Friday, November 27, 2015

Khi máy bay không người lái rớt khỏi bầu trời (phần 2)

Dịch từ bài báo When drones fall from the sky trên Washington Post
http://www.washingtonpost.com/sf/investigative/2014/06/20/when-drones-fall-from-the-sky/

* Phần 1
* Phần 3 (Hết) 

Tai nạn trải rộng toàn cầu.

Drone đã cách mạng hóa chiến tranh, và giờ đây chúng đang chuẩn bị cách mạng hóa ngành hàng không dân dụng. Theo luật do Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, Cục Hàng không Liên bang dự kiến ban hành các quy định vào tháng 9/2015, cho phép drone hội nhập rộng rãi vào hàng không dân dụng. Nhu cầu sở hữu và sử dụng drone là rất lớn. Các cơ quan thực thi pháp luật, vốn đã có một số drone mang camera, dự kiến mua thêm hàng ngàn chiếc khác. Sở cảnh sát mong có drone để làm công cụ giám sát trên không, chi phí thấp và vận hành suốt ngày đêm.

Các doanh nghiệp thấy khả năng sinh lời từ drone để đánh giá mùa màng, vận tải hàng hóa, kiểm soát bất động sản hay quay phim ở Hollywood. Một số phóng viên đã xin cấp phép cho drone để đưa tin. Giám đốc điều hành Amazon.com, Jeffrey P. Bezos muốn công ty mình sử dụng drone tự hành để giao các kiện hàng nhỏ tới tay người nhận (Bezos cũng là chủ tờ Washington Post!).

Quân đội đang sở hữu khoảng 10,000 chiếc drone, từ loại Wasp (0.5kg) và Raven (2kg) cho tới Predator nặng 1 tấn và Global Hawk nặng 15 tấn. Đến năm 2017, họ có kế hoạch điều khiển drone từ ít nhất 110 căn cứ trên 30 tiểu bang, cộng với Guam và Puerto Rico. Ngành công nghiệp chế tạo drone đã vận động Quốc hội thông qua dự luật mới, cho rằng lợi ích kinh tế đạt 82 tỷ USD và 100,000 việc làm mới được tạo ra, từ giờ tới 2025.

Các phản đối của công chúng nhằm vào mối quan ngại về tự do dân sự, chẳng hạn các vấn đề về đạo đức và pháp lý khi sử dụng drone rình mò hàng xóm ở sân vườn của họ. Hiện nay chỉ có một lượng ít ỏi các hồ sơ an toàn của máy bay điều khiển từ xa. Một báo cáo tháng 5/2014 bởi Viện hàn lâm Khoa học kết luận rằng "những câu hỏi quan trọng chưa được trả lời" về khả năng tích hợp an toàn drone dân sự vào không phận quốc gia, gọi đó là một "thách thức quan trọng và xuyên suốt."

Không ai dày dạn kinh nghiệm với drone hơn quân đội Mỹ, họ có đến hơn 4 triệu giờ bay. Song Bộ Quốc phòng bảo vệ nghiêm ngặt các chi tiết về vận hành drone, bao gồm cả các chi tiết về tai nạn liên quan đến nó: bằng cách nào, xảy ra ở đâu, vào lúc nào …

Tòa soạn báo đã gửi hơn hai mươi yêu cầu cho Không quân, Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến, dựa theo đạo luật về Tự do thông tin. Với các phản hồi nhát gừng ròng rã trong một năm, quân đội đưa ra các báo cáo điều tra và một số hồ sơ khác, tổng hợp lại cho thấy cả thảy 418 vụ tai nạn lớn liên quan đến drone trên toàn thế giới, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2001 đến cuối 2013. Con số này tương đồng với số vụ tai nạn của các máy bay chiến đấu trong cùng thời kỳ, dù số giờ bay và số lần xuất kích của drone ít hơn rất nhiều – theo số liệu thống kê về an toàn của Không quân.

Quân đội phân loại tai nạn theo tổng thiệt hại của drone và tài sản liên quan trong một vụ việc. Tai nạn được phân loại cấp cao nhất – hạng A – khi mà drone bị hư hỏng hoàn toàn hoặc tổng thiệt hại lớn hơn 2 triệu USD. Tài liệu cho thấy 194 vụ rơi drone thuộc hạng này, một nửa trong số đó xảy ra tại Afghan và Iraq, một phần tư khác xảy ra trong nước Mỹ. Trong hầu hết các vụ việc, bên quân sự triệu tập hội đồng điều tra để xác định nguyên nhân. Có 18 trường hợp nhạy cảm đến mức họ không tiết lộ thậm chí tên quốc gia nơi xảy ra tai nạn, và chi tiết các diễn biến đã xảy ra trên thực tế.

Hai trăm hai mươi bốn vụ được phân loại hạng B, tức là thiệt hại từ 500 ngàn đến 2 triệu USD. Tòa báo không nhận được thông tin cụ thể về những vụ việc này, có lẽ do mức độ thiệt hại nhỏ nên người ta không tổ chức điều tra nguyên nhân.

Các hồ sơ quân sự cũng không cho biết về tai nạn liên quan đến drone được CIA vận hành. Hiện nay, cơ quan tình báo có khoảng 30 chiếc drone vũ trang loại Predator và Reaper đang hoạt động ở nước ngoài, với các phi công mượn từ quân đội. Họ cũng có ít nhất một chiếc drone giám sát tiên tiến loại RQ-170 Sentinel, mà quan chức CIA thừa nhận đã bị rớt ở Iran tháng 12/2011.

"Húc phải UAV!"

Khi quân đội liên tiếp phái các drone tới Iraq và Afghan vào giữa những năm 2000, một số chỉ huy Không quân đã nhìn thấy hiểm họa tiềm tàng trong một bầu trời đông đúc. Họ cho lưu hành một tài liệu trích dẫn lời của một vị tướng Không quân giấu tên nói rằng: "Tôi lo ngại về một ngày khi chiếc C-130 chở đầy lính bị drone đâm thẳng vào buồng lái".

Lo lắng của vị tướng là xác đáng. Ngày 15 tháng 8 năm 2011, chiếc C-130 Hercules tải trọng 70 tấn đang tiếp cận căn cứ tiền tiêu Sharana, phía đông Afghanistan. Đột nhiên, khi cách mặt đất chừng 400m, chiếc máy bay to lớn đụng độ với vật thể bay nặng 200kg.

"Chết tiệt!" Hoa tiêu chiếc C-130 hét lên, theo bản bóc băng từ máy ghi âm buồng lái "Chúng ta húc phải UAV! Húc phải UAV!"

Đó là một drone loại RQ-7B Shadow, do Lục quân điều khiển từ mặt đất, đâm vào cánh trái chiếc máy bay vận tải, ở khoảng giữa 2 động cơ. Nhiên liệu tràn ra ngoài theo một vết rách trên cánh. Tổ lái C-130 tắt một động cơ và yêu cầu giải phóng đường băng để hạ khẩn cấp. Trong khoảng 2 phút, máy bay tiếp đất với cánh trái đầy khói. "Cái lỗ to chưa kìa!" – phi công nhận xét, may thay không có ai bị thương.

Khoảng gần một phút sau, tổ lái drone – vẫn không ý thức được sự việc đang diễn ra – thông báo với đài không lưu rằng họ mất kiểm soát một chiếc máy bay điều khiển từ xa. "Chúng tôi có một chiếc C-130 đâm phải UAV," đài không lưu trả lời. "Tôi ngờ rằng đó là UAV của các anh."


 Máy bay điều khiển từ xa RQ-7B Shadow

Vụ va chạm đã nghiền nát chiếc drone. Các quan chức quân đội lúng túng như gà mắc tóc, vì nếu ủy ban điều tra kết luận tổ lái drone phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn, nó sẽ phá hoại toàn bộ kế hoạch sử dụng máy bay không người lái – không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả trên nước Mỹ nữa. Họ không bao giờ công bố kết luận điều tra. Hai quan chức Lầu Năm góc cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng nhóm điều khiển drone không có lỗi, nhưng họ không cung cấp thêm chi tiết.

Tòa soạn báo đã yêu cầu Không quân đưa ra hồ sơ về vụ việc này, dựa theo đạo luật Tự do thông tin. Không thể tìm thấy nguyên nhân chính thức của vụ tai nạn, song có thể thấy cá nhân điều khiển không lưu phải chịu một phần trách nhiệm. Anh ta là nhân viên của một nhà thầu dân sự, đã bị giáng cấp và đưa đi đào tạo khắc phục hậu quả. Các quan chức quân sự cho biết chỉ có một vụ va chạm trên không nữa, xảy ra ở Irad hơn một thập kỷ trước, giữa một chiếc trực thăng và drone loại cầm tay.

Song tai nạn trên mặt đất mới thực sự nhiều.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment