Saturday, November 21, 2015

Khi máy bay không người lái rớt khỏi bầu trời (phần 1)

Dịch từ bài báo When drones fall from the sky trên Washington Post (2014) 
http://www.washingtonpost.com/sf/investigative/2014/06/20/when-drones-fall-from-the-sky/

* Phần 2
* Phần 3 (Hết)


 Máy bay không người lái MQ-1 Predator

 
Hơn 400 máy bay không người lái của quân đội Mỹ đã bị hạ trong các vụ tai nạn nghiêm trọng trên toàn thế giới kể từ năm 2001, một kỷ lục tai họa cho chúng ta thấy những nguy cơ tiềm tàng của việc mở cửa bầu trời đối với vận tải không người lái – theo như cuộc điều tra kéo dài một năm của báo Washington Post cho biết.

Máy bay không người lái – drone – thực chất là các máy bay được phi công điều khiển từ một vị trí địa lý khác. Người ta cũng gọi chúng là RPA – máy bay lái từ xa, hoặc UAV – thiết bị bay không có người. Trong phạm vi bài viết này, dịch giả sẽ dùng chữ "drone" và nó tương đương với các thuật ngữ còn lại.

Kể từ khi cuộc chiến ở Afghan và Iraq bùng nổ, drone quân sự đã gặp vô số trục trặc, rơi rụng vì lỗi cơ khí, lỗi con người, thời tiết xấu, và các nguyên nhân khác. Với sự giúp đỡ của đạo luật Tự do thông tin, tòa báo Washington Post đã tiếp cận với hơn 50 ngàn trang tài liệu điều tra các sự cố này.

Theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2012, chuyến bay drone thương mại được phép thực hiện kể từ năm 2015. Người ta cũng dự báo rằng số chuyến bay drone của các cơ quan thực thi pháp luật và quân đội sẽ tăng đột biến. Các tài liệu mà tờ báo thu thập được đã đưa ra các chi tiết trước đây chưa từng được công bố về các vụ tai nạn liên quan đến drone, làm cho lời đảm bảo của chính phủ Hoa Kỳ [rằng drone có thể được sử dụng an toàn trong vùng dân cư và vùng trời của hàng không dân dụng] trở nên không đáng tin cậy.

Những drone quân sự đã lao thẳng vào nhà cửa, trang trại, đường cao tốc, sông hồ và thậm chí cả chiếc C-130 Hercules đang bay trên không. Chưa có thiệt hại sinh mạng trong những vụ tai nạn này, song các tài liệu cho thấy thảm họa đã được ngăn chặn trong gang tấc, thường chỉ cách nhau vài mét, vài giây, hoặc thuần túy do may mắn.

"Những gì tôi nhìn thấy là một trại lều bạt, và tôi sợ rằng tôi đã sát hại một ai đó", sĩ quan Không quân Richard Wageman kể lại với điều tra viên về tai nạn vào tháng Mười năm 2008, khi ông mất quyền kiểm soát một chiếc Predator khiến nó lao vào căn cứ quân sự Mỹ ở Afghan. "Tôi cảm thấy như bị tê liệt, và chắc đã thốt ra vài lời nguyền rủa!" Các nhà điều tra không thể chỉ ra nguyên nhân đích xác của vụ tai nạn, song họ nói rằng gió mạnh và một cú xoay đột ngột của người lái là những nhân tố của vụ việc. Wageman sau đó không đáp ứng yêu cầu bình luận [của Washington Post] do phát ngôn viên của Không quân Mỹ chuyển đến.

Một số drone quân sự chỉ đơn thuần mất tích khi đang bay ở độ cao hành trình. Tháng 9/2009, chiếc Reaper vũ trang với sải cánh 20m đã bay vô định trên không phận Afghan sau khi người lái mất kiểm soát. Một chiến đấu cơ khác của Mỹ đã buộc phải bắn hạ khi nó tiếp cận đến không phận Tajikistan.

Tài liệu cũng cho thấy vô số các sai lầm tốn kém của phi công điều khiển drone. Một chiếc Predator trị giá 3.8 triệu USD mang tên lửa Hellfire đã tự hủy gần Kandahar vào tháng 1/2010, vì phi công không nhận ra mình đang lái nó bay lộn ngửa. Cùng năm đó, một chiếc Predator vũ trang khác đã rơi sau khi phi công không nhận ra việc bấm nhầm nút đỏ trên cần điều khiển, làm cho drone bay xoắn ốc.

