Monday, March 3, 2014

Tai nạn tàu ngầm K-429: khi mệnh lệnh bất chấp thực tế (phần 3)



* Tai nạn tàu ngầm K-429: khi mệnh lệnh bất chấp thực tế (phần 1)
* Tai nạn tàu ngầm K-429: khi mệnh lệnh bất chấp thực tế (phần 2) 




Chẳng may, việc sơ tán toàn bộ thủy thủ đoàn khỏi một tàu ngầm bị đắm chưa từng thành công. Mọi nỗ lực trước đó đều dẫn đến kết quả thảm khốc. Trong lúc các thành viên cứu hộ còn đang bàn cãi xem đâu là cách tốt nhất, thì ở dưới đáy biển, Gusev và Suvorov đã quyết định hành động: cho thủy thủ bơi tự do ra ngoài, thông qua ống phóng lôi ở khoang 1 và cửa ra vào ở khoang 7.

Chỉ huy kiên quyết, duy trì kỷ luật và gương mẫu của Suvorov và Gusev đã làm an lòng các thủy thủ, mang lại kết quả không ngờ. Ngoài 2 người bơi ra để gọi cứu hộ từ đầu, 102 người khác đã thoát ra an toàn, chỉ có thêm 2 người hy sinh. Toàn bộ quá trình giải cứu diễn ra trong vòng 2 ngày đêm liên tục.

Phút chót, trong tàu chỉ còn lại Gusev và Suvorov. Họ tranh luận về việc ai sẽ là người rời tàu sau cùng. Gusev phải dùng cấp bậc của mình để ra lệnh cho Suvorov rời tàu trước. Ông cũng đưa cho Suvorov chìa khóa tủ tài liệu của mình ở căn cứ, nơi lưu lại toàn bộ các báo cáo của Suvorov về tình trạng không sẵn sàng của tàu trước khi rời bến và nói:

- Tôi ra lệnh cho anh, Nikolai Suvorov, thoát ra và báo cáo toàn bộ sự thật.

Các thủy thủ không được lên bờ ngay. Họ trải qua 3 ngày trong cabin tăng áp để tránh bệnh khí ép, xảy ra khi nổi lên đột ngột từ độ sâu lớn. Đến lúc Suvorov về căn cứ, ông nhìn thấy tủ tài liệu đã bị phá khóa, bên trong trống trơn ....

Về lý thuyết, lẽ ra những vụ tai nạn như thế này phải được phân tích kỹ lưỡng, và lấy làm tài liệu đào tạo cho các thuyền trưởng khác. Song Hải quân Liên Xô đã làm điều ngược lại. Họ đưa Suvorov ra tòa án binh, xử ông 10 năm tù và thông báo cho các thuyền trưởng khác rằng tàu K-429 bị đắm do thủy thủ đoàn hành động thiếu chính xác trong lúc lặn thử! Như thể Suvorov không từng làm thuyền trưởng tàu ngầm 10 năm liền, và là một trong những thuyền trưởng dày dạn nhất cho đến lúc đó.

Trong tai nạn này, người ta ghi nhớ những hành động anh hùng của thủy thủ trên tàu. Như hạ sĩ quan Lyashuk, người chạy từ khoang 4 sang khoang 3 để ngắt ắc-quy khi nước tràn vào, và lại quay về vị trí ở khoang 4. Anh hy sinh tại đó.

Đó là sĩ quan trưởng khoang Kurochkin và sĩ quan lò phản ứng Petrov leo lên để tìm cách đóng cửa thông gió khoang 4. Về sau xác của họ được tìm thấy, mắc kẹt trong ống gió.

Đó là hạ sĩ quan Bayev, người đã hướng dẫn 22 thủy thủ thoát ra bằng lối thoát khẩn cấp ở khoang 7, vốn được thiết kế để dùng khi tàu đang nổi. Họ là những người đầu tiên ra khỏi một tàu ngầm bị đắm theo cách này.

Đó là bác sĩ Krasnov, người giám sát các thiết bị thở, tính toán lượng tiêu thụ oxy và phân phối chúng cho các bình khí cá nhân, sao cho mọi người duy trì sức khỏe đến phút cuối cùng.

Vài sự kiện lặt vặt xảy ra sau này, không đáng để ghi nhớ:

Một năm sau, Hải quân Liên Xô mới trục vớt K-429 lên, sửa chữa và chuyển thành tàu huấn luyện. Tháng 9-1985, tàu bị đắm một lần nữa.

Chưa đầy 3 năm sau, không học được gì từ vụ K-429, một chiếc tàu khác đã gặp phải tai nạn tương tự - tàu K-219, làm đắm tàu và 7 người chết. Đầu đạn hạt nhân bị mất.

Suvorov được ân xá năm 1987, qua đời năm 1998 tại Saint-Peterburg.

Tham mưu trưởng hạm đội Thái Bình Dương – Chuẩn Đô đốc Yerofeyev về sau được thăng lên chức Đô đốc, và trở thành Tổng tư lệnh hạm đội Biển Bắc. Dưới thời ông ta, Biển Bắc mất chiếc tàu ngầm K-278 Komsomolets – "Con cá vàng" của Hải quân Liên Xô.

(Hết) 

No comments:

Post a Comment