Monday, August 26, 2013

Tai nạn tàu ngầm K-19 của Liên Xô (phần 2)



Xem các phần khác:

Tai nạn tàu ngầm K-19 (1)
Tai nạn tàu ngầm K-19 (3)
Tai nạn tàu ngầm K-19 (4)
= = =

Liên Xô phải trả một cái giá đắt vì nỗ lực đóng quá nhiều tàu chiến trong một thời gian ngắn ngủi. Thuyền trưởng Zateyev viết lại trong hồi ký của mình:

... Những con tàu đang hoạt động buộc phải quay về cảng để sửa chữa là một điều đáng xấu hổ. Tôi đã lập luận rằng chúng ta chỉ nên đóng một vài tàu thử nghiệm, hoàn thiện các hệ thống của chúng đến mức có thể vận hành ổn định, rồi mới sản xuất hàng loạt. Nhưng người ta đã không làm như thế, mà cứ tiếp tục sản xuất ra những con tàu không đủ tầm tham chiến.

K-19 đã hoàn thành việc thử nghiệm hệ thống tên lửa, và đang quay về nhà ở độ sâu 100m. Mọi việc đến giờ vẫn ổn. Thiếu úy Yuri Povstyev, một sĩ quan 28 tuổi, là người chịu trách nhiệm về hệ thống đẩy của con tàu. Dù vậy, anh không nắm được hết các công nghệ - làm sao mà vật liệu phóng xạ trong chu trình làm mát lại có thể biến thành hơi nước (không phóng xạ) để quay chân vịt và đẩy tàu đi. Anh chỉ hiểu được một phần, phần còn lại anh tin tưởng vào những kỹ sư chế tạo con tàu này. Nhưng ngay trước khi đổi ca, Yuri nhìn thấy dấu hiệu đầu tiên của thảm họa sắp tới.

Kim đồng hồ chỉ áp lực nước làm mát ở chu trình làm mát sơ cấp tụt về số không. Nó chỉ có thể có một ý nghĩa: chu trình này đã hỏng, và tim lò đang bị quá nhiệt. Nó có thể nóng đến mức tan chảy nếu không hành động ngay lập tức. Yuri đã thấy các bơm không thể duy trì được áp lực. Anh đoán ra nguyên nhân sự cố, một lỗi rò rỉ ống làm mát. Nó bị rò rỉ ở chỗ tệ hại nhất, chính là đoạn ống đi qua vật liệu phóng xạ cao.

Các cuộc điều tra sau này đã hé lộ nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, và có thể coi là xác nhận phán đoán của Yuri. Thuyền trưởng Zateyev kể về những bức ảnh mà nhóm điều tra cho ông xem:

... Họ cho tôi xem những bức ảnh chụp đoạn gãy trên đường ống và cho tôi đọc kết luận điều tra. Trong khi hàn đường ống làm mát sơ cấp, quy trình buộc các thợ hàn phải bọc ống bằng vải amiăng để tránh xỉ hàn hay các tia lửa bắn vào bề mặt ống. Bề mặt này phải đánh bóng để duy trì ứng suất đều trên toàn bộ ống. Tuy nhiên, do chỗ làm việc quá chật chội, các thợ hàn đã bỏ qua việc bọc ống này. Kết quả là, xỉ hàn rơi lên ống, sức căng phân tử bị thay đổi, ứng suất không đều đã làm xuất hiện các vết nứt li ti trong vật liệu làm ống.

Nếu như con tàu phục vụ mục đích dân sự, các vết nứt này có thể không gây ra thảm họa. Nhưng chẳng may lại không phải thế.

... Khi các vết nứt tiếp xúc với chloride (dù sao nước biển cũng lọt vào đáy tàu, bốc hơi rồi len lỏi vào mọi ngóc ngách), chúng làm cho nứt rộng hơn trên toàn bộ chiều dài ống. Sức bền của ống giảm đi đáng kể. Khi vận hành ở áp suất cao (lên tới 200 atm) trong một thời gian dài, ống xung áp kế bị đứt rời ra.

Dù vậy, vẫn có những nghi ngại về nguyên nhân thực sự của tai nạn. Người ta phát hiện ra lúc thử nghiệm đường ống áp lực, không có áp kế nào được gắn vào đó. Kết quả là toàn bộ đường ống bị đặt vào áp suất 400 atm, gấp đôi mức cho phép. Kiểm tra và thay thế chúng rất khó khăn cũng như tốn kém – thêm vào đó báo cáo sự cố lên cấp trên sẽ ảnh hưởng tới công danh sự nghiệp của thuyền trưởng Zateyev, vì thế ông quyết định lờ nó đi.

Sự cố xảy ra lúc khoảng 4h sáng ngày 4/7. Cách xa căn cứ 2,400km và không có phương tiện gì trong tay, toàn bộ thủy thủ đoàn phải nghĩ ra cách làm nguội lò phản ứng và ngăn ngừa một vụ nổ hạt nhân có thể xảy đến. Sau khi đánh giá tình hình, đến 6h sáng, thuyền trưởng cho tàu nổi lên mặt nước và phát tín hiệu yêu cầu trợ giúp. Chẳng may, ăng ten tầm xa của tàu không hoạt động, họ không có cách nào gọi về Moscow, và đương nhiên là chẳng có trợ giúp nào hết.

Zateyev hiểu rõ tình trạng nguy hiểm của tàu. Chính ông, và một số người khác, đã từng lên tiếng đòi hỏi phải có hệ thống làm mát dự phòng – nhưng không ai thèm quan tâm. Giờ đây, hy vọng cuối cùng của họ là bơm nước vào bình áp lực để hạ nhiệt. Muốn làm được điều đó, buộc phải phá vỏ ngoài của lò phản ứng nằm ở khoang số 6 và chui vào trong. Đây là một nhiệm vụ tự sát – tất cả những người liên quan đều biết vậy.

Khoảng 6:30 phút sáng, Zateyev quyết định hành động. Tám người trong thủy thủy đoàn vào khoang 6 để sửa lại hệ thống. Mục tiêu của họ là cắt rời van thông gió trong lò, xả bớt khí hydro để không bị nổ khi hàn, và cuối cùng là hàn ống cấp nước vào ống thông gió. Nước làm mát sẽ đi theo đường này vào làm nguội cho tim lò.

Khi họ cắt van thông gió, hơi độc phóng xạ thoát ra đã lan tỏa trong tàu. Bơm thêm nước vào lò phản ứng, hơi nước bốc lên cũng mang theo phóng xạ. Thủy thủ đoàn cho bơm nước ra khỏi lò phản ứng, và từ khoang 3 đến khoang 8 giờ đây bị nhiễm xạ trầm trọng.

Đến khoảng 8h sáng, Zateyev biết rằng những người ở khoang 6 chắc chắn sẽ tử nạn. Thảm họa hạt nhân tạm thời bị đẩy lui – song tính mạng toàn bộ thủy thủ đoàn hiện giờ giống như chỉ mành treo chuông. Để cứu họ, Zateyev biết sẽ phải chơi một ván bài liều, tiền đặt cửa là 131 con người trên tàu, kể cả ông ...

3 comments:

  1. Dĩ nhiên là tem tiếp. Quái lạ mình khoái đọc những bài khai quật thế này :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hihi không viết được tản văn thì lôi những thứ này ra viết tạm vậy . Entry kiểu này ít người đọc lắm, có một người khoái là mừng rồi :) .

      Delete
    2. Giờ làm việc mà viết blog hả sếp? :p

      Delete