Thursday, September 4, 2014

Chết tiệt! Hãng hàng không hủy chuyến bay của bạn rồi à? Họ có lý do để làm việc đó!



Đây là một bài báo hay về nạn hủy chuyến của các hãng hàng không, lấy số liệu từ Mỹ. Mình lược dịch lại, hy vọng các độc giả làm chuyên về ngành này ở Việt nam lên tiếng.

Link đến bản gốc:
http://www.newrepublic.com/article/119252/airline-cancellations-arent-save-money-serve-customers

= = = = 

Chết tiệt! Hãng hàng không hủy chuyến bay của bạn rồi à? Họ có lý do để làm việc đó!

Diễn viên hài Louis CK không thể kiên nhẫn với những hành khách phàn nàn về chuyến bay, và ông chế giễu họ: “Cho người ta lên máy bay, và người ta bắt đầu than vãn. Xuống máy bay, đi đến nhà bạn, và người ta tiếp tục kêu ca về chuyến bay … Đó là ngày tệ nhất đời tôi! Họ bắt chúng tôi chờ trên đường băng tận 40 phút!” Những người khác hỏi lại: “Ôi trời, thật thế à? Tận 40 phút kia à? Sao bạn không kiện cái hãng ấy ra tòa đi?”

Tất nhiên ông ta có phóng đại chút ít, nhưng vào ngày lễ Lao Động này, các bạn sẽ thấy nhiều người than phiền về các chuyến bay, và tệ nhất, đương nhiên là than phiền về nạn hủy chuyến.

Năm ngoái (2013), có chừng 62 ngàn chuyến bay lên lịch để phục vụ ngày lễ này, trong số đó chừng 500 chuyến bị hủy, theo con số của Văn phòng Thống kê Giao thông Hoa kỳ. Năm nay chắc còn nhiều hành khách hơn năm ngoái, và tỷ lệ hủy chuyến cũng ở mức tương tự. Vài hãng đề nghị bồi thường cho khách bị hủy chuyến ở mức rất hậu hĩnh, ví dụ như một chuyến bay khứ hồi tới Sydney, song hành khách vẫn không hài lòng. Thậm chí ngay giữa một cơn bão nhiệt đới, người ta vẫn than phiền về chuyện hủy chuyến. Còn nếu không có lý do cụ thể, hành khách có thể điên tiết lên mà buộc tội hãng hàng không là một lũ ích kỷ và bất lực.

Thoạt nhìn, có vẻ công việc duy nhất của hãng hàng không là đầy đọa cuộc sống của bạn. Song với kinh nghiệm của một giáo sư vận hành công nghiệp hàng không, và đã nghiên cứu về ngành này 20 năm nay, tôi nhận ra rằng việc hủy chuyến tuy có lợi cho ngành hàng không, nhưng có lợi cho hành khách thậm chí còn nhiều hơn thế.

Các hãng không hủy chuyến bay để tiết kiệm tiền. Họ hủy chuyến để tránh bị hủy / hoãn chuyến trên diện rộng”.

“Họ toàn làm thế! Nếu không có đủ khách bay là họ hủy chuyến để khỏi mất tiền xăng dầu!” Lập luận về việc hủy chuyến có lợi cho hãng, và gây thiệt hại cho hành khách, là một ý tưởng dễ chấp nhận. Nó cũng phù hợp với logic, nếu xét đến một chuyến bay đơn độc. Song chẳng may lại không phải thế, các chuyến bay nằm trong một hệ thống cực kỳ phức tạp. Bạn xem hình ví dụ dưới đây:



Đây là lịch bay của chiếc máy bay số hiệu N654SW trong ngày 11 tháng 10 năm 2013. Máy bay này khởi hành từ Providence, bay lần lượt tới Baltimore, Newark, Norfolk, Atlanta, Austin, Dallas, Amarillo, Denver, Salt Lake City, Oakland và cuối cùng hạ cánh xuống Ontario ở California.

Nếu bạn hủy chuyến Baltimore đi Newark, bạn được lợi tiền xăng dầu từ chuyến bay này, song bạn sẽ tạo ra một loạt các vụ hủy chuyến dây chuyền, vì không có máy bay ở Newark đi Norfolk, và không có máy bay ở Norfolk đi Atlanta. Cộng cả các chuyến bay đường dài xuyên lục địa, một máy bay trung bình bay 4.5 chuyến mỗi ngày, và bay tới 3.5 thành phố khác nhau.

Để làm cho mọi việc thêm phần phức tạp, tổ lái và tiếp viên không phải lúc nào cũng đi theo máy bay. Phi hành đoàn cất cánh từ Baltimore chỉ có thể bay tới Denver là hết số giờ bay theo quy định. Họ có thể ngủ lại Denver để sáng hôm sau đưa một chuyến bay khác từ Denver đi Chicago. Nếu bạn hủy chuyến Baltimore đi Newark, bạn không có cơ trưởng ở Denver sáng hôm sau cho chuyến Chicago!

Trừ vài tình huống oái oăm, hành khách không bao giờ vui vẻ khi họ bị hủy chuyến. Song bạn có thể được lợi khi chuyến bay của người khác bị hủy. Về chiến lược, hãng có thể hủy một vài chuyến bay nhỏ, gây phiền phức một số ít hành khách, để tránh gây ra tác động dây chuyền lên hàng loạt chuyến tiếp theo. Thường các hãng sẽ cố xếp lịch để máy bay chờ tại sân bay càng ít càng tốt. Song chính vì thế, nếu nó trễ một giờ vì trục trặc kỹ thuật ở chuyến bay Baltimore đi Newark, nó sẽ tiếp tục trễ một giờ ở chuyến sau, và chuyến sau, và chuyến sau nữa.

Nhưng ta giả sử lịch bay của nó không phải là Baltimore đi Newark rồi đi Norfolk, mà là Baltimore đi Newark, quay về Baltimore, xong bay đi Atlanta. Trong tình huống này, nếu ta hủy 2 chuyến đi Newark và quay về Baltimore, ta sẽ có thời gian để sửa chữa sự cố, ta có máy bay và phi hành đoàn ở đúng thời gian và đúng địa điểm cho chuyến tiếp theo. Thay vì 10 chuyến trễ, ta có hai chuyến hủy.

Điều này thực sự xảy ra với các hãng hàng không. Các chuyến bị hủy thường là chuyến bay tới và bay về từ một sân bay nhỏ, nơi máy bay chỉ đến đó rồi quay trở lại sân bay lớn. Điển hình như các sân bay Mammoth Lakes ở California; Kodiak ở Alaska và Dubuque ở Iowa.

Hủy chuyến giờ đây vất vả hơn trước.

Vấn đề nằm ở việc tái đặt chỗ trên các chuyến bay sau. Thời trước, tỷ lệ lấp đầy các chuyến bay (load factor) còn thấp, nhưng đã tăng lên tục từ xấp xỉ 72% (năm 2002) lên 83% (năm 2013). Thêm vào đó, thời trước có nhiều chuyến bay hơn tới cùng một thành phố. Vì vậy khách hủy chuyến có thể được đặt chỗ lại ngay trong ngày.

Giờ đây việc tái đặt chỗ trở nên khó khăn hơn trước. Khi giá nhiên liệu tăng (phần chi phí lớn nhất trong mỗi chuyến bay), ngành hàng không buộc phải cắt giảm số dôi dư. Ngoài việc có ít chuyến bay hơn, điều đó có nghĩa là mỗi chuyến bay cũng sẽ có ít ghế dư hơn. Thời trước, bạn có thể may mắn ngồi cạnh cửa sổ trong khi ghế giữa bỏ trống, nhưng giờ đây nhiều khả năng bạn phải ngồi đúng cái ghế giữa đó.

Giả dụ bạn điều hành một chặng bay có tỷ lệ lấp đầy 80%. Nếu bạn hủy một chuyến, bạn sẽ cần 4 chuyến khác để chở đủ số hành khách từ chuyến bay bị hủy. Với tỷ lệ lấp đầy ở mức 95%, bạn phải có 19 chuyến khác mới chở được hết số khách đó! Vì vậy, các hãng giờ đây cố gắng không hủy chuyến, vì biết rằng họ có ít cơ hội tái đặt chỗ cho số lượng khách này.

Làm thế nào để tránh bị hủy chuyến, hoặc tái đặt chỗ nếu chuyến bay bị hủy?

Bạn cần biết là chuyến bay có thể bị hủy do thời tiết, do sự cố, do tắc nghẽn không lưu và nhiều lý do khác. Tuy vậy, thống kê cho thấy chừng 1.5% số chuyến bay nội địa Mỹ bị hủy, tức là nếu bạn bay 2 chuyến mỗi tuần, thì cả năm bạn bị hủy chuyến một lần. Bạn có thể giảm nguy cơ bị hủy chuyến, bằng cách chọn chuyến bay sớm trong ngày, chọn chuyến bay thẳng tới đích, hoặc chọn hãng hàng không có nhiều chuyến cùng đến thành phố đó.

Khi bị hủy chuyến, đăng nhập vào website của hãng hoặc gọi phòng vé sẽ nhanh hơn đứng xếp hàng ở quầy vé sân bay. Đưa ra yêu cầu cụ thể cho nhân viên, ví dụ thay cho “Tôi bị hủy chuyến và tôi cần một chuyến khác”, bạn nên yêu cầu “Đặt cho tôi chỗ trên chuyến bay MH170 cất cánh lúc 10:55”. Cho nhân viên phục vụ biết nếu bạn chấp nhận đến một thành phố gần đó, ví dụ bay đi Huế chứ không đi Đà nẵng nữa. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh, thay vì than vãn và ca cẩm về chuyến bay.

No comments:

Post a Comment