Dù cho hầu hết các tai nạn drone xảy ra ở vùng chiến sự, vẫn có hàng chục chiếc khác bị phá hủy ở Mỹ trong các cuộc diễn tập hoặc thử nghiệm. Tháng 4/2012, một drone quân sự đã rơi cạnh sân chơi của trường tiểu học ở Pennsylvania, chỉ vài phút sau khi học sinh rời khỏi. Một chiếc Reaper khác đã rơi xuống hồ Ontario, và một máy bay do thám RQ-4 với sải cánh rộng như chiếc Boeing 757, cắm mũi xuống Maryland gây ra một đám cháy rừng.

Bộ Quốc phòng cho biết họ chắc chắn về độ tin cậy của drone. Hầu hết các tai nạn xảy ra trong chiến tranh – họ nhấn mạnh – trong các điều kiện khắc nghiệt không thể có tại Mỹ. Số liệu thống kê cho thấy phần lớn các chuyến bay diễn ra suôn sẻ, và tỷ lệ rủi ro đã liên tục giảm trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận rằng các chuyến bay drone sẽ không bao giờ an toàn như chuyến bay thương mại dân dụng.

"Chuyến bay là một hoạt động nguy hiểm, và bạn không phải tìm kiếm đâu xa để thấy các ví dụ về điều đó." Dyke Weatherington, Giám đốc Vũ trang Không người lái của Lầu Năm góc cho biết. "Tôi có thể nhìn thẳng vào mắt bạn mà nói, Bộ Quốc phòng đã có thành tích an toàn đặc biệt về vấn đề này, và chúng tôi liên tục cải thiện hàng ngày." Dù vậy, phân tích của tờ báo cho thấy các nhà sản xuất drone quân sự vẫn chưa vượt qua được một số trở ngại cơ bản về độ an toàn:

-           Khả năng phát hiện và phòng tránh tai nạn còn hạn chế: các camera và cảm biến công nghệ cao không thể thay thế tai mắt của phi công trong buồng lái. Hầu hết các drone không được trang bị radar hay hệ thống phòng chống va chạm trên không – được thiết kể để tránh đụng độ trực tiếp giữa hai thiết bị bay.
-           Lỗi phi công: tồn tại một định kiến cho rằng lái drone giống như chơi game, song trên thực tế lái drone phức tạp hơn rất nhiều. Không quân đào tạo liên tục và cấp phép cho các phi công drone, song họ vẫn mắc lỗi, đặc biệt trong quá trình hạ cánh. Ba năm qua có 4 vụ việc nghiêm trọng tới mức phải mở cuộc điều tra, vì nghi ngờ phi công sao lãng nhiệm vụ.
-           Khiếm khuyết cơ khí thường xuyên: một số mẫu drone được thiết kế không có cơ chế an toàn dự phòng và xuất trận mà chưa từng được thử nghiệm đầy đủ. Nhiều tai nạn bắt nguồn từ những sự cố điện cơ bản, những vụ khác do thời tiết xấu. Các quân nhân cho rằng rủi ro do những vấn đề không thể giải thích nổi, chẳng hạn như tổ lái hai chiếc Predator xấu số năm 2008 và 2009 đã nói với điều tra viên rằng máy bay của họ bị "quỷ ám".
-           Liên lạc không tin cậy: Drone sử dụng truyền dẫn không dây để nhận lệnh và các tín hiệu định hướng, thường qua vệ tinh. Song các kết nối này rất mong manh. Hồ sơ cho thấy chúng đã bị ngắt trong hơn một phần tư số tai nạn tồi tệ nhất.

Chiếc bị rơi nhiều nhất là MQ-1 Predator, drone sản xuất bởi General Atomics Aeronautical Systems (GA) ở San Diego. Gần một nửa số Predator có liên quan đến các vụ tai nạn nghiêm trọng, theo số liệu an toàn của Không quân cho biết. Frank W. Pace, chủ tịch phụ trách các hệ thống máy bay của GA, cho biết Predator đã vượt quá mong đợi về độ tin cậy. Nó được thiết kế có khối lượng nhẹ, chi phí thấp, dưới 4 triệu USD cho mỗi chiếc. Trong những năm đầu của cuộc chiến Afghan, ông nói, không ai trông chờ Predator có thể hoạt động lâu dài.

"Đó là tâm lý "sắp bị bắn hạ" hoặc gặp các thiệt hại khác, vì vậy bạn không muốn phí tiền vào hệ thống dự phòng," Pace đề cập đến vấn đề thiết kế một cơ chế dự phòng khi xảy ra sự cố. Ông nhấn mạnh rằng chưa có một tình huống tai nạn nào của Predator dẫn đến tử vong. "Chúng tôi chưa bao giờ có thiệt hại sinh mạng," ông nói, "vậy là khá tốt."

(Còn tiếp)
 

No comments:

Post a Comment