Monday, August 5, 2013

Tai nạn tàu ngầm K-19 của Liên Xô (phần 1)

Xem các phần khác:

Tai nạn tàu ngầm K-19 (2)
Tai nạn tàu ngầm K-19 (3)
Tai nạn tàu ngầm K-19 (4)
= = =

Trong số những vụ tai nạn hạt nhân xảy ra trong thế kỷ 20, vụ tàu ngầm K-19 có một vị trí kỳ lạ. Cả hai cường quốc thế giới đều biết về nó, nhưng một bên thì giả vờ không nhận thấy, một bên tìm mọi cách che giấu, kể cả đối với những người trong cuộc. Trong suốt nhiều năm, không ai nhắc đến nó. Chỉ tới khi Liên bang Xô viết tan rã, nhiều hồ sơ được giải mật, người ta mới có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về tai nạn này. Hollywood – vẫn nhanh chân như thường lệ – đã dựa trên những sự kiện có thật để làm nên bộ phim sáng giá "K-19: The Widowmaker".

Tàu ngầm K-19 là một trong hai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của Liên Xô thuộc Dự án 658, mà về sau NATO định danh chúng vào lớp Hotel. Vào lúc xảy ra tai nạn mà chúng ta nói tới, trách nhiệm chỉ huy con tàu được trao cho thuyền trưởng cấp 1 Nikolai Vladimirovich Zateyev.

Kết thúc tập trận hải quân ở Bắc Đại Tây Dương, K-19 được lệnh trở về nhà sau chuyến đi tuần tra đầu tiên trong thành phần Hạm đội Bắc Hải. Cho đến lúc đó, Zateyev (về sau trở thành nhân vật "thuyền trưởng Alexei Vostrikov" trong bộ phim của Hollywood) vẫn chưa biết rằng K-19 sẽ lãnh ba cú đòn trí mạng vào một ngày hè đẹp trời tháng 7 năm 1961.

Tàu ngầm K-19 có một lỗi thiết kế trong máy hơi nước của mình. Tiếp theo, nguồn năng lượng của con tàu – hai lò phản ứng hạt nhân kim loại lỏng – không có hệ thống dự phòng khẩn cấp để ngăn chặn việc quá nhiệt lò phản ứng trong trường hợp sự cố. Và một thợ hàn đã không tuân thủ quy trình an toàn khi lắp đặt đường ống làm mát sơ cấp trong lò.

Khi K-19 tiến vào biển Na Uy, không xa đảo Jan Mayen, còi báo động phá tan lệ thường vào buổi sáng. Sự kiện tồi tệ nhất đã xảy ra: mất áp lực đột ngột ở chu trình làm mát của lò phản ứng số 2. Nếu không có những suy tính rõ ràng và can thiệp dũng cảm, lõi của lò phản ứng (gồm cả nhiên liệu hạt nhân) sẽ bị tan chảy. Và nếu việc đó thực sự xảy ra, tiếp theo rất có thể là một vụ nổ hạt nhân.

Lùi lại một chút để nói thêm về hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Tháng 8/1949, Liên Xô cho nổ quả bom hạt nhân đầu tiên của họ trên bãi thử ở Kazakhstan. Chiến tranh Lạnh – và những đe dọa về vũ khí hủy diệt hàng loạt – bắt đầu kể từ ngày đó.

Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc xảy ra trên mọi mặt trận: trên không, trên biển, cả trên đất liền. Chỉ chưa đầy 6 năm sau, Mỹ đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên – USS Nautilus (SSN 571). Tàu Nautilus đã lập kỷ lục thế giới khi trở thành tàu ngầm đầu tiên đi xuyên qua Bắc Cực. Sau 6 năm nữa, họ lại hạ thủy tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới – USS George Washington (SSBN 598). Ngày mà SSBN 598 được biên chế vào hạm đội, Mỹ chiếm thế thượng phong so với Liên Xô: họ có được vũ khí răn đe mạnh nhất mà mọi quốc gia mơ ước – một bệ phóng tàng hình với hỏa lực hạt nhân kinh hoàng.

Đó chính là những gì K-19 phải đối đầu.

Note: Viết dựa trên tư liệu từ awesomestories.com, wikipedia.org, nationalgeographic.com và các trang Web khác. Hiệu đính và biên tập: oaht uv.

7 comments:

  1. Dzụ này thú vị quá, lót dép chờ đọc tiếp chứ sao giờ :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cố gắng cuối tuần này làm tiếp phần 2 Lana ơi. Tầm sáng thứ Hai 13/8 là có. Hứa trước đi cho có động lực viết!

      Delete
    2. Blogspot thiếu nút like nhể.

      Delete
    3. Lão này có nhiều bài hay nhỉ? Em lôi lên FB của em nhé

      Delete
    4. My pleasure, tôi cho là bạn sẽ đề source từ blog này và cho full link.

      Delete
  2. Phim có Harrison Ford và nhìu diễn viên nữa. Nên xem.

    ReplyDelete