Saturday, November 23, 2013

Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 3)



Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 1)
Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 2)
Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 4) 

Cho đến giờ, nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn vẫn bị che dấu, và tôi ngờ rằng những người biết nó sẽ không bao giờ công bố. Vì vậy, cách duy nhất là chúng ta điểm qua những sự kiện có thật và được thừa nhận công khai, rồi từ đó dựng nên giả thuyết sao cho phù hợp.
     
Tàu USS Barb là nơi đầu tiên thông báo về chiến dịch tìm cứu của Hải quân Liên Xô, vào ngày 21 tháng 3. Trong lúc lặng im giám sát ngoài khơi quân cảng Vladivostock, nó nhận thấy hàng loạt các tàu ngầm và tàu nổi xuất phát từ cảng, vừa đi vừa dùng sonar rà soát đáy biển. Trên các tần số vô tuyến, hàng loạt những thông điệp không mã hóa yêu cầu K-129 hồi đáp khẩn cấp. Ngạc nhiên về quy mô của chiến dịch, và ngạc nhiên hơn nữa vì phía Liên Xô không thèm che giấu chiến dịch, tàu Barb thông báo về căn cứ và được lệnh tiếp tục theo dõi. Chẳng bao lâu sau, các thiết bị do thám của Mỹ phát hiện ra rằng, phía Liên Xô không hề có khái niệm gì về vị trí của vụ tai nạn. Thông tin về sau xác nhận khoảng 40 tàu thuyền đã tham gia chiến dịch tìm cứu này!

Trong một diễn biến khác, ngày 17 tháng 3 tàu Hải quân Mỹ USS Swordfish cập cảng Yokosuka của Nhật để sửa chữa khẩn cấp. Nguyên nhân chính thức được báo cáo là sửa chữa kính tiềm vọng bị lệch. Tàu Swordfish chính là một tàu ngầm nguyên tử vũ trang cơ động nhanh, chuyên để săn các tàu ngầm kiểu K-129. Tính từ vị trí đắm của K-129 đến Yokosuka, thời gian di chuyển trùng khớp với vụ tai nạn. Người ta nghi ngờ rằng Swordfish đã chơi trò bịt mắt bắt dê với K-129 và có xảy ra va chạm. Thêm vào đó, tháng 5 năm 1968, các nhà chức trách Nhật bản đã tuyên bố về một vụ ô nhiễm phóng xạ ở cảng Yokosuka. Xét đến thời gian sửa chữa của Swordfish ở đó, khó mà tin rằng sự cố chỉ đơn giản là lệch kính tiềm vọng.

Tình báo Mỹ cũng biết được một thương vụ tàu ngầm giữa Liên Xô và Trung Quốc. Theo thỏa thuận bí mật giữa 2 quốc gia, Trung Quốc đặt mua tàu lớp Golf và nhận hàng chiếc đầu tiên năm 1966. Phải nói thêm rằng, chiếc này thuộc thế hệ đầu (Golf-1), chỉ có tên lửa tầm bắn 350 dặm và chỉ có thể phóng lúc đang nổi. Như trên đã nói, chiếc K-129 thuộc thế hệ Golf-2, có khả năng mang tên lửa tầm bắn 800 dặm và phóng ngay cả khi đang lặn. Lẽ ra Trung quốc còn mua thêm nữa, nhưng do những bất đồng chính trị giữa hai bên, các đơn hàng tiếp theo bị hủy toàn bộ. Thoạt nghe có vẻ chẳng liên quan gì mấy, phải vậy không?

Hải quân Mỹ sau đó âm thầm tân trang lại tàu ngầm USS Halibut cho các nhiệm vụ đặc biệt. Tháng 8 năm 1968, năm tháng sau vụ tai nạn, nó lặng lẽ lặn xuống để chụp ảnh tàu K-129 dưới đáy biển. Nhiệm vụ này được gọi dưới tên mã là Sand Dollar. Tàu chụp chừng 22,000 tấm ảnh – tất cả chúng được coi là tuyệt mật cho tới ngày nay (2013). Tuy vậy, kết luận sơ bộ là tàu đắm do nổ đầu đạn trong lúc tàu đang nổi.

Người Mỹ không vội vã, vì người Nga không thể ngờ rằng tàu lại chìm ở cách xa tuyến đường di chuyển của nó đến thế. Tận đến năm 1974, chính phủ Mỹ - lúc đó là tổng thống Richard Nixon – mới phê duyệt dự án Azorian, với tổng ngân sách 1.5 tỷ USD (theo thời giá ngày nay). Các bạn chắc đoán ra được mục tiêu của nó, chính là để trục với K-129. Người ta đã phải đóng hẳn một con tàu mới, tàu USNS Glomar Explorer, và cùng với nó là ụ nổi HMB-1. Để che giấu mục đích thực sự của tàu và ụ nổi, người ta tuyên bố với báo chí chúng thuộc dự án khai thác quặng mangan dưới đáy biển!

Kể cả khi đã có đầy đủ thiết bị, việc trục vớt con tàu vẫn không hề đơn giản. Nếu mô phỏng theo tỷ lệ, điều đó giống như bạn mang một con tàu dài hơn 60cm nóc tòa nhà 4 tầng. Tại đó, nó thả dây tời loại 0.1mm để kéo lên một con tàu, dài 30cm, đang nằm trên mặt đất. Theo những gì được công bố, con tàu đã gãy đôi trong lúc đang được kéo lên. Dù vậy, người ta vẫn đưa được lên mặt nước 6 thi thể các thủy thủ của K-129. Tàu Glomar Explorer tổ chức lễ mai táng cho họ trên biển, và băng ghi hình lễ mai táng này đã được trao lại cho phía Liên Xô, như một bằng chứng an ủi thân nhân của thủy thủ đoàn. Thật khó mà tin được người Mỹ chi 1.5 tỷ dollar chỉ để vớt 6 thi hài, song đấy là những gì họ thừa nhận!

Giả thuyết thứ nhất cho rằng, tàu K-129 cùng với Swordfish đã chơi trò bịt mắt bắt dê quá lâu. Điều đó giải thích tại sao K-129 lại lệch khỏi hải trình. Trong lúc đe dọa và dồn ép lẫn nhau, một vụ va chạm mạnh xảy ra khiến K-129 bị đắm. Tàu Swordfish bị thương nặng, cố lết về đến Nhật Bản và tiến hành sửa chữa khẩn cấp. Do thông tin từ tàu này, người Mỹ biết chính xác vị trí tai nạn, và lặng lẽ thám hiểm cũng như tìm cách trục vớt công nghệ của đối phương: đầu đạn hạt nhân, liên lạc vô tuyến, phương tiện mã hóa, bảng mã cùng với các vật dụng quý giá khác.

Giả thuyết này giải thích được việc hư hại của Swordfish, nhưng nó không biết tại sao tên lửa của K-129 lại nổ theo kiểu tự hủy. Mọi lý luận về trục trặc kỹ thuật đều không có được logic chặt chẽ. Từ đó người ta nghĩ đến giả thuyết thứ hai – điều thực sự khiến Trung Quốc lạnh xương sống!


(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment