(Tác giả đặc biệt cảm ơn anh BVT và anh TAN về những đóng góp quan trọng cho bài viết này)
* Tìm hiểu về dầu nhớt – dành cho xe con
A. Tác dụng của dầu nhớt
Dầu nhớt có 4 tác dụng: bôi trơn, bảo vệ, làm sạch và làm mát. Nếu một trong các tác dụng này không được thỏa mãn, có nghĩa là dầu không đạt yêu cầu và cần phải thay mới hoặc điều chỉnh.
Tác dụng bôi trơn và bảo vệ có được là do tính năng tạo màng của dầu và các hóa chất bổ sung, gọi là chất phụ gia. Khi các chi tiết máy cọ xát với nhau, một màng dầu hoặc phụ gia cực mỏng (bề dày chừng vài chục phân tử) nằm xen kẽ để không cho kim loại tiếp xúc trực tiếp với kim loại. Khi ở trạng thái nghỉ, lớp màng này bảo vệ không cho không khí và hơi ẩm tác động. Trong dầu cũng có một thành phần kiềm, để trung hòa axit sinh ra khi đốt cháy nhiên liệu (axit này sinh ra từ lưu huỳnh lẫn trong xăng dầu) và giữ cho các cặn sinh ra trong động cơ ở trạng thái lơ lửng, không bám vào chi tiết máy. Bằng cách đó các chi tiết kim loại sẽ bền vững hơn và sử dụng được lâu dài hơn.
Tác dụng làm sạch và làm mát có được do dầu luôn luân chuyển. Khi chuyển động, dầu mang nhiệt thoát khỏi khu vực nhiệt độ cao và đưa các hạt vụn kim loại rất nhỏ đi qua lọc nhớt. Khi lọc nhớt bị bẩn, áp suất dòng nhớt bị giảm, có thể không đủ bôi trơn. Khi bản thân dầu nhớt quá bẩn thì cặn sẽ bắt đầu đọng lại trong máy. Dầu nhớt là tác nhân làm mát chính cho piston, tay biên, trục cam và hộp số. Khi dầu bị bẩn, xe máy của tác giả vào số rất trục trặc, đạp mãi mới vào được. Nguyên do là nhớt cũ đã bị mất độ ma sát tối ưu cho hoạt động của côn. Thay dầu xong lại đạp phát nào ăn phát đó!
B. Phân loại dầu nhớt
Về nguồn gốc, dầu nhớt có thể phân ra 2 dạng là dầu tổng hợp và dầu gốc khoáng. Dầu tổng hợp được điều chế từ các phản ứng hóa học, còn dầu gốc khoáng lấy ra từ quá trình chưng cất dầu mỏ trong các nhà máy lọc dầu, cả hai loại đều cần pha thêm các phụ gia. Dầu tổng hợp có ghi chữ Synthetic hoặc Fully Synthetic trên bao bì. Cũng có hãng pha trộn giữa 2 loại dầu này với nhau để tạo ra loại trung gian. Những loại đó gọi là dầu bán tổng hợp (semi-synthetic).
Dầu tổng hợp có chất lượng tốt hơn hẳn do quá trình điều chế cho ra đúng loại hợp chất mong muốn với độ tinh khiết rất cao. Dầu tổng hợp có thể dùng lâu hơn từ 5 đến 10 lần so với dầu gốc khoáng tương tự. Dầu khoáng chứa nhiều loại mạch carbon khác nhau, dù tỷ trọng lớn vẫn là loại mạch có độ dài mong muốn, song còn bị lẫn các loại không mong muốn cũng như tạp chất không thể loại bỏ. Vì vậy, dầu khoáng bị xuống cấp nhanh hơn. Để hạn chế quá trình này, các nhà sản xuất phải dùng phụ gia cho thêm vào, các loại phụ gia tốt có thể tăng tuổi thọ dầu lên rất nhiều. Nhìn chung, dầu khoáng có giá thành rẻ hơn.
Nhìn từ góc độ dầu nhớt, các loại động cơ cho xe máy và xe con có thể chia làm mấy loại như sau. Xe con có động cơ xăng và động cơ diesel, xe máy có động cơ 2 thì (2T hoặc two-stroke) và động cơ 4 thì (4T hay four-stroke). Xe máy 4 thì lại chia thành xe số và xe tay ga (scooter). Động cơ xe số dùng côn ướt, dầu động cơ và hộp số chung với nhau. Động cơ xe tay ga và xe con dùng côn khô, dầu động cơ và dầu hộp số nằm trong 2 bình dầu riêng.
Như vậy, dầu cho xe con phân thành loại cho động cơ xăng và cho động cơ diesel. Dầu xe máy chia thành loại cho động cơ 2 thì (pha vào xăng) và dầu cho động cơ 4 thì (đổ vào bầu dầu – còn gọi là các-te). Dầu cho xe 4 thì lại phân ra loại dầu cho xe số, có bổ sung phụ gia chống trượt cho lá côn. Loại kia là dầu cho xe tay ga (xe scooter), không có phụ gia này.
