Thursday, March 13, 2014

Vụ tai nạn tàu ngầm K-278 Komsomolets, 25 năm nhìn lại (phần 2)






Từ sau khi biên chế vào Hạm đội Biển Bắc, tàu tham gia vào các nhiệm vụ thử nghiệm và tập huấn khác nhau. Đến tháng 6 năm 1985, K-278 bắt đầu trở thành tàu hoạt động độc lập thường xuyên. Song phải tới giữa năm 1987, tàu mới được chính thức coi là trải qua hết giai đoạn thử nghiệm với các bài tập phức tạp: phóng lôi từ độ sâu 800m nước, lặn và đi ngầm ở độ sâu 1027m, nổi khẩn cấp bằng cách thổi khoang dằn, cho thổi dằn bằng thuốc súng, thử nghiệm tấn công hạt nhân giả định và chống tàu xâm nhập. Tháng Giêng năm 1989, tàu được đặt tên riêng Komsomolets, vinh dự mà chỉ có một số ít tàu ngầm của Hải quân Liên xô nhận được. Trong tiếng Nga, Komsomolets có nghĩa là Đoàn viên Thanh niên Cộng sản.

Ngày 28 tháng 2 năm 1989, K-278 Komsomolets xuất phát làm nhiệm vụ trực chiến lần thứ ba, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Vanin. Kíp thủy thủ chính ở lại trên bờ, thay thế họ là kíp dự bị của tàu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu lên đường trở về. Vào ngày 7 tháng 4 năm 1989, họ đang trên biển Barents, cách đảo Bear Island (Na-uy) khoảng 180 km về phía tây nam, hành trình với tốc độ 8 hải lý ở độ sâu 350m. Nếu giữ nguyên tốc độ và hướng đi, khoảng 3 ngày nữa tàu sẽ về đến cảng Murmansk thuộc Liên Xô.

11:03 Tín hiệu cảnh báo đầu tiên xuất hiện trên bảng điều khiển. Nhiệt độ trong khoang số 7 (khoang sát với chân vịt nhất) đã lên đến trên 70 độ và tiếp tục tăng. Liên lạc với thủy thủ trực khoang không có trả lời.

Nodari Buchnikashvili là được coi là nạn nhân đầu tiên của vụ tai nạn. Chỉ huy tàu cử một hạ sĩ quan khác đến kiểm tra tình hình tại khoang. Ngạt thở trong đám khói độc, anh chỉ kịp xác nhận hỏa hoạn rồi hy sinh ngay sau đó. Nguyên nhân thực sự đến giờ vẫn chưa rõ, song người ta nghi ngờ các thiết bị điện chập mạch và phát lửa.

Tình huống hỏa hoạn trên tàu ngầm, nhìn chung đã được các nhà thiết kế dự liệu. Do không gian tàu rất chật hẹp, nhiều động cơ và thiết bị điện tử hoạt động chồng chéo nên rủi ro cháy nổ luôn luôn chực chờ. Để đối phó với nguy cơ này, các tàu biển – dù là tàu chiến hay tàu thường – đều phải có phương tiện dập lửa và cứu người trong đám cháy. Với thiệt hại ở mức 2 sinh mạng, tạm thời có thể coi đây chỉ là một sự cố nhỏ.

11:12 Báo động khẩn cấp. Tàu bắt đầu nổi dần lên mặt biển. Nỗ lực dập lửa bằng hệ thống cứu hỏa tự động trong khoang 7 không thành công.

Mặc dù được trang bị hệ thống cứu hỏa trong từng khoang, song rõ ràng nó không có hiệu quả đối với K-278. Đám cháy tiếp tục lan rộng, và giờ đây ngọn lửa đã làm hư hại hệ thống điện động lực của tàu. Khi lên đến độ sâu 150m, thiết bị bảo vệ lò phản ứng hạt nhân phát hiện ra sự cố đã tự động kích hoạt. Thiết bị này đảm bảo tàu không bị rò rỉ hạt nhân khi xảy ra các sự cố phi hạt nhân, nó tự động thực hiện quy trình dập lò khẩn cấp và khóa lại một cách an toàn.

An toàn cho lò phản ứng, chẳng may lại không đồng nghĩa với an toàn cho tàu và thủy thủ đoàn. Giờ đây không còn động cơ chính, tàu bị mất lực đẩy và nó có nguy cơ chìm xuống đáy biển. Thuyền trưởng buộc phải ra lệnh cho tàu nổi lên khẩn cấp bằng cách thổi khoang dằn.

Đó là một quyết định hợp lý xét theo tiến trình của sự kiện, song như các cuộc điều tra về sau cho thấy, chính quyết định này đã hạ gục con tàu. Vấn đề ở chỗ khi thổi khoang dằn, đường ống dẫn khí nén ở khoang 7 bị vỡ. Ngọn lửa, được tiếp thêm lượng lớn oxy từ khí nén, bùng phát đến mức hoàn toàn mất kiểm soát. Những gì lẽ ra không cháy thì bây giờ cũng bén lửa. Nhiệt độ tăng cao, cùng với áp suất lớn từ khí nén xả vào, khiến hỏa hoạn lan sang khoang 6 ở bên cạnh, là nơi chứa động cơ. Hiển nhiên dầu máy trong khoang nhanh chóng bắt lửa, làm cho nhiệt độ đám cháy lên tới trên 1000 độ C, bắt đầu ảnh hưởng đến kết cấu của tàu.

