Saturday, November 30, 2013

Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 4) - Hết



Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 1)
Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 2)
Vụ tai nạn bí ẩn của tàu ngầm K-129 (phần 3)





Giả thuyết thứ hai cho rằng, K-129 chịu trách nhiệm châm ngòi cuộc chiến hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc.
   
Ta nhớ lại số lượng hành khách vô danh mà K-129 mang theo từ khi rời cảng. 11 người là con số quá lớn, vì không gian sống và điều kiện sinh hoạt – dự trữ oxy, nước, thức ăn, chỗ ngủ – không dự liệu cho họ. Chỉ có thể đoán rằng, họ thực thi một mệnh lệnh đặc biệt không xuất phát từ Hải quân. Vì danh tính của họ không hề được công bố, người ta nghĩ rằng họ được KGB cử đến.

Theo ảnh chụp của tàu USS Halibut, tên lửa hạt nhân của K-129 đã tự hủy trong ống phóng trong lúc tàu đang nổi, làm kích nổ toàn bộ khối nhiên liệu của tàu. Vệ tinh giám sát của Mỹ chắc hẳn đã nhìn thấy chớp sáng, và cùng với hệ giám sát thủy âm SOSUS, có khả năng định vị vụ nổ một cách chính xác. Điều thú vị về cơ cấu tự hủy này, nó do người Mỹ trao cho Nga, nhằm một mục đích chung duy nhất – ngăn ngừa việc phóng tên lửa hạt nhân trái phép. Nếu mã không hợp lệ, tên lửa tự hủy.

Để phóng được tên lửa hạt nhân vào thời điểm đó, mã phóng phải được ghép từ các mã của Hải quân, mã của Bộ Chính trị và mã của KGB. Toán người của KGB có thể đã không ngắt cơ cấu tự hủy trước khi phóng, hoặc thuyền trưởng K-129 đã đưa cho họ mã giả nhằm kích nổ tên lửa tại chỗ. Nếu bị kích nổ kiểu tự hủy, đầu đạn hạt nhân sẽ còn nguyên vẹn – điều này giải thích tại sao phía Mỹ lại duyệt chi ngân sách trục vớt khổng lồ như vậy.

K-129 còn cách Hawaii khoảng 350 dặm về phía Tây Bắc. Nếu Hawaii là đích ngắm, sao phải đến gần như vậy, khi tên lửa của K-129 có tầm bắn 800 dặm ?!

Đầu đạn tự hủy khi tàu đang nổi. Nhưng K-129 mang theo loại tên lửa có thể phóng trong lúc đang lặn, vậy sao phải nổi lên để phóng ?!

Ta nhớ lại chiếc tàu mà Liên Xô bán cho Trung Quốc. Nó thuộc loại Golf-1, bề ngoài không khác gì so với Golf-2 nhưng mang tên lửa tầm bắn 350 dặm và chỉ có thể phóng khi đang nổi.

Trùng hợp ngẫu nhiên?! Có vẻ là không!

Giả thuyết này cho rằng đội KGB 11 người đã cướp tàu, buộc thuyền trưởng đưa tàu vào khu vực phóng định trước. Kế hoạch của họ là giả mạo tàu ngầm Trung Quốc tấn công hạt nhân vào Hawaii. Điều chắc chắn là Mỹ sẽ đáp trả bằng hàng loạt cú đòn hạt nhân. Một cuộc tấn công như vậy làm tê liệt Trung Quốc, và với hơn một triệu lính sẵn sàng xung trận, Liên Xô có thể đánh chiếm Trung Quốc dễ dàng. Nhớ rằng đối với người Nga, Trung Quốc, với vị trí địa chính trị sát cạnh, mới là đối thủ gây nhiều lo ngại, chứ không phải Mỹ. Song nhiệm vụ của KGB không hoàn thành, vì thuyền trưởng cho họ mã giả khiến tên lửa tự hủy. Hải quân Liên Xô, vì không biết kế hoạch của KGB, đã không xác định được khu vực tàu bị nạn.

Giả thuyết này không giải thích được những gì xảy ra với tàu Swordfish. Việc cho rằng vệ tinh Mỹ và hệ giám sát thủy âm SOSUS có thể định vị chính xác vụ tai nạn vẫn là dấu hỏi. Nếu công nghệ quả thật tiên tiến như vậy, tại sao Mỹ không thể tìm thấy Scorpion khi tàu này mất tích sau đó 2 tháng?

Rất khó để biết được sự thật, vì cả hai bên Mỹ và Nga đều không muốn nói đến chuyện này. Năm 1987, thuyền trưởng Hải quân Mỹ Peter Huchthausen có cuộc trò chuyện với một vài sĩ quan cao cấp Hải quân Liên Xô về vụ K-129. Huchthausen sau đó dẫn lời của đô đốc Peter Navojtsev nói với ông, "Thuyền trưởng Huchthausen, anh còn rất trẻ và thiếu kinh nghiệm. Anh sẽ biết rằng có vài điều hai quốc gia chúng ta đã thống nhất không bàn luận với nhau – trong đó có lý do thực sự tại sao chúng tôi mất tàu K-129!"

(Hết)

Đọc thêm về độ bền của tàu ngầm. Trong năm 1968, Nga mất K-129 và Mỹ mất Scorpion. Chiếc K-129 nằm ở khoảng 4.900m nước, còn Scorpion chỉ ở tầm 3.000m. Thế mà K-129 còn nguyên hình hài cùng với các thiết bị của tàu, trong khi đó Scorpion dúm dó thảm hại, như là bóp đầu đuôi thụt vào với nhau! Điều này chứng tỏ thiết kế thân vỏ của Scorpion hơi có vấn đề, vì lực ép ngang lên thành tàu lớn hơn nhiều so với lực ép dọc – thêm nữa đầu đuôi của tàu có dạng thuôn hoặc vòm, tăng đáng kể khả năng chịu lực dọc thân.

1 comment:

  1. Cũng là người viết (trên các báo) tưởng tượng ra.
    Ai ở đó mà biết!
    Thôi,đọc để giải trí.

    ReplyDelete