C. Các chỉ số kỹ thuật của dầu nhớt
Về cấp chất lượng, tổ chức API (American Petroleum Institute) và một số hiệp hội khác (như SAE) thống nhất phân loại thành các cấp từ SA, SB, SC ... đến SN (cho động cơ xăng) và từ CA, CB, ... đến CJ-4 cho động cơ diesel. Một cách đơn giản, dầu có cấp API cao hơn là dầu tốt hơn và phù hợp với động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải cao hơn như Euro III, Euro IV.... Hiện nay cho xe máy và xe hơi ở thị trường VN, chủ yếu là các loại từ SG / SH trở lên. Nếu xe càng về đời sau, có chế độ tăng áp thì chỉ nên dùng các loại dầu có cấp cao nhất.
Về độ nhớt, hiệp hội kỹ sư ô tô SAE (Society of Automotive Engineers) chia ra thành dầu mùa đông (dùng khi nhiệt độ thấp) và dầu mùa hè (dùng khi nhiệt độ cao). Dầu mùa hè được phân cấp từ SAE 20, SAE 30, ... cho đến SAE 60. Dầu mùa đông được phân cấp từ SAE 0W, SAE 5W, SAE 10W, ... cho đến SAE 25W (chữ W chỉ dấu mùa đông - Winter). Dầu có chỉ số càng cao thì độ nhớt càng cao. Trên thị trường hiện nay, thường thấy là dầu đa cấp, cho phép dùng lẫn cả mùa đông và mùa hè. Các loại dầu đa cấp đánh số kép, ví dụ SAE 5W-40, SAE 20W-50, SAE 10W-30, etc. Ngoài việc phù hợp với thời tiết lạnh, hiện nay các nhà chế tạo động cơ thường yêu cầu độ nhớt thấp để giảm ma sát nội, tiết kiệm nhiên liệu.
Về dầu động cơ diesel, một trong những khác biệt cơ bản là tính kiềm cao hơn. Tính kiềm này cần có để trung hòa khói lưu huỳnh, vốn có nhiều hơn trong diesel. Dầu để pha xăng (cho xe 2 thì) được đánh mã hiệu API TC. Loại này khi cháy tạo ra ít muội hơn.
Ngoài dầu nhớt do các hãng chuyên về dầu (như Exxon Mobil hay Chevron Caltex) pha chế và bán ra, các hãng xe cũng bán dầu mang nhãn hiệu của mình, ví dụ như Toyota hay Honda. Cho dù là của hãng nào đi nữa thì các chỉ số kỹ thuật cũng đều phải công bố theo các tiêu chuẩn trên. Trong thực tế, các hãng xe đặt hàng từ hãng dầu rồi đóng tên hiệu của mình (sản xuất OEM).
D. Xe nào nên dùng loại dầu nào?
Như các bạn có lẽ đã đoán ra, không tồn tại một loại dầu duy nhất phù hợp cho một loại xe. Tác giả đưa ra một số khuyến cáo chung, dựa vào các tham số kỹ thuật ở phần trên.
Nếu là xe con động cơ xăng, bạn nên dùng dầu từ SJ trở lên, xe càng mới càng cần dầu cấp cao hơn. Độ nhớt nên chọn 10W-40 hoặc 10W-50. Với các bạn mà thời tiết mùa đông loanh quanh tầm -10 độ C, nên dùng cao nhất là dầu 10W, còn không thì hạ xuống 0W-40. Nếu là xe chạy dầu, nên sử dụng cấp từ CH-4 trở lên. Đương nhiên cao hơn là tốt hơn, song cũng đắt hơn.
Nếu là xe máy 2 thì, bạn chọn loại dầu có ghi 2T hoặc two-stroke, mã API TC.
Nếu là xe số ở miền Bắc, nên dùng dầu cấp từ SG trở lên, độ nhớt đa cấp 20W-50 hoặc 10W-40. Còn như ở Sài gòn và cực kỳ tiết kiệm, có thể dùng dầu đơn cấp SAE 40. Đương nhiên nếu nhà có điều kiện, dùng dầu đa cấp vẫn tốt.
Nếu là xe scooter, bạn nên dùng loại dầu dành cho xe scooter, độ nhớt 5W-30 hoặc 10W-40, cấp SJ trở lên.
Một lời khuyên cho các chủ xe, là nên yêu cầu thay dầu khi máy nóng – nhiệt độ tầm 60 độ trở lên. Như thế dầu sẽ loãng và ít bám lại trong bầu dầu. Thường các điểm rửa xe ngại thay nóng, vì dầu nóng dây vào tay làm hại da. Họ rửa cho xe nguội đi rồi mới chịu thay.
Câu hỏi hay gặp nhất, đi bao nhiêu km thì nên thay dầu.
Thật ra không có câu trả lời chính xác. Với xe máy, tác giả sử dụng dầu 4T SG 20W-50 thường đi khoảng 2000-2500km đường đồng bằng thay là vừa. Nếu dùng dầu SH hay SJ có thể thêm chừng 500km nữa, nếu dùng dầu fully synthetic có thể để 8000km mới thay một lần. Các bạn tùy theo mức độ sử dụng, xe mới hay xe cũ, đi đồng bằng hay đèo dốc, và tùy theo túi tiền mà gia giảm cho phù hợp. Nếu gặp tình huống như xe chết máy mà ống xả ngập nước thì nên thay dầu ngay.
Phụ lục: ví dụ nhãn dầu nhớt và ý nghĩa ký hiệu trên đó.
Dầu tổng hợp 10W-50, cấp SM/CF
Dầu bán tổng hợp 10W-40
No comments:
Post a Comment