra. Song họ vẫn mắc những sai lầm rất đắt đỏ.

Một lỗi thường mắc phải: quên bật hệ thống ổn định của máy bay. Hệ thống này giúp các drone không bị chao đảo hoặc quay tròn. Trong ít nhất năm trường hợp tai nạn, phi công đã không bật hệ thống này hoặc tình cờ tắt nó đi, khiến họ bấn loạn khi drone cắm đầu xuống đất. Ngày 16/8/2010, cả phi công và người vận hành camera đều không chú ý đến đèn cảnh báo màu đỏ trên màn hình – chỉ ra rằng hệ thống ổn định đã bị tắt, khi cho chiếc Predator cất cánh từ căn cứ Balad. Drone sau đó đâm xuống mặt đất và tạo ra hố sâu đến gần 1m cạnh đường băng.

Một phi công thiếu kinh nghiệm khác đã lao drone của mình vào một ngọn núi cao gần 6000m ở Afghan, dù có cảnh báo về địa hình núi cao. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy anh quá vội vàng chi viện cho bộ binh phía dưới, và bị xao lãng bởi đám mây dông lớn gần đó, không để ý thấy ngọn núi thấp thoáng trước mặt.


Chiếc Predator ở căn cứ Jalalabad, tháng 7/2012

Phàn nàn về độ tin cậy.

Chiếc Predator nguyên bản được thiết kế không có các bộ phận dự phòng như thường có trên các máy bay người lái. Nó chỉ có một động cơ, một máy phát điện, một cánh quạt. Nếu bất kỳ bộ phận nào trong số đó ngưng hoạt động, drone sẽ rơi. Kể từ khi bắt đầu chương trình drone, Không quân Mỹ đã mua cả thảy 269 chiếc Predator. Bốn mươi phần trăm con số đó đã tan tành trong các tình huống tai nạn loại A – loại nghiêm trọng nhất. Tám phần trăm khác – trong các tai nạn loại B.

Khi các vụ tai nạn chồng chất lên, Không quân bắt đầu phàn nàn về độ tin cậy của drone – một số nhằm thẳng vào nhà cung cấp, hãng General Atomics (GA). Song GA đã phản bác lại, cho rằng hầu hết các vụ tai nạn xảy ra do lỗi con người, và thường ở giai đoạn hạ cánh. Họ tuyên bố đã nâng cấp drone [nhằm mục đích an toàn] song việc lắp thêm một động cơ dự phòng là không khả thi, vì sẽ đòi hỏi thiết kế lại toàn bộ máy bay.

Mặt khác, dòng drone Predator này đã bị dừng sản xuất từ năm 2011 – người ta dự kiến thay thế chúng bằng dòng MQ-9 Reaper, loại có độ tin cậy cao hơn, bay nhanh gấp đôi và mang nhiều vũ khí hơn. Không quân Mỹ đã có kế hoạch dừng bay Predator vào năm 2018 và "không còn hứng thú cấp vốn cho các hoạt động nâng cấp" – theo GA cho biết.


 Ảnh chiếc MQ-9 Reaper

Không quân Mỹ thừa nhận drone Predator gặp tai nạn nhiều hơn so với máy bay quân sự thường, song họ tuyên bố đã cải thiện các chỉ số an toàn của chúng. Trong vòng hơn mười năm đầu tiên, Predator liên tục gặp nạn – cứ mỗi 100K giờ bay thì có 13.7 vụ tai nạn loại A. Sau này, kể từ năm 2009, tỷ lệ tai nạn đã giảm xuống 4.79 vụ. Chiếc Reaper tỏ ra xuất sắc vượt trội, khi chỉ có 3.17 vụ tai nạn cho mỗi 100K giờ bay. Tỷ lệ này đang tiệm cận đến mức của máy bay quân sự thông thường: chiếc F-16 là 1.96 vụ và F-15 là 1.47 vụ - theo Trung tâm An toàn Không quân ở căn cứ Kirtland cho biết.

Song chiếc Reaper cũng có những sai sót.

Sau vụ tai nạn trong lúc huấn luyện ở California tháng 3/2009, Không quân phát hiện ra chiếc van điều khiển theo nhiệt độ trong hệ thống dầu bị hỏng. Một vụ tương tự đã xảy ra vào tháng trước đó. Khi điều tra kỹ hơn, họ nhận ra rằng chiếc van bị lắp ngược. Bên Không quân đã rất ngạc nhiên khi nhận ra GA mua loại van từ một nhà cung cấp ở Houston, vốn không thiết kế nó để sử dụng trên máy bay.

Bên Lục quân chưa bao giờ đồng ý với Không quân, về việc drone cũng an toàn như máy bay thường. Trên thực tế, thống kê cho thấy tỷ lệ rủi ro của drone Lục quân cao gấp 10 lần!

Đó chưa phải điều tệ hại nhất. Nhiều chỉ huy đã không báo cáo các vụ rủi ro của drone – dù họ được yêu cầu phải làm việc này. Chừng 55% số drone MQ-5 Hunter đã "mất vì các lý do khác nhau": từ tai nạn huấn luyện cho đến tham gia chiến đấu. Lục quân còn sử dụng drone RQ-7 – chính là chiếc đã đâm phải máy bay vận tải C-130 nhắc đến ở phần trên. Tổng cộng, hơn 38% số máy bay của Lục quân đã gặp những tai nạn lớn.

Vào núi và xuống biển

Các báo cáo điều tra tai nạn cho thấy, trong các tình huống khẩn cấp, phi công điều khiển đã phải cầu viện đến những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn một thảm họa.

Trong khoảng từ 2006 đến 2012, có 6 vụ phi công đã điều khiển drone lao vào vách núi, khi động cơ bắt đầu bị hỏng. Người ta cho rằng, thà đâm vào vách núi còn an toàn hơn là cố đưa drone hỏng về sân bay, nơi nó có thể rớt phải ai đó. Ở những vụ khác, drone đơn thuần biến mất và không thể tìm thấy.

Đêm 10/7/2011 trời trong, gió nhẹ. Tổ lái đang điều khiển một chiếc Predator vũ trang ở độ cao hơn 5km, phía đông Afghanistan. Đột nhiên tín hiệu bị cắt. Đường truyền vệ tinh không khôi phục được. Sau hàng giờ tìm kiếm, cả từ radar và từ các máy bay trong khu vực, họ kết luận drone đã mất tích. Các drone lớn có bộ phát tín hiệu giúp định vị liên tục. Song khi đã mất nguồn điện chính, cần có bình ắc quy để duy trì hoạt động của bộ phát này. Rủi thay, hầu hết các drone đều không mang theo ắc quy, vì chúng quá nặng!

Đó cũng là số phận của một chiếc Predator vũ trang, mất tích 20 phút sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Kandahar ngày 20/11/2009. Năm tuần sau, người ta tìm thấy các mảnh vụn của nó, cách xa 10km. Cuộc điều tra kết luận drone bị hỏng hệ thống điện, do chập mạch ở cáp nguồn. Người ta ngờ rằng sét đánh, gió mạnh và đóng băng trên cánh cũng có thể hạ gục drone một cách dễ dàng. Ít nhất, tổ lái Hải quân đã nhận thấy băng đóng dày đến 50cm trên một chiếc drone loại MQ-8B dạng trực thăng, khi tìm cách hạ nó xuống boong tàu hộ tống tên lửa USS Robert G. Bradley ngoài khơi Syria. May thay tảng băng đã rơi xuống biển, không gây thiệt hại gì cho drone và tàu.

Mất liên lạc vẫn là vấn đề khó khắc phục. Khi còn ở trong tầm nhìn, drone liên lạc với tổ lái bằng kết nối trực tiếp. Khi ra khỏi tầm, nó tự thiết lập liên lạc vệ tinh để nhận điều khiển. Trong mọi tình huống mất liên lạc, nó sẽ tự động bay vòng và chờ cho đến khi nhận được tín hiệu. Trong tình huống xấu nhất, nó được lập trình để tự quay về căn cứ.

Song đó chỉ là trên lý thuyết. Trong hơn một phần tư số vụ tai nạn được Tòa soạn báo [Washington Post] nghiên cứu, liên lạc đã gián đoạn xung quanh thời điểm xảy ra. Thường các phi công không mấy lo lắng khi mất tín hiệu, song nếu mất đến 3 hoặc 5 phút thì phải tìm hiểu nguyên do. Đã có hai chiếc Predator gặp tai nạn liên tiếp trong vòng một tháng tại Afghanistan – khi mọi nguyên nhân thời tiết đều bị loại trừ, sau khi tổ lái không thể thiết lập lại liên lạc với drone. Các liên lạc vệ tinh tỏ ra kém tin cậy, drone có thể bị mất liên lạc nếu lượn quá gấp, hoặc bổ nhào quá nhanh.

Sự cố nguồn điện mặt đất lại là một lý do khác. Ngày 21/7/2008, hỗn loạn xảy ra ở một căn cứ không quân khi các tổ lái đang điểu khiển đồng thời 3 chiếc Predator trên vùng trời Afghanistan. Điện bị cắt đột ngột, toàn bộ các màn hình và bàn điều khiển tối thui. Sau vài phút, khi có điện lại, các phi công đã liên lạc được với 2 chiếc Predator – lúc đó đang bay vòng theo chế độ chờ được lập trình trước.

Người ta không bao giờ tìm thấy chiếc thứ ba.

(Hết)

No comments:

Post a Comment