11:16 Tàu nổi lên mặt nước. Hai khoang số 6 và 7 đã cháy, khói tràn ngập trong các khoang 2, 3 và 5. Thuyền trưởng cho dùng điện từ ắc quy dự trữ, đồng thời cho khởi động máy phát diesel dự phòng. Khoảng 11:30, bắt đầu phát tín hiệu cấp cứu mã hóa.

Do kỷ luật của Hải quân Liên xô và đảm bảo bí mật quân sự, các tàu chiến của họ không được phép yêu cầu trợ giúp trên dải tần số cứu hộ hàng hải thế giới. Nếu họ dùng tần số này, các tàu thuyền dân sự của Na-uy ở gần khu vực đó sẽ nhận được, và có thể đến sớm hơn nhiều so với chiến dịch cứu hộ của Hải quân.

Trong lúc đó, khí nóng từ đám cháy quay ngược trở lại các khoang dằn mạn phải. Nó làm nóng không khí có sẵn trong đó khiến tàu bị nghiêng về mạn trái. Không biết nguyên nhân làm tàu nghiêng, thủy thủ đoàn tìm cách thổi khoang dằn mạn trái để lấy lại thăng bằng. Và cũng như lần trước, không khí nén mang thêm oxy vào đám cháy, làm nó bùng lên. Lần này, hệ thống thông gió của tàu bị khói xâm nhập. Các thủy thủ, từ trước đến giờ vẫn nhận được không khí sạch từ ống thông gió, giờ đây bị ngạt và buộc phải chui ra ngoài. Những vị trí bắt buộc còn lại chuyển sang dùng bình khí cá nhân – vốn chỉ thiết kế để một người thở trong khoảng 30 phút.

Hạ sĩ quan Sliusarenko kể lại trong hồi ký:

"Còi báo động vang lên lúc tôi đang nghỉ sau phiên trực. Chạy bổ về vị trí, chúng tôi nhận lệnh đi tìm kiếm những người còn kẹt lại ở các khoang ... Chín người vào khoang số 5, ở đó họ bị bén lửa ... Chúng tôi lôi họ ra ngoài, rồi quay lại dập lửa ở khoang 5 ... Họ huấn luyện chúng tôi, khi thấy hỏa hoạn phải đóng chặt cửa khoang, còn khi thấy khí nén lọt vào thì phải mở khoang để thông khí. Bây giờ vừa có hỏa hoạn, vừa có khí nén thì phải làm gì? Tôi không biết."

14:40 Máy bay cứu hộ tới vị trí tai nạn. Các chỉ chị cho họ rất rõ ràng: thiết lập liên lạc với tàu, quan sát và báo cáo tình hình.

Cho đến lúc này, mặc dù chịu một số thiệt hại song về cơ bản thuyền trưởng vẫn cho là kiểm soát được tàu. Ngoại trừ bốn người thiệt mạng, các thủy thủ còn lại chỉ bị thương nhẹ do bỏng, một ít do ngạt khói. Máy bay phát hiện thấy khói vẫn tiếp tục bốc lên từ trong tàu, còn ở đuôi tàu phía ngoài, nước đang sôi tạo thành nhiều bọt khí. Lớp dán cao su bảo vệ tàu chống dò quét bằng sóng âm, do không chịu được nhiệt độ cao, đang bong ra từng mảng lớn. Tàu đã sử dụng hết dự trữ khí nén, giờ đây chỉ còn động cơ diesel dự phòng cung cấp điện cho thiết bị liên lạc.

Thực ra đến thời điểm này, số phận con tàu đã được định đoạt, song bề ngoài không ai nhận ra điều đó. Đám cháy tiếp tục, và nó đang gặm nhấm dần từng khu vực. Hệ thống khoang dằn và bình khí nén bị hư hại đến mức nguy hiểm, nếu cố sử dụng chỉ làm tàu chìm nhanh hơn. Thuyền trưởng không nắm được tình hình, vì các cơ cấu điều khiển con tàu đã hỏng. Tin vào dự trữ nổi cực lớn, ông cho rằng nó không thể bị chìm và vì thế, không cho thủy thủy chuẩn bị tình huống rời tàu.

16:35 Phát hiện tàu đang bắt đầu chìm từ phía lái. Thuyền trưởng ra lệnh chuẩn bị rời tàu, đồng thời phát tín hiệu yêu cầu cho di tản 69 người. Đến 17:08 tàu chìm hoàn toàn.

Toàn bộ thủy thủ đoàn hầu như chưa chuẩn bị gì cho tình huống này. Tới lúc nó chìm hẳn, người ta mới kịp hạ thủy hai xuồng cứu sinh, song một chiếc bị lật úp. Chiếc còn lại chỉ đủ chỗ cho 20 người. Nhiều người còn trên boong bị rơi xuống nước, một số may mắn hơn bám được vào mạn xuồng.

Những người khác vẫn còn kẹt trong tàu. Chỉ 5 người kịp chui vào khoang cứu hộ, đó là thuyền trưởng Vanin, hạ sĩ quan Sliusarenko và 3 người khác. Song do nổi lên quá nhanh và nắp không đóng chặt, áp suất bên trong phá tung cửa khoang khi nó vừa chạm mặt nước. Bốn người kia chết do khí ép, chỉ có một mình Sliusarenko, vì bị mắc vòi hơi mặt nạ dưỡng khí nên thoát nạn một cách hết sức tình cờ. Anh trèo ra ngoài và được đồng đội vớt lên, trong khi khoang cứu nạn lại chìm xuống cùng với con tàu.

Nhiệt độ nước biển lúc đó chỉ là +2 độ C, sóng cao gần 2m. Các thủy thủ còn phải ngâm mình trong nước biển đến 18:20 mới có tàu đến cứu. Theo các nhà khoa học, người ta chỉ có thể chịu được nhiệt độ đó trong khoảng 15-20 phút. Thế nhưng những người còn sống sót đã ngâm trong nước biển tới 30-40 phút, những người nhiều nhất – hơn một giờ đồng hồ. Nhiều thủy thủ đã chết vì lạnh – tàu cứu hộ chỉ vớt được 30 người còn sống, mà trong số đó 3 người về sau không qua khỏi.

Sĩ quan Stepanov nhớ lại:

"Tôi thấy Zaitsev bám vào mạn xuồng. Đến khi tay bị cóng, anh ấy cắn chặt vào áo khoác của ai đó ... Không biết người ta đưa tôi lên boong như thế nào ... Họ ủ ấm chúng tôi, cho ăn súp. Nhưng tay tôi run đến mức không thể xúc được. Y tá phải mang cho tôi một lon sữa đặc có đường ..."

* * *

Hải quân Liên Xô, với sự trợ giúp của các thiết bị không người lái, đã khảo sát khả năng trục vớt con tàu. Họ chịu áp lực từ Na-uy, vốn lo ngại về khả năng rò rỉ hạt nhân từ lò phản ứng và đầu đạn ngư lôi còn lại. Sau nhiều lần xem xét các phương án, cuối cùng Hải quân đi đến quyết định không trục vớt con tàu này. Có thể kể đến 3 lý do chính. Thứ nhất, dù có vớt lên được cũng không thể làm rõ hoàn toàn nguyên nhân vụ hỏa hoạn. Cả khoang 7 giờ là một mớ kim loại nóng chảy hỗn độn. Thứ hai, chi phí trục vớt ước lượng từ 300 triệu đến 2 tỷ dollar Mỹ, quá đắt so với khả năng tài chính của Nga thời hậu Xô-viết.

Thứ ba, vỏ bền của tàu bị hư hại nặng do ngư lôi đầu đạn thường phát nổ dưới áp lực nước trong lúc đang chìm, khiến nó có thể vỡ ra trong lúc trục vớt. Nếu điều đó xảy ra, lò phản ứng sẽ tái khởi động, làm cho nguy cơ nhiễm xạ trở nên lớn hơn rất nhiều so với hiện nay. Để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ từ các đầu đạn, người ta phải cho hàn kín khoang chứa ngư lôi và lò phản ứng, nhằm hạn chế sự ăn mòn của nước biển. Ngoài ra, Hải quân cũng định kỳ lấy mẫu nước ở khu vực tàu chìm để xét nghiệm các dấu hiệu của ô nhiễm hạt nhân.

Tổng cộng có 27 thủy thủ được cứu sống, 42 người hy sinh. Nhiều người trong số họ quay lại phục vụ Hải quân trên những con tàu khác cho tới lúc giải ngũ. Tất cả thủy thủ đoàn – dù còn sống hay đã hy sinh – đều được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ. Hàng năm, vào ngày tàu đắm, họ vẫn tập trung tại quân cảng Leningrad để làm lễ tưởng niệm những đồng đội đã yên nghỉ trong biển lạnh, cách xa đất liền và người thân, nơi chỉ có bóng tối bao trùm.

Nếu có dịp, các bạn có thể ghé thăm một kỷ vật được trục vớt lên – đồng hồ chính của tàu K-278, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hải quân Leningrad. Nó vĩnh viễn dừng lại ở 5h43 chiều, ngày mồng 7 tháng Tư năm 1989.

Chú thích: tổng hợp từ các trang pravda.ru, narod.ru, wikipedia.org, radiovesti.ru, unikteh.ru và các website khác. Biên tập và hiệu đính: oaht uv.

2 comments:

  1. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của mình (Kể từ năm 2015) sẽ là một chuyến tham quan nước Nga và ghé Saint Petersburg :-).

    ReplyDelete
    Replies
    1. Huhu, mình chỉ mơ ước được xem kim tự tháp của người Ai Cập và người Maya, không biết mất mấy lần kế hoạch 5 năm đây.

      Delete