Saturday, November 9, 2013

Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 2)


Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 1)
Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 3)
Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 4)



Như các độc giả có thể đã biết, các tàu ngầm quân sự trên thế giới thuộc vào một trong hai loại chính, tàu ngầm chiến lược mang tên lửa (tên lửa đạn đạo hoặc dẫn đường, để tấn công các mục tiêu trên đất liền) và tàu ngầm tấn công vũ trang (để phòng vệ bờ biển hoặc tấn công tàu nổi). Các tàu ngầm chiến lược thường to nặng, lượng choán nước từ khoảng 7 ngàn tấn tới trên 30 ngàn tấn. Các tàu ngầm tấn công thường nhỏ hơn, cơ động nhanh, lượng choán nước từ dưới một ngàn tấn cho tới tầm 5 ngàn tấn. Tuy nhiên việc chia này cũng chỉ mang tính tương đối, một số tàu tấn công có thể mang tên lửa dẫn đường, và thậm chí còn to hơn tàu ngầm chiến lược. Như mấy tàu tấn công Kilo mà Việt nam mua của Nga có lượng choán nước 3100 tấn, thuộc loại lớn trong nhóm.

Một trong những nhiệm vụ chính của tàu ngầm tấn công, là săn đuổi tàu ngầm chiến lược. Về lý thuyết, các quốc gia phải có một số tàu ngầm tấn công chuyên tuần tiễu để phát hiện tàu ngầm đối phương, được hỗ trợ từ tàu nổi và trực thăng săn ngầm. Một khi tàu ngầm chiến lược bị tàu tấn công bám đuôi, cơ hội sống sót của nó chỉ còn bé tí tẹo. Một vài chiến thuật quen thuộc là tàu chiến lược lặn sâu hơn, tắt máy nằm im để tàu kia mất dấu, hoặc luồn qua các địa hình đáy biển phức tạp. Ai xem phim The hunt for Red October hẳn còn nhớ cảnh Sean Connery cho tàu lách qua dãy núi ngầm dưới biển. Các tàu khác bám theo tận nơi nhưng hoa tiêu không có kinh nghiệm đành bó tay để họ chạy thoát.  

So sánh tính năng giữa hai bên Nga Mỹ thực ra cũng không hoàn toàn chính xác, song có thể cho độc giả một cái nhìn về tương quan lực lượng. Tàu tấn công hiện đại nhất của Mỹ là lớp Virginia, có 10 con, lặn sâu 240m và tốc độ 25 knots. Tàu chiến lược hiện đại nhất của Nga là lớp Borei (gọi là Dolgorukiy theo định danh NATO), đóng xong 3 con nhưng mới có 1 con được biên chế vào hạm đội. Lặn sâu được 450m và tốc độ 29 knots. Một chọi một Mỹ khó mà chặn được Nga – nó chơi xuống 450m là ông Mỹ bẹp như lon bia rỗng.

Ở phía ngược lại, tàu tấn công hiện đại nhất của Nga đang biên chế là lớp Akula, có 9 con, lặn sâu 600m và tốc độ 28-35 knots. . Tàu ngầm chiến lược của Mỹ cũ mèm, lớp Ohio, có 18 con nhưng chỉ lặn được 240m và tốc độ 20-25 knots. Con Ohio này gặp Akula thì kể như xong hàng, chưa kể Nga còn đang đóng mấy con Yasen mới để thay thế bọn Akula.

Những cường quốc tàu ngầm như Nga và Mỹ có thể có tàu tấn công làm nhiệm vụ giám sát ở gần quân cảng đối phương. Số lượng tàu ra vào cảng, tên tuổi lý lịch từng tàu, chở hàng hay không đều bị ghi nhận và báo cáo. Người ta làm được việc đó nhờ có lý lịch âm thanh của từng con tàu một, ví dụ như cùng lớp Kilo song tàu Hà nội phát ra tiếng động khác tàu Hải phòng, và lúc đầy tải thì phát ra tiếng động khác lúc không tải, lúc chạy nhanh khác lúc chạy chậm. Ngôn ngữ kỹ thuật gọi là "chữ ký thủy âm" của tàu. Tất nhiên chỉ có thể giám sát ở hải phận quốc tế, vì đi ngầm vào hải phận quốc gia khác bị coi là hành vi khiêu chiến, và nước chủ nhà có quyền bắn hạ.

Do không thể khai hỏa trong thời bình, một trò chơi thường thấy là tàu ngầm hai bên chèn ép lẫn nhau, đe dọa và tìm cách khóa đối phương, cho đến lúc một bên buộc phải nổi lên mặt nước. Vậy nên mới có nhiều vụ va chạm tàu ngầm đến thế, hoặc cứ ở gần một vụ tai nạn tàu ngầm của bên này thì lại có một vài tàu của đối phương. Gần đây là vụ tàu Kursk của Nga, xảy ra năm 2000. Trong cùng khu vực đó, bên Mỹ có 2 tàu USS Memphis và USS Toledo. Nếu như các tàu cứ việc ai nấy đi, và nhìn thấy nhau tránh ra xa, xác suất va chạm trên thực tế bằng zero!

Nói vậy để độc giả thấy rằng, tàu ngầm tuần tiễu thực ra không phải chỉ có mỗi việc dạo chơi tung tăng. Dưới đáy biển tối đen, chúng tham gia vào cuộc chơi bịt mắt bắt dê với các tàu khác, theo đúng nghĩa đen của từ này. Để dê chạy thoát, an ninh quốc gia chẳng khác nào treo trên sợi tóc!



(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment