Monday, March 3, 2014

Tai nạn tàu ngầm K-429: khi mệnh lệnh bất chấp thực tế (phần 1)



Ngày 24 tháng 6 năm 1983, trên đài chỉ huy chiếc tàu ngầm số hiệu K-429 của Hải quân Liên xô, thuyền trưởng Suvorov phát lệnh: "Cho tàu lặn xuống độ sâu kính tiềm vọng!". Cẩn thận chọn vùng biển nông (độ sâu chỉ chừng 40m) để kiểm tra trước diễn tập chiến đấu, ông tin chắc tàu mình có thể nổi lên an toàn. Tiếc thay, mệnh lệnh đơn giản ấy đã cướp đi sinh mạng của 16 người, và suýt nữa đặt dấu chấm hết cho toàn bộ thủy thủ đoàn cùng với con tàu.

K-429 có một lịch sử phục vụ lâu dài trong Hải quân. Thuộc đề án 670, nhóm 670-Skat mà Nato gọi là Charlie-I, lớp tàu này có nhiệm vụ tấn công tàu nổi đối phương bằng ngư lôi và tên lửa có cánh, loại phóng từ dưới mặt nước. Hệ động lực của tàu gồm có lò phản ứng làm mát bằng nước, động cơ diesel và ắc-quy dự phòng. Ngoài 8 tên lửa có cánh, tàu có thể phóng đi 16 ngư lôi từ tổng cộng 6 ống phóng phía mũi tàu. Vào tình huống báo động cao, tàu có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân trong 2 tên lửa và 2 ngư lôi. Tuy hỏa lực rất đáng nể so với lượng choán nước chừng 5000 tấn khi lặn, song các nhà thiết kế buộc phải hy sinh một phần dự trữ nổi của tàu. Theo đó, khi một khoang (trong số 7 khoang kín của tàu) bị ngập toàn bộ, tàu sẽ mất sức chiến đấu và buộc phải nổi lên mặt nước. Hoàn thành năm 1972, tàu K-429 đã tham gia nhiều đợt huấn luyện và thuộc thành phần trực chiến thường xuyên của hạm đội Thái Bình Dương.

Tháng 5-1983, nó quay về cảng sau đợt tuần tiễu kéo dài 6 tháng. Theo kế hoạch, tàu cần phải được sửa chữa một số trục trặc kỹ thuật. Song các kỹ sư đã không thể khắc phục hoàn toàn, họ đề xuất mở một đợt sửa chữa quy mô lớn hơn, bắt đầu từ ngày 1-10 cùng năm. Trong lúc đó, thuyền trưởng K-429 chờ thuyên chuyển về Hạm đội Biển Bắc, còn thủy thủ đoàn tạm thời giải tán.

Do những thông tin khác nhau về tình trạng kỹ thuật của tàu, chỉ huy hạm đội đã quyết định giữ nó lại trong biên chế trực chiến thường xuyên, song lại không thông báo cụ thể cho thuyền trưởng, cũng như cho các thủy thủ. Ngày 20-6, Tham mưu trưởng hạm đội Thái Bình Dương – Chuẩn Đô đốc Yerofeyev ra lệnh cho Suvorov đưa K-429 tham gia diễn tập bắn ngư lôi, vào ngày 23-6!

Choáng váng vì mệnh lệnh bất ngờ, Suvorov tìm cách triệu tập thủy thủ đoàn của mình, vốn chỉ có 87 người. Hơn một nửa (47 người) đã không kịp tập trung đúng hẹn, khiến ông không còn cách nào khác là phải nhận thêm 80 thủy thủ mới từ các tàu khác, với hy vọng rằng số lượng có thể bù đắp được thiếu hụt kỹ năng. Một thủy thủ đoàn ô hợp lên đến 120 người – quá thừa cho biên chế chiến đấu, hai phần ba không được huấn luyện, tập trung chỉ 3 giờ trước khi rời bến – là nỗi kinh hoàng cho bất kỳ thuyền trưởng quân sự nào. Theo chuẩn mực của Hải quân lúc đó, thuyền trưởng thậm chí còn không được phép ra biển nếu 30% quân số bị thay thế. Một thủy thủ đoàn như vậy bị coi là không đủ năng lực. Song Suvorov không thể từ chối mệnh lệnh – mọi yêu cầu hủy cuộc diễn tập đều bị cấp trên dọa đưa ra tòa án binh. Câu nói thường gặp thời đó: "Đặt thẻ Đảng và quân hàm lên bàn!" – hàm ý rời bỏ chức vụ và ra khỏi Đảng Cộng sản, cũng có nghĩa là sự nghiệp tiêu vong.

Lo ngại về an toàn, Suvorov âm thầm quyết định cho tàu lặn thử để kiểm tra toàn bộ tính năng trước khi diễn tập chiến đấu mà không thông báo với chỉ huy hạm đội. Tính cẩn trọng này đã cứu mạng ông và nhiều người khác, song không đủ để cứu ông khỏi án tù 10 năm – một án tù oan uổng.

(Còn tiếp)

Dựa theo tư liệu từ pravda.ru, sgan2009.ru, warsonline.info, razlib.ru, wikipedia.org và các trang khác. Biên tập và hiệu đính:oaht uv.

* Tai nạn tàu ngầm K-429: khi mệnh lệnh bất chấp thực tế (phần 2)
* Tai nạn tàu ngầm K-429: khi mệnh lệnh bất chấp thực tế (phần 3 - hết) 

No comments:

Post a Comment